Thủ đoạn tinh vi của nữ trưởng phòng xuất nhập khẩu 'rút ruột' hơn 13 tỉ đồng

09/07/2021 12:29 GMT+7

Trưởng phòng Xuất nhập khẩu hàng hóa Công ty TNHH Arion Electric Việt Nam (Hải Dương) đã câu kết với một số đối tượng bên ngoài thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt hơn 13 tỉ đồng của công ty.

Ngày 9.7, Công an tỉnh Hải Dương cho biết, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH Arion Electric Việt Nam (Công ty AVE, trụ sở tại KCN Phúc Điền, xã Cẩm Phúc, H.Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương).
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương nhận được đơn của ông Nakaune Isamu, Tổng giám đốc Công ty AEV, tố cáo về việc nhân viên Công ty AEV đã câu kết với một số đối tượng bên ngoài thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của công ty.
Từ nguồn tin tố giác tội phạm, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương đã nhanh chóng tiến hành điều tra, xác minh vụ việc. Kết quả bước đầu xác định, Vũ Thị Thùy Dương, Trưởng phòng xuất nhập khẩu hàng hóa Công ty AEV, người được giao phụ trách các giao dịch liên quan đến dịch vụ hàng hóa xuất nhập khẩu của Công ty AEV và Nguyễn Hoàng Giang, nhân viên phòng kế toán tổng hợp Công ty TNHH Logistics MLC ITL (Công ty MLC), đã câu kết với nhau để sửa chữa, nâng khống, làm giả, ghi tăng tiền dịch vụ trong chứng từ thanh toán, giấy báo trả tiền với mục đích nâng giá trị tiền thanh toán các dịch vụ xuất nhập khẩu rồi chiếm đoạt khoản tiền chênh lệch.

Cụ thể, khoảng đầu tháng 1.2016, Dương và Giang có gọi điện thoại trao đổi với nhau về việc sửa, tăng dịch vụ và tăng tiền trong các giấy báo trả tiền hàng tháng giữa Công ty AEV và Công ty MLC để  “ăn” chênh lệch.

Theo thỏa thuận, từ ngày 1 - 7 hàng tháng, sau khi nhận được giấy báo trả tiền từ nhân viên thuộc Phòng Chứng từ Công ty MLC, Giang và Dương sẽ thống nhất các nội dung dịch vụ sửa đổi về tiền cũng như ghi thêm nội dung dịch vụ và tiền thanh toán vào từng tờ giấy bảo trả tiền gốc.

Cơ quan công an xác định, các nội dung ghi thêm, tăng tiền trong các giấy báo trả tiền mà các đối tượng điều chỉnh bao gồm: phí vận chuyển bằng xe tải, phí địa phương, phí nâng, phí hạ container, phí kẹp chì, phí kiểm định, phí lệnh giao hàng,... Trong đó, Dương là người phân bổ, ghi số tiền tăng thêm của các dịch vụ hoặc ghi thêm dịch vụ và tiền tăng vào chứng từ gốc, còn Giang có trách nhiệm hợp thức hóa chứng từ cho phần dịch vụ và số tiền tăng thêm.

Từ ngày 8 - 12 hàng tháng, Công ty MLC gửi các bản giấy báo trả tiền kèm các dịch vụ đã thực hiện trong tháng (theo bản giấy báo trả tiền đã được thống nhất chỉnh sửa trước đó) đến email nội bộ của Phòng Xuất nhập khẩu Công ty AEV. Dương và nhân viên phòng xuất nhập khẩu sẽ nhập dữ liệu vào máy tính của phòng, lập giấy thanh toán gửi các bộ phận và lãnh đạo trong công ty, đồng thời làm thủ tục thanh toán qua ngân hàng.

Khi tiền được chuyển khoản đến Công ty MLC, Giang trực tiếp ra ngân hàng, giả chữ ký của Giám đốc Công ty MLC để rút số tiền chênh lệch.

Theo thỏa thuận giữa Dương và Giang, sau khi trừ đi chi phí mua hóa đơn và thuế thu nhập doanh nghiệp của phần dịch vụ, lợi nhuận của tiền chênh lệch, số tiền còn lại các đối tượng sẽ chia nhau sử dụng cho mục đích cá nhân. Bằng thủ đoạn nói trên, từ tháng 1.2016 đến tháng 5.2020, các đối tượng đã "rút ruột" của Công ty AEV hơn 13 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.