Thủ Đức là trung tâm tri thức của khu đô thị sáng tạo TP.HCM

23/05/2018 08:00 GMT+7

Là khu vực tập trung đào tạo sinh viên lớn nhất tại TP.HCM, Thủ Đức được xác định trở thành hạt nhân tri thức, nơi cung cấp nguồn lực trí tuệ, chất xám trong lộ trình phát triển khu đô thị sáng tạo TP.HCM.

Nguồn lực con người - nòng cốt để phát triển đô thị sáng tạo
TP.HCM đã quy hoạch “khu đô thị sáng tạo” gồm 3 quận phía đông là quận Thủ Đức, quận 2, quận 9 căn cứ trên những lợi thế sẵn có. Khu đô thị sáng tạo thường gắn liền với các viện, trường đại học nghiên cứu và lấy đó làm nguồn lực để phát triển. Nòng cốt quan trọng để phát triển thành công đô thị sáng tạo được xác định là nguồn lực con người. Từ năm 2004, quận Thủ Đức đã thành lập ITP, hệ sinh thái khởi nghiệp và sáng tạo. Đây là một bước chuẩn bị tốt cho sự phát triển khu đô thị sáng tạo ở phía đông thành phố.
Trên cơ sở đó, lộ trình sẽ xuất phát từ quận Thủ Đức khi quận này đang là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với hơn 80.000 sinh viên, giảng viên, thạc sĩ, tiến sĩ đến từ 12 trường đại học. Nguồn lực từ Thủ Đức sẽ cung cấp cho khu công nghệ cao chuyên phát triển sản xuất các sản phẩm công nghệ, có hàm lượng chất xám cao tại quận 9. Trong khi đó, quận 2 có trung tâm tài chính Thủ Thiêm sẽ là nơi cung cấp tài chính để phát triển đô thị sáng tạo.
Hạ tầng, tiện ích đi trước một bước
Khu đô thị sáng tạo tại các quốc gia trên thế giới thường hình thành nhờ sự kết hợp tối đa giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục, chương trình khởi nghiệp và trường học, chia sẻ nguồn lực và đầu tư bởi ngân hàng. Tất cả đều được kết nối bằng mạng lưới giao thông hoàn thiện, y tế hiện đại và sử dụng năng lượng sạch.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để tạo nên một không gian đáng sống cho không chỉ các kỹ sư mà cả gia đình kỹ sư tài năng, cần có cơ chế đặc thù thu hút và kêu gọi đầu tư vào hạ tầng giao thông, xã hội như bệnh viện cao cấp, trường học cao cấp, khu vực vui chơi giải trí cao cấp... Xuất phát từ thực tiễn tại khu Đông, TP.HCM xác định, hạ tầng, tiện ích phải là hai yếu tố cần được cải thiện, đi tiên phong để tạo bước đệm đẩy nhanh tiến trình phát triển đô thị sáng tạo. Trong đó, với vai trò cung cấp nguồn lực con người, Thủ Đức là khu vực hàng đầu được ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
Thủ Đức đang sở hữu hai hệ thống giao thông huyết mạch kết nối trực tiếp tới trung tâm đã hiện hữu là xa lộ Hà Nội và đại lộ Phạm Văn Đồng. Ngoài ra, một số công trình giao thông trọng điểm còn dang dở sắp tới sẽ được đẩy mạnh tiến độ thi công. Điển hình là công trình khép kín tuyến đường Vành đai 2 (dự kiến hoàn thành trước năm 2020), mở rộng tuyến đường Tô Ngọc Vân lên 30 m (dự kiến hoàn thành năm 2020), tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (đang gấp rút hoàn thiện)... Bên cạnh đó, cầu Bình Quới - Thanh Đa 1 và 2 (kết nối Thủ Đức với khu đô thị Thanh Đa) hiện đã có chủ trương xây dựng.
Ngoài hạ tầng, hệ thống tiện ích của khu Đông nói chung và Thủ Đức nói riêng cũng đang được đề xuất đầu tư, quy hoạch thêm các khu công viên khoa học, khu nghiên cứu, khu chuyên gia, khu đô thị khoa học, trung tâm y tế, hỗ trợ khởi nghiệp, công viên du lịch sinh thái kết hợp dược liệu…
Hiện nay, khu Đông đang có khoảng 1 triệu dân cư sinh sống. Tương lai khi hình thành đô thị sáng tạo, khu vực này sẽ thu hút mạnh mẽ nguồn lực, cư dân trí thức về sinh sống, dự kiến có khoảng 1,5 - 2 triệu dân. Trước sức ép dân số sẽ gia tăng mạnh trong một vài năm tới cùng chủ trương ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng, bất động sản khu Đông, đặc biệt là Thủ Đức nhanh chóng được nhiều nhà đầu tư săn đón. Trong đó, do quỹ đất đã cạn kiệt, một số dự án bất động sản được công bố tại Thủ Đức trong giai đoạn này đang được người mua săn đón, giá tăng từng ngày. Thị trường phân lô hộ lẻ tại Thủ Đức cũng ghi nhận thanh khoản vô cùng khả quan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.