Cho vay cao hơn huy động nhưng theo nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL, các ngân hàng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của họ. Trước nghịch lý này, Ngân hàng Nhà nước đã đến tận nơi để tìm hiểu và giải quyết những khúc mắc nhằm thông vốn cho "vựa nông sản" lớn nhất cả nước.
Doanh nghiệp muốn tăng hạn mức vay
Tại buổi gặp gỡ giữa ngành ngân hàng (NH) với các doanh nghiệp (DN) ĐBSCL mới đây, bà Nguyễn Thị Kim Ba, Phó giám đốc tài chính Công ty TNHH thủy sản Quang Minh (Cần Thơ, DN chuyên chế biến xuất khẩu cá tra, tôm sang thị trường Nhật) mong muốn NH tăng mức tín dụng cho DN để thu mua nguồn nguyên liệu dự trữ cho đến tháng 4 năm sau. Sở dĩ bà Kim Ba đưa ra đề nghị này vì quy mô hoạt động của DN hiện nay đã tăng lên nhiều nên nhu cầu vốn cũng tăng. Nếu trước đây, DN có khoảng 200 lao động nhưng nay tăng lên 550 lao động, doanh thu cũng lên 900 tỉ đồng. DN có quan hệ tín dụng khá tốt với NH trong 8 năm qua, kể cả những thời điểm thị trường khó khăn.
Một ngành khác cần vốn lớn đó là gạo. Với dư nợ vay USD tại NH tương đương khoảng 80 tỉ đồng, lãi suất vay 3 - 3,5%/năm trong 3 tháng, theo ông Hoàng Minh Nhật, Giám đốc Công ty CP Hoàng Minh Nhật (H.Cờ Đỏ, Cần Thơ), DN cần không phải giảm lãi suất 0,1 - 0,2%/năm mà quan trọng là NH đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời và lãi suất được duy trì ổn định. Ông Hoàng Minh Nhật cho rằng, các DN hoạt động thu mua, chế biến xuất khẩu gạo sang các thị trường châu Âu, Trung Đông, Nhật, ASEAN, Mỹ như DN ông cần nguồn vốn rất lớn, đặc biệt vào những lúc vụ mùa nên rất cần NH cho vay kịp thời.
Vay NH từ nhiều năm nay thế nhưng đến nay, đại diện Công ty Trung An (Cần Thơ) cho hay DN mới bị khó khăn do hạn mức tín dụng đã kịch trần. Hiện công ty này đang vay 3 NH với hạn mức 630 tỉ đồng/năm. Vì vậy, dù đối tác đưa tới một số hợp đồng lớn DN không dám nhận do thiếu vốn dài hạn. Nếu lấy vốn lưu động "đập" vào thì lại sợ rủi ro. Đại diện công ty cho biết, DN mong muốn được vay vốn dài hạn.
Ngân hàng điều vốn từ nơi khác về ĐBSCL
Theo báo cáo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hoạt động tín dụng những năm qua tại ĐBSCL luôn đạt mức tăng trưởng khá. Tính đến cuối tháng 4, huy động vốn của các NH tại khu vực này đạt hơn 400.000 tỉ đồng nhưng cho vay đạt trên 450.000 tỉ đồng, chiếm 7,8% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm 59%, dư nợ trung dài hạn chiếm khoảng 41%, tỷ lệ cho vay trung dài hạn có xu hướng tăng và tính đến cuối tháng 4 đã tăng 5,7% so với cuối năm 2016.
Tỷ lệ nợ xấu của vùng ĐBSCL chiếm 2,4%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của khu vực. Dù huy động thấp hơn cho vay nhưng ngành NH vẫn luôn điều chuyển nguồn vốn từ các khu vực khác để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của vùng. Ông Trần Hữu Hiệp - Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, nhận xét đây là điểm sáng nổi bật của hoạt động tín dụng tại khu vực ĐBSCL khi tỷ lệ tín dụng cao hơn huy động, điều này cũng phần nào thể hiện sự nỗ lực của ngành NH phát triển ngành nghề trọng tâm nông nghiệp, nông thôn tại khu vực này. Thế nhưng không những NH cần sự nỗ lực mà ông Trần Hữu Hiệp cho rằng cả DN cũng cần nhìn lại việc quản trị DN cần được năng cao, nâng cao năng lực tài chính khi tiếp cận nguồn vốn NH.
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN khẳng định: “NH không thiếu vốn, các NH hiện đang gửi tiền về NHNN, mua trái phiếu nhiều và hiện thanh khoản dồi dào. NH huy động tiền thì không có lý gì cất tiền mà không cho DN vay”.
Liên quan đến nguồn vốn trung dài hạn, ông Đào Minh Tú cho hay về nguyên tắc, vốn trung dài hạn được giải quyết qua thị trường vốn. NH hiện đang "căng mình" để giải quyết gần như tất cả nhu cầu vốn của nền kinh tế trong bối cảnh cổ phần hóa còn chậm, thị trường chứng khoán chưa phát triển. Trong khi đó, các NH huy động tiết kiệm chủ yếu là ngắn hạn, ít người gửi 2 - 3 năm. Huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn là bài toán khó mà ngành này phải đối mặt. Dù khó nhưng ông Đào Minh Tú vẫn yêu cầu các NH tập trung vốn, mạnh dạn cho vay và xử lý những vướng mắc cho DN. Không để các DN có dự án tốt, hợp đồng tốt lại thiếu vốn kinh doanh.
Bình luận (0)