14 tuổi, khi chiến tranh thế giới xảy ra (1914), ông biết đây là lúc mà nước Pháp phải lao vào cuộc chiến với những tổn thất không thể tránh được, cả về nhân - tài - vật lực.
Theo vua Duy Tân, đó là lúc tốt nhất để đặt ra cho chính phủ Pháp những yêu sách cần thiết, chủ yếu là việc xét lại những hòa ước đã ký kết. Thế nhưng, đa số triều thần chống lại ý kiến của ông, có người cho rằng đầu óc của nhà vua “có vấn đề”.
Sống trong tình trạng u mê của đám cận thần, nhà vua đâm ra bị ức chế, nên khi hai nhà cách mạng Thái Phiên và Trần Cao Vân ngỏ lời mời ông làm minh chủ cho một phong trào kháng chiến chống Pháp, ông đồng ý ngay. Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa nổ ra đêm 3 rạng 4.5.1916 đã bị Pháp dập tắt trong phút chốc, vua Duy Tân bị Pháp bắt giữ, khảng khái quay lưng lại những lời ngon ngọt của giặc và chấp nhận cuộc sống lưu đày.
Cựu hoàng Duy Tân và những người bạn thích vô tuyến điện trên đảo Réunion |
Claude Vĩnh San |
Ngày 3.11.1916, tại Cap Saint Jacques (Vũng Tàu), nơi an trí cựu hoàng Thành Thái từ năm 1907, hai cựu hoàng cùng gia đình xuống tàu trực chỉ hòn đảo Réunion thuộc Pháp nằm giữa Ấn Độ Dương, bắt đầu cuộc sống lưu đày. Theo tờ báo tại địa phương có tên Le Peuple (Nhân dân), khi tàu cập cảng Le Port ở Réunion ngày 20.11.1916, Phủ Thống đốc tại đây đã cử một số viên chức cao cấp đi trên một chuyến tàu hỏa đặc biệt đưa gia đình hai cựu hoàng về thủ phủ Saint-Denis (vinhsan.free.fr, acte 7).
Căn cứ vào hồi ức của ông Nguyễn Phước Vĩnh Cầu (sinh năm 1924), con trai út của cựu hoàng Thành Thái, cung cấp riêng cho người viết bài này, 2 năm sau khi đến Saint-Denis, đại gia đình của cựu hoàng dọn đến một nơi ở mới và không lâu sau, cựu hoàng Duy Tân tách ra ở riêng. Ông gắng lấy lại sự bình tâm sau một biến cố lớn xảy ra cho bản thân và gia đình, chuyên tâm học hỏi về khoa học, âm nhạc và văn chương, sớm hội nhập vào thế giới thượng lưu trên đảo.
Năm 1923, ông được Hàn lâm viện Réunion trao tặng giải nhất về bài thơ Variations sur une lyre brisée (Khúc biến tấu về một cây đàn tan vỡ). Trong các buổi họp mặt công cộng, ông được công nhận là một tay vĩ cầm xuất sắc (vinhsan.free.fr, acte 8).
Trong đời sống thường nhật, cựu hoàng thích cưỡi ngựa, câu cá, tham gia những chuyến dã ngoại cùng gia đình. Năm 1936, khi Mặt trận Bình dân do đảng Cộng sản và các đảng cánh tả thành lập tại Pháp chủ trương những cải cách xã hội rộng lớn, cựu hoàng coi đây là cơ hội tốt để vận động cho quyền tự chủ của đất nước. Ông tham gia các cuộc mít tinh của mặt trận, lên diễn đàn nói chuyện, sau lưng là lá cờ búa liềm. Song chỉ 2 năm sau (1938), Mặt trận Bình dân tự giải tán, hy vọng vừa nhen nhúm trong lòng cựu hoàng bỗng tắt ngấm.
Vua Duy Tân lúc mới lên ngôi (1907) |
TƯ LIỆU CỦA LÊ NGUYỄN |
Năng khiếu đặc biệt của cựu hoàng
Sau khi thế giới bước vào cuộc thế chiến tàn khốc lần thứ hai (1939 - 1945), cựu hoàng có một đam mê lớn, đó là ngành vô tuyến điện. Trong tâm tư của ông khi ấy, có hai nước Pháp khác biệt: một nước Pháp thực dân đang xâm chiếm nước ông và một nước Pháp đang bị xâm chiếm bởi Đức Quốc xã, đang vùng lên dưới ngọn cờ giải phóng của tướng De Gaulle. Trong tình hình đó, ông tạm thời hướng về nước Pháp thứ hai của De Gaulle.
Với năng khiếu đặc biệt về vô tuyến điện, vào những năm 1940, tại đảo Réunion, cựu hoàng Duy Tân là một trong những người đầu tiên chế tạo được máy vô tuyến có tín hiệu FR8VX, thu được những tin tức chiến sự trên chiến trường châu Âu. Nhờ đó, ngày 18.6.1940, ông nghe được lời hiệu triệu của tướng De Gaulle phát ra từ London (Anh), kêu gọi nhân dân Pháp tham gia kháng chiến chống Đức Quốc xã (vinhsan.free.fr, acte 12).
Vào một ngày trong năm 1942, từ chiếc máy vô tuyến điện tự chế, cựu hoàng Duy Tân gửi đi một tín hiệu với nội dung: Gửi tất cả tàu Anh và tàu của nước Pháp tự do. Để chuyển đến chính quyền Pháp (3 lần)… “Trong lúc toàn bộ đế chế Pháp đang chiến đấu bên cạnh các quốc gia liên hiệp để giải phóng nhân loại, ở đây, tại đảo Réunion, chúng tôi đang chịu đựng một chính sách thân Đức đáng xấu hổ. Chúng tôi gửi đi tín hiệu SOS, đòi hỏi vinh dự được cầm súng bên cạnh những người bạn đồng minh sáng suốt của chúng tôi...” (vinhsan.free.fr, acte 13). Sở dĩ bức điện có nội dung này là vì chính quyền đảo Réunion lúc bấy giờ là chính quyền thân Đức, đi ngược lại nguyện vọng giải phóng xứ sở của đa số dân Pháp. Cựu hoàng không chỉ gửi một mà nhiều bức điện với nội dung tương tự. Một ngày nọ, ông nhận được tín hiệu trả lời với nội dung vắn tắt: “Báo đốm sẽ đón Hoa cúc”.
“Báo đốm” là tên chiếc tàu phóng ngư lôi Léopard của lực lượng kháng chiến dưới quyền tướng De Gaulle đang lênh đênh trên biển. Và cuối cùng, cái thú đam mê vô tuyến điện đã bất ngờ đưa đẩy cựu hoàng Duy Tân vào cuộc đời binh nghiệp.
(còn tiếp)
Bình luận (0)