Thu hồi đất ven biển làm dịch vụ công cộng

15/11/2019 10:35 GMT+7

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa thu hồi 10 ha đất ven biển Phước Thuận giao cho UBND H.Xuyên Mộc quản lý để làm các dịch vụ công cộng khiến người dân địa phương phấn khởi.

Bà Lê Thị Trang Đài, Chủ tịch UBND H.Xuyên Mộc cho biết 10 ha đất thu hồi thuộc dự án nhà an dưỡng Tổng cục Cảnh sát và dự án Saigon Time. “Sau khi thu hồi, UBND tỉnh giao cho UBND huyện quản lý để làm bãi tắm công cộng, khu neo đậu ghe, thúng của ngư dân...”, bà Đài cho hay.

Dân vui mừng

Ông Nguyễn Văn Sinh, Bí thư xã Phước Thuận (H.Xuyên Mộc) cho biết địa phương có 14 km bờ biển nhưng hầu hết đã có dự án của các nhà đầu tư nên người dân muốn xuống biển phải qua những tường rào bảo vệ. Một số dự án chưa xây dựng nhưng nếu sau này triển khai thì dân không biết đi đường nào xuống biển. “Khi nghe tỉnh thu hồi 10 ha đất ven biển rồi giao cho huyện quản lý để làm các dịch vụ công cộng thì dân vui mừng lắm. Bãi biển này còn là nơi neo đậu, hoạt động ghe, thúng của ngư dân từ xưa đến nay. Khi các dự án được giao đất thì nhà nước tổ chức di dời ghe, thúng ngư dân đi nơi khác khiến tình trạng khiếu nại kéo dài. Giờ khu đất này được làm các dịch vụ công cộng cho dân thì ai nấy đều vui mừng”, ông Sinh chia sẻ.
Cũng theo ông Sinh, trên địa bàn xã cũng như ở TT.Phước Bửu có hơn 200 hộ dân hoạt động đánh bắt hải sản bằng ghe, thúng ở bãi biển Phước Thuận. Do khu vực này có các bãi đá che sóng nên nơi đây như một cái vịnh để cho ghe, thúng ngư dân neo đậu. Chính vì vậy, từ xa xưa, người dân ở các tỉnh miền Trung vào xã Phước Thuận lập nghiệp và chọn bãi biển này để neo đậu phương tiện. Nhiều năm nay, hoạt động du lịch phát triển, nơi đây trở thành điểm đến của nhiều du khách bình dân ghé đến để tắm biển, mua hải sản của ngư dân vừa đánh bắt về để ăn uống, làm quà.
Ngư dân Phước Thuận gỡ lưới sau chuyến biển

Ngư dân Phước Thuận gỡ lưới sau chuyến biển

Ảnh: Nguyễn Long

Anh Lê Hữu Phong (34 tuổi) cho biết cha mẹ anh từ miền Trung vào Phước Thuận lập nghiệp bằng nghề thúng từ lúc anh mới 1 tuổi. Nơi đây đã gắn bó với gia đình anh như là quê hương thứ hai. “Bãi biển này được người dân chọn làm nơi neo đậu ghe, thúng từ rất lâu, khi vùng đất này còn hoang sơ, chưa có doanh nghiệp (DN) nào đến. Sau này, nhà nước giao đất cho DN rồi đuổi dân đi nơi khác nên chúng tôi hay khiếu nại lên cơ quan chức năng. Nay nghe tin nhà nước giao đất làm công trình công cộng, bãi tắm, khu neo đậu ghe, thúng cho người dân nên mấy hôm nay chúng tôi ai nấy đều vui mừng, không lo bị đuổi nữa”, anh Phong phấn khởi. Ông Lê Xuân Mượn (55 tuổi) cũng vui mừng, chia sẻ: “Bãi biển này là nơi thuận lợi nhất cho hoạt động neo đậu ghe, thúng. Trước kia nhà nước giao đất cho DN làm dự án thì chúng tôi bị đuổi, không cho neo đậu phương tiện nên phải đi khiếu nại hết năm này qua năm khác. Giờ Nhà nước trả đất lại cho dân thì chúng tôi rất hoan nghênh và cảm ơn rất nhiều”.

Không còn khiếu nại

Bà Lê Thị Trang Đài cho biết, H.Xuyên Mộc có 32 km bờ biển. Đến nay, phần lớn đất ven biển đã được giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, sau khi rà soát và ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh của cử tri qua các kỳ họp, xét thấy việc quy hoạch phát triển khu vực này còn một số hạn chế, như không bố trí được nhiều lối đi công cộng xuống biển, không tạo quỹ đất để làm bãi tắm công cộng phục vụ nhân dân, bãi neo đậu tàu, thuyền cho ngư dân... dẫn đến việc khiếu nại kéo dài trong thời gian qua. Riêng khu đất mà UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa thu hồi là khu vực được người dân khai phá, sinh sống, đánh bắt hải sản từ rất lâu nên khi có chủ trương giao đất làm dự án thì dân bức xúc, khiếu nại lên các cấp, đề nghị giữ lại khu vực này phục vụ mục đích công cộng, neo đậu tàu, thuyền.
Cũng theo bà Trang Đài, khu vực này cũng thường xảy ra xung đột giữa người dân và các lực lượng chức năng mỗi khi có đợt di dời, dọn dẹp tàu thuyền của ngư dân. “Việc UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thu hồi đất dự án trên giao cho huyện làm công trình công cộng là rất hợp lòng dân, chắc chắn dân sẽ không còn khiếu kiện nữa”, bà Trang Đài nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.