Sáng 26.7 tại Hà Nội, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN tổ chức buổi góp ý cho dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan.
Tại buổi góp ý, ông Hoàng Trọng Quang, Chủ tịch Hiệp hội Quyền sao chép VN, cho rằng hiện dự thảo chỉ đưa ra việc sử dụng tác phẩm trên nguyên tắc tự nguyện. Trong khi đó, việc thu tác quyền trên thế giới còn có cả sự bắt buộc. Cụ thể, theo ông Quang: “Nếu tôi có thể ký được ủy quyền với bao nhiêu phần trăm tác giả thì tôi được cấp phép thu tác quyền toàn bộ, không cần đi xin nữa. Chứ nếu tôi phải đi xin toàn bộ thì rất khó”. Với tư cách là thành viên của Hiệp hội Sao chép gồm 92 nước, ông cho biết đã tham khảo cách làm của nhiều nước. Theo đó, các nước đều chấp nhận việc khi tỷ lệ phần trăm ủy quyền đến độ nhất định thì sẽ được thu toàn bộ.
Điều này khiến nhiều người nghĩ ngay đến việc Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) của nhạc sĩ Phó Đức Phương đang bị cho rằng có nguy cơ lạm thu. Theo đó, trung tâm này thu tác quyền liên quan đối với các ti vi tại khách sạn 5 sao theo gói dựa trên số lượng máy. Tuy nhiên, trên ti vi lại phát nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Phú Quang, là người không ủy quyền cho VCMPC thu tác quyền hộ. Về điều này, Cục trưởng Cục Bản quyền (Bộ VH-TT-DL) Bùi Nguyên Hùng cho rằng hiện tại theo luật Sở hữu trí tuệ, đơn vị đại diện chỉ có thể thu nếu được ủy quyền. “Thế thì khi thu chúng ta thanh toán cho ai. Đấy là cái phải suy nghĩ”, ông Hùng nói.
Có thể nhìn thấy tinh thần trên tại dự thảo nghị định, điều 42 của chương 5, quy định về biểu mức tiền quyền tác giả, quyền liên quan. Theo đó, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan có nghĩa vụ xây dựng biểu mức tiền quyền tác giả, quyền liên quan, đàm phán với bên khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng quy định tại khoản 3 điều 20, khoản 4 điều 29, khoản 2 điều 30 và khoản 2 điều 31 luật Sở hữu trí tuệ.
Trên thực tế, “3 chân” của quyền tác giả, quyền liên quan đến âm nhạc gồm tác giả, đơn vị sở hữu quyền bản ghi và các nghệ sĩ biểu diễn đều có đơn vị đại diện. Tuy nhiên, các đơn vị đại diện này cũng đều chưa được 100% đơn vị sở hữu bản ghi, tác giả hoặc nghệ sĩ biểu diễn ủy quyền. Điều này có thể sẽ làm phát sinh các khó khăn trong việc thu tác quyền nếu không theo nguyên tắc bắt buộc.
NSND Thanh Hoa, đại diện Hiệp hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc, cho biết: “Tuyên truyền về việc trả phí cho sở hữu trí tuệ yếu nên người dân không biết nhiều. Vì thế luật phải cụ thể hơn để người dân hiểu. Cục Bản quyền cũng nên phân cấp rõ cái nào là thu tiền, cái nào không. Chẳng hạn, bài hát phát trên loa phường thì anh Phó Đức Phương không thể đòi tiền được. Đám ma họ hát nhiều hơn đám cưới thu thế nào đây?”.
Có thể thế chấp tác phẩm âm nhạc ?
Cũng theo ông Quang, cần mở rộng quyền tác giả thêm. Theo đó, hiện quyền tác giả gồm quyền nhân thân và tài sản. Tuy nhiên, dự thảo nghị định mới nói nhiều đến quyền nhân thân mà quyền tài sản lại chưa rõ. Ông Quang đồng ý quyền tài sản gồm quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền sang nhượng… Tuy nhiên, ông muốn có thêm quyền thừa kế và đặc biệt là quyền thế chấp. “Tôi thấy những người tạo nên sản phẩm này tạo ra tài sản đặc biệt. Nhiều tác giả cuối đời hai bàn tay trắng, họ có nhiều tác phẩm nhưng vẫn nghèo. Vừa qua báo chí nói nhiều đến việc nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý hiện đang nghèo và đói. Nếu các tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được quyền thế chấp thì đã có tiền lo cho cuộc sống của tác giả”, ông Quang nói.
Cũng tại buổi góp ý, chuyên gia đại diện Bộ KH-CN lên tiếng về mức giá, và cho rằng Bộ Tài chính nên tham gia vào việc lập biểu mẫu và khung giá cho tác quyền. PGS-TS Trần Văn Hải, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, thì đề nghị dự thảo nên cụ thể hơn nữa về bảo hộ tác quyền với các tác phẩm khoa học thuộc khoa học xã hội và nhân văn. “Tác phẩm khoa học mà không phải là sáng chế thì nó vẫn là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả. Tác phẩm khoa học thuộc khoa học xã hội và nhân văn cũng thế”, ông Hải nói. Cũng theo ông Hải, nếu có thể, ban soạn thảo nên tham khảo ý kiến chuyên gia nước ngoài về quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số. Hiện nay, nhiều tác phẩm phi hư cấu đã được nhiều trường đại học nước ngoài đưa vào kho tài nguyên số. Ông Hải cho rằng nên quy định về việc sinh viên có thể sao chép tài liệu để phục vụ việc học tập hay không.
Bình luận (0)