Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 12 bị can về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, trong vụ án thông thầu thiết bị dạy học, xảy ra tại Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa và một số đơn vị liên quan.
Trong số này, có bị can Phạm Thị Hằng, cựu Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, và Lê Thế Sơn, Giám đốc Công ty CP Sách và thiết bị trường học (viết tắt là Công ty Sách Thanh Hóa).
"Đi đêm" với chủ đầu tư, cài cắm "quân xanh"
Năm 2020, Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa triển khai 2 gói thầu mua đồ dùng dạy học lớp 1, để cung cấp cho hàng trăm trường học trên địa bàn. Trong đó, gói thầu số 1 thực hiện trước, nhằm cung cấp cho 169 trường ở các vùng đặc biệt khó khăn.
Ngay từ tháng 9.2019, khi biết chủ trương đầu tư của ngành giáo dục, Giám đốc Công ty Sách Thanh Hóa Lê Thế Sơn đã tới gặp Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Thị Hằng, nhờ tạo điều kiện cho công ty tham gia dự án.
Sau đó, bà Hằng chỉ đạo cấp dưới là ông Lê Văn Cương, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa), và Nguyễn Văn Phụng, chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tài chính, ưu ái cho công ty của ông Sơn.
Từ chỉ đạo của nữ giám đốc sở, khi lập tờ trình UBND tỉnh xin chủ trương mua sắm và phê duyệt dự toán, cán bộ Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất với Công ty Sách Thanh Hóa về danh mục cũng như giá từng loại thiết bị. Các bị can cài cắm thông số kỹ thuật mang tính đặc trưng, tạo lợi thế cho liên danh của Công ty Sách Thanh Hóa, hạn chế doanh nghiệp khác tham gia đấu thầu.
Để công tác đấu thầu đúng quy trình, sở GD-ĐT ký hợp đồng với Công ty BTC Value làm đơn vị thẩm định giá. Tuy nhiên, thay vì khảo sát thực tế thị trường, nhân viên công ty này lại chỉ căn cứ vào báo giá mà Công ty Sách Thanh Hóa đã thống nhất với cán bộ sở GD-ĐT từ trước, rồi ban hành chứng thư thẩm định giá.
Chưa hết, Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa còn ký hợp đồng với Công ty Nam Anh là đơn vị không đủ năng lực, kinh nghiệm để tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu. Hậu quả, việc tư vấn và đánh giá hồ sơ thầu đều thực hiện theo yêu cầu của phía chủ đầu tư và nhà thầu.
Về phía Công ty Sách Thanh Hóa, để chắc chắn trúng thầu, ông Sơn còn nhờ một số công ty khác làm "quân xanh". Bằng các thủ đoạn này, liên danh nghiễm nhiên trúng gói thầu số 1.
Đến tận phòng làm việc chi "lại quả" tiền tỉ
Với gói thầu số 2, lắp đặt cho 512 trường học còn lại, thủ đoạn phạm tội của các bị can cũng diễn ra tương tự. Sau khi được bị can Sơn đặt vấn đề, cựu Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Thị Hằng chỉ đạo thuộc cấp là Trịnh Hữu Nghĩa, cựu Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Kế hoạch - Tài chính, thay cho bị can Lê Văn Cương về hưu và Nguyễn Văn Phụng (lúc này đã lên chức Phó trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính) ưu ái cho Công ty Sách Thanh Hóa.
Giống gói thầu số 1, Công ty Sách Thanh Hóa mời thêm một số pháp nhân khác để thành lập liên danh. Các đơn vị thẩm định giá và tư vấn thầu được "chọn mặt gửi vàng" vẫn là 2 cái tên quen thuộc, gồm BTC Value và Nam Anh. Không nằm ngoài dự đoán, gói thầu số 2 rơi vào tay liên danh của Công ty Sách Thanh Hóa.
Cơ quan tố tụng xác định, 2 gói thầu do Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư có tổng giá trị theo thị trường là 98,7 tỉ đồng. Nhưng vì các bị can đã có sự thông đồng, móc nối, khiến 2 gói thầu đội giá lên gần 120 tỉ đồng. Giá trị thiệt hại của vụ án tính ra là hơn 20,8 tỉ đồng.
Đáng chú ý, kết thúc mỗi gói thầu, bị can Lê Thế Sơn đã đến phòng làm việc chi "lại quả" cho bị can Nguyễn Văn Phụng mỗi lần 3 tỉ đồng, tổng cộng 6 tỉ đồng. Số tiền này, bị can Phụng giữ cho cá nhân mình 700 triệu đồng, đưa cho bà Hằng 3 tỉ đồng, ông Nghĩa 1,65 tỉ đồng, ông Cương 250 triệu đồng…
Cựu Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Hằng bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu, chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho doanh nghiệp trúng thầu không công bằng, khách quan, qua đó hưởng lợi bất chính 3 tỉ đồng.
Quá trình điều tra, bà Hằng thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra; quá trình công tác được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, có nhiều bằng khen, giấy khen, huân chương; đã nộp 5 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
Bình luận (0)