Tiền vệ Đặng Văn Thành của Becamex Bình Dương có thể lang thang hàng giờ trong bảo tàng lịch sử, chỉ cần ai ho he về chuyện cụ này cụ kia có bộ bát đĩa thời Lý, Trần hay lắm, anh cũng tìm đến cho bằng được.
>> Thú đam mê của dân thể thao: Cầu thủ nuôi chó cưng
|
Không ít lần bị lừa
Niềm thích thú với những đồ gốm, đồ đồng cổ của Thành chỉ thực hiện được bắt đầu từ năm 2002, khi anh có điều kiện kinh tế cho thú vui đắt đỏ này. Thành quen biết đông đảo anh em trong giới chơi, buôn bán đồ cổ khắp cả nước. Anh thường có sở thích sưu tầm các đồ gốm, sứ cổ Trung Quốc và đồ gốm các triều đại Lý, Trần, Lê... Sự hiểu biết của một tay chơi đồ cổ lâu năm giúp anh cách phân biệt họa tiết, hoa văn, nước men ở mỗi triều đại. Nhìn nước cốt của gốm hoặc những họa tiết rồng, mây trên mỗi hiện vật là anh có thể phân biệt được vật đó ở thời nào. Ở nhà, Thành rất quý một bộ đồ đồng văn hóa Đông Sơn và những hiện vật gốm từ thời nhà Hán (Trung Quốc), phải rất khó khăn anh mới mua lại được.
Thành cho hay đồ cổ cũng có loại giá bình dân, giá cao cấp. Anh và các anh em trong giới sưu tầm đồ cổ ít khi mua được tại gốc mà thường phải qua các tay buôn trung gian. Đã là một người rất tinh trong việc nhận biết đồ cổ thật, giả nhưng Thành bảo không ít lần bị lừa, mua phải đồ... giả cổ với giá cao. “Mọi cuốn sách cũng chỉ lý thuyết thôi. Phải va vấp với thực tế để hiểu hơn về những món đồ cổ này. Ngẫm ra, trên đời này việc gì cũng thế, chơi mà cũng học được nhiều điều đấy chứ”, Thành triết lý. Thực tế, tại Việt Nam có cả một trung tâm để giám định carbon hiện vật để khẳng định đồ cổ thật, giả, nhưng Thành bật mí, bôn ba ngoài thương trường nhiều, trực tiếp mua bán, trao đổi, giao lưu với những bậc đàn anh đi trước sẽ cho kết quả còn nhanh hơn, đỡ tốn kém hơn vào giám định.
Cây cảnh được Đặng Văn Thành sưu tầm - Ảnh: nhân vật cung cấp |
Sưu tầm hơn 1.000 món đồ cổ
Toàn bộ số đồ cổ của Thành hiện nay vào khoảng trên dưới 1.000 món, nhưng có giá trị lớn chỉ khoảng 10 - 20 món. Tập trung cho bóng đá, xây dựng sự nghiệp cầu thủ ở Bình Dương chưa cho phép Thành đầu tư tủ, kệ để đặt những đồ cổ cho trang trọng nên có khi, đồ cổ mua xong được anh gói giấy lại, bỏ xuống gầm bàn, gầm tủ, thi thoảng lôi ra ngắm nghía cho đỡ nhớ.
Thành từng có đồ cổ mang đi tham dự một triển lãm do cá nhân tổ chức tại Ninh Bình năm 2012. Một cái đĩa thời Nguyên (Trung Quốc) và một đồ sứ trong cung đình Huế của anh sau chuỗi kiểm tra, tuyển chọn được mang ra trưng bày. Ông chủ mê đồ cổ cũng không bỏ qua cơ hội này để mở rộng mối quan hệ với nhiều nhà sưu tập đồ cổ trên tầm cũng như nhiều người cùng chung đam mê như anh. Thành tiết lộ mình từng mua đi - bán lại nhiều đồ cổ khi được giá. “Tôi không coi đó là việc kinh doanh, chỉ là một thú vui, gặp khách thì bán, không thì thôi. Nó cho tôi và bạn bè có nhiều đam mê hơn với những món đồ cổ”, Thành bảo.
Ông chủ của một cơ ngơi khang trang thuê người coi sóc tại Hải Phòng còn là một người rất mê cây cảnh. Ngoài diện tích vườn nhà 800 m2 tại thị trấn Núi Đối, Kiến Thụy, Thành còn thuê thêm diện tích vườn khoảng 1.000 m2 để trồng, trưng bày cây cảnh. Anh mê cây tùng, cây sanh, đam mê bản lĩnh của những loài cây quân tử ấy nên có thể bỏ ra nhiều ngày trời để tỉ mẩn, uốn cắt cho từng cành non. Số tùng, sanh trên 200 năm tuổi của Thành khoảng 20 - 30 cây.
Thúy Hằng
Bình luận (0)