Thủ Đức phát triển ra sao trong 15 năm tới?

07/02/2025 06:00 GMT+7

Hàng loạt dự án được đầu tư theo quy hoạch mới là tiền đề đưa TP.Thủ Đức thành đô thị sáng tạo, dẫn dắt kinh tế TP.HCM vào năm 2040.

TĂng DIỆN TÍCH ĐẤT CÔNG CỘNG TỪ 3 - 10 LẦN

Ngày 6.2, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị công bố đồ án quy hoạch chung TP.Thủ Đức đến năm 2040. Quy hoạch này là cơ sở pháp lý quan trọng để định hướng phát triển không gian, tổ chức hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, quy hoạch sử dụng đất nhằm khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh. Mục tiêu đến năm 2040 đưa Thủ Đức phát triển trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao; khu vực dẫn dắt kinh tế TP.HCM, vùng đô thị TP.HCM thông qua các hoạt động kinh tế tri thức; bước đầu trở thành trung tâm tài chính của quốc gia, hướng tới khu vực và quốc tế.

Thủ Đức phát triển ra sao trong 15 năm tới?- Ảnh 1.

TP.Thủ Đức còn nhiều dư địa phát triển để trở thành động lực mới, dẫn dắt kinh tế TP.HCM

ẢNH: NHẬT THỊNH

Theo quy hoạch chung được duyệt, quy mô dân số TP.Thủ Đức đến năm 2040 có khoảng 2,6 triệu người và sau năm 2040 là khoảng 3 triệu người. Không gian TP.Thủ Đức được chia thành 9 phân vùng tương ứng với 11 trọng điểm phát triển gắn với giá trị văn hóa, lịch sử và tiềm năng lợi thế riêng.

Đặc biệt, hạ tầng giao thông sẽ mở ra nhiều không gian mới như phát triển 9 tuyến đường sắt đô thị và liên vùng kết nối TP.Thủ Đức với phần còn lại của TP.HCM và sân bay Long Thành, phát triển đô thị theo định hướng gắn với giao thông công cộng, đầu tư thêm các tuyến đường mới, có tính kết nối liên vùng. Ngoài ra, diện tích đất cho công trình giáo dục cấp đô thị tăng lên gần 5 lần, đất cơ sở y tế hơn 10 lần, đất công trình văn hóa và thể dục thể thao lên khoảng 3 lần, diện tích công viên, cây xanh đạt 1.800 ha.

CÁC CỤM ĐÔ THỊ ĐƯỢC ƯU TIÊN ĐẦU TƯ

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư, UBND TP.Thủ Đức giới thiệu 535 dự án với tổng vốn dự kiến hơn 800.000 tỉ đồng theo 5 hình thức đầu tư. Cụ thể, nhóm dự án đầu tư theo phương thức đấu giá quyền sử dụng đất có diện tích 239 ha, gồm 50 ha trong khu đô thị (KĐT) mới Thủ Thiêm và

190 ha ở 10 dự án khác. Nhóm 2 là các dự án đầu tư có sử dụng đất theo phương thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư với khoảng 13 dự án, bao gồm trung tâm hội nghị triển lãm và khu phức hợp khách sạn, khu phức hợp thể thao, giải trí tại khu chức năng số 2c (trong KĐT mới Thủ Thiêm) và tái thiết khu vực cảng Trường Thọ...

Nhóm đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) có 32 dự án, tổng mức đầu tư dự kiến 78.000 tỉ đồng. Trong đó, những dự án lớn gồm nâng cấp, mở rộng QL13, xây dựng đường nối Vành đai 3 (đoạn nút giao Gò Công đến Trạm 2 cũ), cầu Thủ Thiêm 3, cầu Thủ Thiêm 4; 2 nhà máy xử lý chất thải, khu liên hợp TDTT Rạch Chiếc.

Nhóm 4 là các dự án đầu tư theo phương thức khác của luật Đầu tư, gồm 12 dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư, và hơn 40 dự án nhà ở sẽ tham gia trong thời gian tới. Riêng nhóm đầu tư công chiếm số lượng lớn nhất với khoảng 250 dự án, tổng mức đầu tư hơn 600.000 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Bạch Phụng, Phó chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, cho biết toàn bộ thông tin về quy hoạch chung, danh mục dự án mời gọi đầu tư đã được cập nhật đầy đủ trên website UBND TP.Thủ Đức và Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.Thủ Đức. "Chúng tôi cam kết luôn đồng hành và hỗ trợ nhà đầu tư từ việc cung cấp thông tin đầy đủ, hỗ trợ tư vấn pháp lý đến tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục nhằm rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ", ông Phụng nói thêm.

NHIỀU TẬP ĐOÀN LỚN CAM KẾT ĐẦU TƯ

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (THACO), cho biết cách đây hơn 10 năm, doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án ở KĐT mới Thủ Thiêm như làm các tuyến đường, cầu Ba Son, KĐT Sala nhưng đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành theo quy hoạch. Đồng tình với chiến lược chống lãng phí giúp đất nước bước vào kỷ nguyên mới, ông Dương khẳng định doanh nghiệp sẽ tích cực đồng hành cùng với TP.HCM, TP.Thủ Đức đẩy nhanh xây dựng những dự án thành phần trong KĐT mới Thủ Thiêm.

Trong khi đó, ông Trần Minh Sơn, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn Sun Group, cho biết vừa qua, Tập đoàn phối hợp TP.Thủ Đức đóng góp ý tưởng về quy hoạch KĐT Trường Thọ, khu liên hợp TDTT Rạch Chiếc và khu Công viên lịch sử văn hóa dân tộc. Lãnh đạo tập đoàn cam kết sẽ tham gia đấu thầu các dự án phù hợp, triển khai với quy mô lớn nhất, trong thời gian nhanh nhất.

Theo quy hoạch mới, TP.Thủ Đức sẽ có 2 nhà máy đốt rác thu hồi năng lượng ở P.Long Bình (rộng 6,5 ha) và ở P.Linh Xuân (5,2 ha), công suất đều 1.000 tấn/ngày. Ông Phan Hồng Thái, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TP.HCM, đề nghị TP.Thủ Đức sớm làm rõ tiêu chí, điều kiện và công bố minh bạch, công ty sẽ đấu thầu dự án nếu phù hợp năng lực, kinh nghiệm.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đề nghị sớm cụ thể hóa đồ án quy hoạch chung bằng các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh các dự án. Sắp tới, TP.HCM tiếp tục phân cấp, ủy quyền về quy hoạch, thủ tục đầu tư để dự án triển khai nhanh hơn. 

Điều chỉnh quy hoạch phân khu trong tháng 9.2025

Phát biểu tại buổi công bố quy hoạch, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị TP.Thủ Đức công bố quy hoạch rộng rãi, nội dung tuyên truyền cụ thể, dễ hiểu để tạo sự đồng thuận cao. Song song đó, địa phương chủ động phối hợp các sở, ngành khảo sát hiện trạng 9 phân vùng, làm việc với địa phương từng vùng để xây dựng lộ trình phát triển theo từng giai đoạn. Riêng các quy hoạch phân khu, ông Mãi yêu cầu chậm nhất tháng 9.2025 phải hoàn thành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.