Thủ Đức - phố thị đáng yêu

23/01/2020 09:00 GMT+7

Sài Gòn gói gọn ở nơi tôi sống gần 40 năm, Thủ Đức. Hồi trẻ, có lúc đi học, đi làm ở trung tâm Sài gòn, quận 5, 7 hay về Bình Dương, nhưng lần lần rồi cũng loanh quanh về lại nơi này.

Chắc đó là cái duyên nơi mình sống, hay sống lâu thành quen, chẳng muốn đi đâu xa.
Nói thiệt là tôi thích nơi này. Nó ít nhộn nhịp, tiện lợi như trung tâm nhưng lại mang cho tôi cảm giác dễ chịu, nhất là mỗi khi đi đâu đó về. Hàng quán, phố xá - nhiều nơi còn xanh mát, thoáng đãng. Nhà tôi ở, có chỗ cho cái sân con con, đặt cái xích đu, hồ cá, vài chậu kiểng. Cuối tuần ra bốc, xới cũng vui. Đi đâu mệt, chứ về nhà là thấy khỏe.
Trước năm 1997, quận Thủ Đức ngày nay là một phần của huyện Thủ Đức cũ. Lúc ấy nhiều nơi còn hoang vắng. Quốc lộ 13, đoạn phường Hiệp Bình Phước, khu phố 5, 6 trước đây gọi là “Cánh đồng chó ngáp”. Khúc này trũng, mỗi lần triều cường, ngập nặng lắm, không trồng trọt gì được, bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, “chó vừa chạy vừa ngáp” nên địa danh Cánh đồng chó ngáp có từ cái cảnh đồng không mông quạnh đó.

Chợ đêm ở làng đại học, điểm hẹn cuối tuần của sinh viên nơi đây

Ảnh: Nữ Vương

Con đường Kha Vạn Cân chạy dài từ ngã tư Bình Triệu tới Linh Xuân ngày trước, đã nhỏ, còn đầy ổ gà. Đèn đường lập lòe, chỗ có chỗ không, có khúc bên là đường, bên là ao rau muống. Mỗi đợt triều cường lớn, đường ngập, rau, bèo trôi lềnh bềnh tràn ra mặt lộ, nhìn không biết chỗ là ao, chỗ nào là đường nữa. Người nào hổng quen lối, đi mấy ngày này là coi chừng lủi xuống mương .
Lúc đó, Thủ Đức còn nhiều ao, rạch, phố xá y như miệt vườn, nên người ta mới nói Thủ Đức là vùng “nửa chợ, nửa quê” là vậy.
Bây giờ, phố phường đẹp đẽ, nhộn nhịp hơn nhiều, nhưng dân Thủ Đức vẫn còn giữ phong cách đồng nội lắm. Nhiều ông, nhiều anh chiều chiều vẫn đi thả câu dọc bờ sông, nhất là mấy bữa nước ròng. Có người đi kiếm cá, mà cũng có người thả câu chỉ để vui. Câu lên rồi…thả xuống. Nhà tôi cũng ở gần mé sông, có dạo, ba tụi nhỏ cứ chực chờ nước mấp mé là xách cần, rủ 2 đứa đi thả câu, cuối buổi được xô cá lòng tong mà hí hửng.

Thủ Đức là đất mai vàng có tiếng. Dân gốc sống ở đây trồng mai nhiều, thường nghề này cha truyền con nối, có nhà vườn 2,3 đời trồng mai

Ảnh: Thiên Anh

Dân Thủ Đức thích ngồi quán thoáng mát, rộng rãi. Khu cà phê, quán nhậu ở làng đại học, nhiều chỗ có diện tích lớn, không gian mở, cho khách khứa thoải mái ngồi nhâm nhi, tâm sự, hội họp. Dọc đường ray xe lửa khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh, quán lẩu dê, quán nướng mái lá, rộng. Ngồi ăn, lâu lâu có đoàn xe lửa hú còi chạy qua, cũng vui. Khúc bờ sông khu 5, 9, tập trung nhà hàng, quán bia, cà phê, thoáng đãng, bình dân có, sang trọng có. Chiều chiều, khúc này tấp nập, người dạo mát, người đi ăn uống, đông vui .
Dân nhập cư lâu năm ở Thủ Đức có lẽ tập trung nhiều ở Tam Hà, di cư từ Bắc vào những năm 1940, 1950. Khu này, tập trung nhiều cơ sở sản xuất nhỏ kiểu hộ gia đình như làm giá đỗ, làm đậu phụ, may, thêu… Có lẽ, đó là nghề truyền thống được mang theo khi di cư vào Nam. Nhà cửa ở đây giản dị. Nếu len lỏi vào các con hẻm nhỏ, thỉnh thoảng vẫn còn bắt gặp vài căn nhà cấp 4 thấp thấp, cửa gỗ chớp một thời, hàng bông gió, tường vôi, khung cửa sắt hoa của thập niên 80, 90 thế kỷ trước đổ lại, nhìn thấy bình yên lạ. Xóm đạo Tam Hà hiền hòa, Noel về, nơi này rộn ràng lắm. Người ta làm hang đá, treo đèn lung linh khắp ngõ. Tuy không lộng lẫy như mấy chỗ khác nhưng cũng đủ dễ thương và ấm cúng.
Thủ Đức là đất mai vàng có tiếng. Dân gốc sống ở đây trồng mai nhiều, thường nghề này cha truyền con nối, có nhà vườn 2,3 đời trồng mai. Giờ nhu cầu nhà cửa tăng, diện tích trồng mai bớt rồi, nhưng tết về vẫn rộn ràng lắm. Người mua, kẻ bán nhộn nhịp cả một đoạn đường dài. Tầm 20 tháng chạp, dọc con đường Kha Vạn Cân, Phạm Văn Đồng ngập sắc mai. 8, 12 cánh, bon sai, to, nhỏ đủ loại. Mai cắt cành, mai ghép trồng trong chậu, hay được bứng nguyên ụ đất đều có. Cây mai được giá là cây có thân khỏe, dáng đẹp và hoa phải nở đúng độ. Theo nhà vườn, thường sau 15 ngày tuốt lá là bông sẽ trổ. Nhưng cũng còn tùy vào thời tiết mỗi năm. Nhắm thấy nở chậm, thì tưới nước, phun sương vào nụ, còn nở nhanh thì bớt tưới lại, đem vào nhà lưới, tránh sương, có bóng mát thì bông sẽ trổ vào đúng Tết.
Thủ Đức vẫn phải hứng chịu những tháng triều cường, nhưng mấy năm gần đây cũng được khắc phục nhiều. Con đường nội đô đẹp nhất thành phố - Phạm Văn Đồng thênh thang chạy dài từ sân bay Tân Sơn Nhất tới cầu vượt Linh Xuân quá thuận lợi. Đường xá thông thương, to, rộng. Nhiều tiện ích, dịch vụ cũng từ đó phát triển theo. Phố xá chuyển mình nhưng vẫn nhẹ nhàng, vẫn xanh. Vậy thì, đi đâu cho xa, cứ là dân Thủ Đức thôi.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.