Thu hát cho người

Người miền Trung yêu ai thì yêu say đắm, yêu đến đổ lửa như mùa gió nam se sắt, yêu đến nát ngọc tan vàng.

Nhiều người thường nghĩ đơn giản gió nam là ngọn gió từ hướng nam thổi tới. Đối với người miền Trung thì gió nam là ngọn gió thổi từ hướng núi phía tây nam xuống, có người gọi là gió Lào; địa lý học tự nhiên gọi là gió Foehn (gió phơn).
Ngọn gió ấy từ vịnh Bengal thổi qua nhiều quốc gia, qua khỏi nước bạn Lào hấp thu khí nóng và khô của dãy Trường Sơn Tây, đổ xuống Trường Sơn Đông của đất nước chúng ta rồi tràn khắp cao nguyên và đồng bằng miền Trung.
Tháng 8 năm nay, tôi lại trở về miền Trung, mong tìm mùa thu thương nhớ cũ. Bầu trời sơ thu xanh trong như ngọc - cái màu xanh của men lam hồi trên đồ sành sứ Khang Hy, thỉnh thoảng điểm lơ thơ vài đám mây trắng mỏng.
Vậy nhưng ngọn gió nam khô và nóng cuối mùa hè vẫn chưa chịu hết, vẫn thổi vi vút làm triệt tiêu ẩm độ từ sông biển và đồng bằng, trên dọc quốc lộ, tỏa ra khắp miền Trung, hâm nóng những làng quê, bãi mía, nương dâu. Cái nóng khiến người ta nghĩ mình đang sống trong một lò nung khô khốc. Mồ hôi cứ vậy rịn ra, cho đến 9 giờ đêm mà vẫn ướt áo.
Tôi đứng trên sân khấu lộ thiên giữa TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) trả lời các câu hỏi của hai MC về công việc biên tập ca khúc trong khi mồ hôi cứ chảy dọc sống lưng, ướt cả hai vai. Đó là mới nói chuyện chỉ hoạt động bằng... cái miệng, nếu hoạt động cả chân tay thì tình trạng mồ hôi có lẽ lai láng hơn nhiều.
Bây giờ đã là đầu thu. Mùa thu về đáng ra trời phải dịu lại nhưng có lẽ do ảnh hưởng của khí hậu cực đoan nên gió nam của mùa hè đã qua vẫn còn dữ dội. Ngoài ruộng lúa đã trổ đòng đòng, có đám sắp chín, mùi lúa thơm đã tỏa ngát không gian. Trên các hồ đập, điện vẫn ưu tiên cho các trạm bơm đưa nước về đồng giữ cho mùa lúa hè thu xanh tốt.
Tôi đi dọc theo những đường bờ và những kênh thủy lợi, lòng chợt lo lắng khi thấy có những đoạn kênh mương khô nước. Ở những cánh đồng xa nguồn nước thủy lợi, bà con nông dân đang phấp phỏng âu lo vì sợ ruộng khô. Nghe tin hai cơn áp thấp hình thành trên Biển Đông, họ nghĩ có thể mưa sẽ về giúp cứu lúa.
Chiều 11.8, do ảnh hưởng từ áp thấp, một cơn mưa bất chợt đổ xuống nhiều nơi ở Quảng Nam. Cơn mưa khá lớn nhưng chỉ kéo dài được khoảng nửa giờ, đủ để cho mặt ruộng thấm nước. Hơn bao giờ hết, lòng tôi bỗng thầm ước nguyện theo câu đồng dao “Lạy trời mưa xuống...” ngàn xưa của những con người cần cù, chăm chỉ. Miền Trung quê nhà của tôi luôn phải trải qua những hình thái khí hậu thật khắc nghiệt. Mùa gió nam là một mùa khắc nghiệt nhất, năm nào cũng vậy.
Người Quảng Bình có bài dân ca cổ, ca từ rất dễ thương:“Gió nam thổi/Lòng càng thêm đượm/Khiêu khiêu thủy động/Tựa hồ như nước nóng (mà) dầu sôi/Thà không biết bậu thời thôi/ Biết rồi (mà) kẻ là đứng/Người ngồi (mà) khổ nhau/Khoan hố khoan là hò khoan ơi hò khoan, ơi là hộ”. Văn hóa thay, lạc quan thay tâm hồn của con người miền Trung!
Trong khó khăn của mùa gió nam như nước nóng dầu sôi, người Quảng Bình cũng sáng tạo được một khúc dân ca dịu dàng để làm quen, tỏ tình yêu thương nhau bằng một thứ ca từ rất có duyên, rất thơ mộng. Bài dân ca có thể ký âm với cung Sol trưởng, nhịp 2/4, phong cách ballad của thanh nhạc Tây phương. Riêng cái chữ “hộ” đứng cuối bài hát không rơi vào cao độ nốt nào cả, làm rõ ra cái phong cách thông thoáng, tự nhiên, hồn hậu của âm sắc Quảng Bình.
Chiều. Đã 5 giờ 30 rồi nhưng không gian ngày sơ thu vẫn sáng trưng dù mặt trời vừa lặn xuống sau núi. Bó gối nằm trong căn phòng có máy lạnh mãi cũng chán, tôi ra đường gọi xe ôm, lên thăm đồi xưa. Những đầm sen vẫn nở những đóa hoa sen đỏ ngả sang tím dịu dàng, đưa hương thoang thoảng trong gió.
Qua hết đầm sen là đồi. Đồi tăm tắp chạy về ôm lấy chân núi. Phía sau những rừng bạch đàn mới trồng là những vạt rừng sim khiêm tốn vẫn còn đó, lá sim vẫn xanh và hoa sim tím mơ màng vẫn nở. Tôi đi tìm hoa sim xưa, trái sim xưa, hoa và trái của một thời thanh xuân bát ngát. Trái sim vừa chín tới để cái vỏ màu xanh chuyển sang màu tím ngà.
Tôi viết: “Đàn anh reo đoản khúc Nam thương/Một đời mong nhớ cố nhân thôi/Sim chín trên đồi xa/Sim chín trong lòng ta/Xưa hát cho người câu tình ca/Nay hát cho mình câu biệt ca/Tìm lại trên cổ tháp xanh rêu/Mùa thu sang tiếng hát cô liêu/Những đóa sen hồng tươi/Vẫn ngát hương người ơi”.
Bạn hiểu đấy, sinh ra và trưởng thành trên một vùng đất chịu những điều kiện của khí hậu khắc nghiệt nên tâm hồn người miền Trung cũng có những cung bậc tình cảm khác biệt so với mẫu số chung của tâm hồn VN. Người miền Trung yêu ai thì yêu say đắm, yêu đến đổ lửa như mùa gió nam se sắt, yêu đến nát ngọc tan vàng.
Ngược lại, người miền Trung lỡ... ghét một ai đó thì ghét đến tận cùng, không nhìn mặt, không giao du, không nói năng và sẵn sàng thể hiện ra mặt (nếu lỡ gặp nhau) nghĩa là lạnh như mùa đông giá. Ở chừng mực nào đó, người miền Trung rất nhạy cảm (sensible), nhìn theo khía cạnh tâm lý học. Họ không thể và không bao giờ muốn dung hòa, nước đôi giữa yêu và ghét.
Lời nói (văn nói) là một phương tiện giao tiếp, chủ yếu là biểu đạt trạng thái tình cảm của người nói. Trong văn nói, có hai nội hàm là ngữ thanh và ngữ khí. Người miền Trung yêu ai, quý ai thì họ nói với ngữ khí khá lịch sự, dịu dàng nhưng khi ghét ai thì họ nhấn mạnh ngữ khí cho âm thanh gay gắt lên. Vậy là mọi chuyện trớt quớt.
Cùng một ngữ thanh “Thôi, anh đi đi!” nếu nói dịu dàng thì thành ra một lời tiễn biệt trĩu nặng tình cảm, mà nhấn mạnh ngữ khí thì thành ra một câu… đuổi thẳng cẳng. Trong trường hợp đó, đối tượng quê độ, phải ấm ức ra đi, ít ai có được định lực và công phu hàm dưỡng thượng thừa như nhà thơ Bùi Giáng: “Bây giờ, em đuổi anh đi/Anh ồ vâng ạ, anh đi từ từ”. Bị đuổi mà vẫn đi từ từ thì quả là rất đạt đạo!
Hôm nay, tôi về giữa miền Trung thân yêu, lòng thầm mơ được sống trong không gian lãng mạn của mùa thu mới. Thu ơi, tôi về đây! Sông xanh còn đó, núi đồi còn đó, tháp cổ còn đó, bóng hoa còn đó nhưng ngọn gió nam se sắt kia vẫn chưa chịu ngưng thổi cho mùa thu đến.
Sực nhớ ngày xưa, nhà thơ Huy Cận quả rất hạnh phúc khi nhìn được mùa thu mới về “Nai cao gót lẫn trong mù/Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về/Sắc trời nhàn nhạt dưới khe/Chim đi lá rụng cành nghe lạnh lùng”. Trời ạ, đoạn thơ lục bát được viết ra trong trạng thái không bị bất cứ cái gì ràng buộc, nghe cứ réo rắt như cung đàn Nam xuân.
Bạn biết đấy, âm nhạc và thi ca viết về mùa thu, lấy cảm hứng từ mùa thu luôn luôn rất tuyệt vời. Tchaikoswky - nhạc sĩ lớn của dân tộc Nga, phải nhờ mùa thu mới viết được vở opéra danh tiếng Hồ thiên nga (Swan lake). Nhà thơ lãng mạn Apollinaire của Pháp phải nhờ mùa thu mới viết lên bài thơ danh tiếng Giã biệt (Adieu) “Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo/Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi - J’ ai ceuilli ce brin de bruyère/L’ automne est morte, souviens- t’ en”. Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và người bạn Từ Linh viết ca từ phải chờ mùa thu đến mới có Thu quyến rũ, Gởi gió cho mây ngàn bay, Lá thư
Đến nay, Thu, hát cho người của tôi đã lên 48 tuổi. Tôi lãng mạn lên đồi xưa chờ mùa thu trở lại để có cảm hứng viết một ca khúc về mùa thu mới. Trong cái khắc nghiệt của khí hậu, lòng người vẫn thầm mơ một thoáng hương thu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.