Sáng 12.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 15, giám sát chuyên đề về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019 - 2021.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp |
gia hân |
Nêu ý kiến tại phiên giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ tiêu chí để sắp xếp những đơn vị hành chính như TP.Thủ Đức.
Chủ tịch Quốc hội cho hay, TP.HCM đang đề nghị cơ chế đặc thù cho TP.Thủ Đức vì "cái áo chật quá". Hà Nội cũng đang chuẩn bị thành lập thành phố trong thành phố. Vậy, căn cứ vào tiêu chuẩn, tiêu chí nào?
“Khi thành lập TP.Thủ Đức thì chúng ta nói tên là thành phố nhưng chỉ là đơn vị hành chính cấp quận, huyện thôi. Có người nói nó phải là trên cấp quận, dưới cấp thành phố. Trước 1 tách thành 3, giờ nhập 3 thành 1. Vậy nó là loại gì trong hệ thống hành chính?”, Chủ tịch Quốc hội nêu. Trước đó, ngày 6.1.1997, Chính phủ quyết định giải thể H.Thủ Đức, thành lập 3 quận mới là Q.Thủ Đức, Q.2 và Q.9. Tới năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập TP.Thủ Đức trực thuộc TP.HCM trên cơ sở sáp nhập 3 quận nói trên.
Tại phiên giám sát, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, hôm trước làm việc, TP.HCM có kiến nghị rất chính đáng nên nghiên cứu có cơ chế, chính sách hoặc thể chế cho TP.Thủ Đức, vì tới đây sẽ có nhiều thành phố thuộc thành phố thành lập.
"Nghị quyết giám sát có làm rõ nội dung làm này không hay để ngỏ? Tới đây làm tiếp thế nào?”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề.
Thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.Thủ Đức
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu ý kiến tại phiên họp |
gia hân |
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, TP.Thủ Đức được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận (Q.2, Q.9 và Q.Thủ Đức).
Việc sáp nhập này thực hiện theo tiêu chí, tiêu chuẩn quy định tại các nghị quyết của Quốc hội về đơn vị hành chính.
Theo ông Tùng, quá trình thẩm tra Ủy ban Pháp luật khi đó đã nêu ý kiến với Chính phủ, UBND TP.HCM trong việc đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP.Thủ Đức, để làm sao phát huy được những tiềm năng, lợi thế.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, những quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của chính quyền thành phố trực thuộc thành phố, luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định cụ thể (tương đương đơn vị hành chính cấp huyện). Do đó, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể quy định trái luật được.
Hơn nữa, ở thời điểm đó, Chính phủ và TP.HCM chưa kịp chuẩn bị những cơ chế, chính sách đặc thù một cách kỹ lưỡng để có thể đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên khi đó, chúng ta mới chỉ quyết định thành lập TP.Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập 3 quận mà thôi, chưa có cơ chế chính sách cụ thể kèm theo.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho hay, hiện Chính phủ đang chỉ đạo UBND TP.HCM nghiên cứu để sắp tới có thể đề xuất những chính sách đặc thù nhằm phát huy những tiềm năng, lợi thế của TP.Thủ Đức và sẽ phải báo cáo Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm về vấn đề này.
Đang xây dựng đề án mô hình đô thị dưới cấp tỉnh
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng giải trình tại phiên họp |
gia hân |
Giải trình thêm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, đây là mô hình khuyến khích và theo mô hình mới “thành phố trong thành phố trực thuộc T.Ư” quy định tại luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Ông nói qua thực tiễn và Bộ Nội vụ có trao đổi với TP.HCM thì đúng là quản trị trên địa bàn cần phải xem xét. Ngoài ra là vấn đề phân cấp, phần quyền như thế nào trong mô hình đô thị dưới cấp tỉnh.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ thông tin thêm hiện được giao xây dựng đề án báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội về mô hình đô thị dưới cấp tỉnh.
Đối với TP.Thủ đức, hiện TP.HCM đang nghiên cứu sửa Nghị quyết số 54 năm 2017 về cơ chế đặc thù cho thành phố, trong đó có vấn đề về TP.Thủ Đức.
"TP.Thủ Đức là đô thị dưới cấp tỉnh nhưng có thể có cơ chế như thế nào về phân cấp, phân quyền cho phù hợp", ông Thăng nói.
TP.Thủ Đức được thành lập theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 12.2020. Khi đó, về chính sách cho TP.Thủ Đức, TP.HCM cho biết, vấn đề đã được quy định trong đề án chính quyền đô thị TP.HCM.
“TP.HCM đã xây dựng đề án để ủy quyền với 85 đầu việc cho Chủ tịch UBND cấp quận. Theo tinh thần này, thành phố chủ trương uỷ quyền ở mức cao nhất cho Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức”, Chủ tịch UBND TP.HCM khi đó là ông Nguyễn Thành Phong nói trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hiện nay, TP.HCM đang tổng kết Nghị quyết 54 năm 2017về thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP.HCM, theo đó đề xuất Quốc hội bổ sung vào nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54 một chương về cơ chế đặc thù phát triển TP.Thủ Đức.
Bình luận (0)