Thủ đô Sri Lanka giới nghiêm sau biểu tình bạo lực

01/04/2022 10:41 GMT+7

Thủ đô Colombo của Sri Lanka đã được đặt vào tình trạng giới nghiêm sau cuộc biểu tình trở nên bạo lực của người dân về tình trạng khó khăn do khủng hoảng kinh tế.

Cảnh sát đã áp đặt lệnh giới nghiêm tại nhiều vùng ở thủ đô Colombo từ khuya 31.3 sau khi người dân biểu tình phản đối cách điều hành của chính quyền đối với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên qua.

Lực lượng an ninh xịt vòi rồng giải tán đám đông biểu tình tại Colombo tối 31.3

Reuters

Theo Reuters, hàng trăm người biểu tình tập trung gần nhà riêng của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa ở ngoại ô Colombo vào tối 31.3, kêu gọi nhà lãnh đạo từ chức.

Cuộc biểu tình trở nên bạo lực khi một số người đập phá tường rào của một ngôi nhà, ném gạch về phía cảnh sát, đốt cháy một chiếc xe buýt. Cảnh sát sau đó giải tán đám đông bằng vòi rồng và hơi cay. Ít nhất một người bị thương trong vụ việc.

Kể từ hôm qua 31.3, Sri Lanka bắt đầu chế độ cúp điện 13 giờ mỗi ngày trên cả nước trong bối cảnh thiếu nhiên liệu để sản xuất điện. Chế độ tiết kiệm điện đã được áp dụng từ đầu tháng này trong bối cảnh các nhà máy điện không đủ nguồn dầu mỏ và than để chạy máy phát vì nhà nước không còn đủ ngoại tệ để trả cho các nhà cung cấp.

Bộ trưởng Năng lượng Pavithra Wanniarachchi hôm qua cho biết việc cúp điện có thể kéo dài đến tháng 5 khi mùa mưa bắt đầu làm đầy các hồ thủy điện.

Sri Lanka đang trong cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất sau nhiều chục năm.

Một chiếc xe buýt bị đốt cháy

Reuters

Chính sách giảm thuế nhằm thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng từ năm 2019 của chính quyền đã giảm mạnh nguồn thu thuế, gia tăng áp lực lên ngân sách nhà nước trong bối cảnh đất nước vốn đang gồng gánh khoản nợ nước ngoài lên đến 51 tỉ USD.

Đại dịch Covid-19 xảy ra sau đó gây thiệt hại nặng cho nền kinh tế Sri Lanka khi làm điêu đứng ngành du lịch, chiếm hơn 12% tổng sản lượng kinh tế đất nước. Nợ công của Sri Lanka ước tính đã tăng từ mức 94% GDP vào năm 2019 lên thành 119% GDP vào năm 2021.

Người biểu tình ném gạch đá về phía lực lượng an ninh

AFP

Chính quyền đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng không thiết yếu nhằm tiết kiệm nguồn ngoại tệ để trả nợ. Tuy nhiên, việc này lại dẫn đến cảnh thiếu hụt nhiều hàng hóa như nhiên liệu, thuốc men và khiến giá cả tăng cao.

Sri Lanka đang tìm kiếm khoản cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế trong khi vẫn vay thêm từ Ấn Độ và Trung Quốc để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.