Ông là một giáo sư tại Đại học Quốc gia Seoul.
Từ câu nói vui đó, tôi đã làm một cuộc “khám phá” sân bay Tân Sơn Nhất để coi vì sao ông giáo sư này lại có ý kiến khôi hài như vậy.
Còn thiếu tinh thần tự tôn dân tộc
Dọc theo lối đi dẫn vào các khu vực cổng lên máy bay chiếm đa số là các cửa hàng sáng loáng ánh đèn của các nhãn hiệu cao cấp nước ngoài. Một vài gian hàng của công ty Việt Nam chủ yếu bán hàng lưu niệm nằm lọt thỏm bên trong.
Hình như phân khúc thị trường này quá nhỏ bé nên các doanh nghiệp Việt Nam bỏ qua chăng? Theo tôi, các cửa hàng trong những khu vực như vậy ngoài chức năng mang lại doanh thu trực tiếp còn có chức năng quảng bá thương hiệu rất tốt, vì số lượng hành khách vãng lai lớn và thuộc nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng tiêu dùng cao.
Đó là chưa nói đến chức năng xã hội của doanh nghiệp khi góp phần quảng bá hình ảnh hàng Việt Nam với người tiêu dùng. Một điều đáng nói nữa là đồng VND cũng không được xem là tiền tệ chính, thậm chí bắt buộc trong mua bán tại đây. Hầu hết hàng hóa được niêm yết giá và giao dịch bằng USD.
Điều này trái ngược hoàn toàn với những sân bay quốc tế tôi có dịp ghé lại như Narita (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc) hay Hong Kong. Hàng hóa thường được niêm yết và bán thông qua đồng nội tệ. Khách muốn mua hàng vui lòng đến quầy đổi tiền nằm trong sân ga để đổi ra đồng nội tệ mới mua được. Đồng ngoại tệ tạo ra sự linh hoạt trong kinh doanh nhưng đồng nội tệ tạo ra tính độc lập kinh tế.
|
Vấn đề thứ hai là sự áp đảo trong ngôn ngữ. Đáng lý ra ngay tại Việt Nam, dù có là sân bay quốc tế chăng nữa thì ngôn ngữ chính phải là tiếng Việt, ngôn ngữ bản địa. Nếu tôi không lầm thì tại các phiên họp quốc tế của Liên Hiệp Quốc, đại biểu quốc gia nào sử dụng ngôn ngữ quốc gia đó để phát biểu. Biết là nói sẽ chẳng ai hiểu, muốn hiểu phải qua phiên dịch, nhưng vẫn phải làm vậy vì đó là sự thể hiện tính độc lập ngôn ngữ, một phần của văn hóa dân tộc.
Ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất lại khác. Ngôn ngữ nói và viết trên các bảng hiệu gần như bằng tiếng Anh. Người Việt Nam nào không biết tiếng Anh vào đây sẽ nghĩ gì khi ngay tại đất nước mình họ vẫn bị lạc lõng và cản trở về mặt ngôn ngữ?
Tôi nhớ những lần ghé lại sân bay quốc tế Narita, Seoul, thậm chí Hong Kong - những nơi tiếng Anh được dùng rất phổ biến, tiếng Anh cũng không áp đảo tiếng bản địa nhiều như tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Có phải do khách đi quốc tế của ta phần lớn là người nước ngoài nên ta phải sử dụng tiếng nước ngoài nhiều như vậy? Cứ giả sử rằng đúng là khách qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất chiếm đa số là người nước ngoài thì việc sử dụng tiếng Anh gần như độc tôn như vậy vì tính phổ quát cao của nó cũng chưa phải là hay. Tiếng Anh mang lại sự thuận tiện nhưng tiếng Việt sẽ mang lại sự tự tôn dân tộc.
Chưa tận dụng “cửa ngõ quảng bá”
Phim ảnh Việt Nam và các chương trình thuần Việt gần như không có mặt trên các màn hình tivi đặt tương đối nhiều tại các khu vực cổng chờ lên máy bay. Ai từng một lần đi máy bay chắc cũng biết cái cảm giác ngồi không chờ chuyến.
Chính vì vậy, các chương trình phát trên tivi thường thu hút sự chú ý của hành khách trong thời gian ngồi chờ chuyến bay. Không nói ai cũng biết những chương trình nào sẽ được phát trên hệ thống các màn hình đó. Phim tình cảm Hàn Quốc, phim hành động Mỹ, phim cổ trang Trung Quốc tràn ngập màn hình. Thỉnh thoảng là các chương trình ca nhạc tạp kỹ Việt Nam theo phong cách hiện đại của Hàn Quốc hay Đài Loan.
Rốt cuộc chúng ta đang giới thiệu không công cho văn hóa xứ người, còn văn hóa xứ ta thì cứ là “vẻ đẹp tiềm ẩn”.
Như đã nói trên, với những ưu điểm của một sân bay quốc tế lớn của quốc gia có lưu lượng hành khách đông, tiềm năng tiêu dùng và quảng cáo bằng truyền miệng lớn, khoảng thời gian dài hành khách ngồi chờ lên máy bay là một quỹ thời gian quý báu để chúng ta tận dụng quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam một cách hữu hiệu nhất.
Nếu được tổ chức tốt, sân bay không chỉ là nơi dừng chân tạm của hành khách trên mỗi chuyến bay, hơn thế nữa nó có thể làm được nhiều điều. Sân bay là cửa ngõ và là bộ mặt văn hóa của quốc gia khi khách đến. Khi khách đi, nó đóng vai trò ôn lại những kỷ niệm mà du khách đã trải qua trong thời gian ở Việt Nam để họ không bao giờ quên về một Việt Nam tươi đẹp có bản sắc riêng không lẫn vào đâu được.
Bên cạnh đó, nó giúp hành khách mở rộng, khám phá thêm những vùng miền và nét văn hóa mà hành khách chưa có dịp trải qua khi ở Việt Nam để hẹn lần sau quay lại khám phá. Nói theo ngôn ngữ kinh doanh thì sân bay quốc tế giống như bộ phận chăm sóc khách hàng. Nó thực hiện chức năng quảng bá, củng cố và lôi kéo khách hàng quay trở lại.
Mong sao có một ngày được gặp lại vị giáo sư vui tính kia và nghe ông nói rằng nếu bịt mắt dẫn vào, ông vẫn biết chính xác đó là sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất của Việt Nam!
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)