Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), tính đến ngày 15.7, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt trên 8,1 tỉ USD (trong đó, riêng xuất khẩu sản phẩm gỗ là trên 5,5 tỉ USD), tăng 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhu cầu phục hồi từ các thị trường xuất khẩu chính là nguyên nhân chủ yếu giúp hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm.
Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường Mỹ, đạt 4,1 tỉ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt 1,05 tỉ USD, tăng 49,3%; Nhật Bản đạt 796,8 triệu USD, giảm 2,2%; Hàn Quốc đạt 389,2 triệu USD, giảm 1,4%...
Ngành gỗ đón tin vui từ Mỹ
Riêng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ, ngành gỗ Việt vừa đón nhận thông tin khá tích cực. Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng của vụ việc điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.
Về điều tra xem xét phạm vi sản phẩm, DOC giữ nguyên kết luận sơ bộ điều chỉnh vào tháng 9.2023.
Theo đó, 3 trường hợp tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam có các bộ phận sản xuất tại Trung Quốc bị xác định thuộc phạm vi của lệnh áp thuế hiện hành với Trung Quốc, gồm: sản phẩm có thành phần cửa, mặt hộc và khung gỗ sản xuất tại Trung Quốc, sau đó được lắp ráp tại Việt Nam và được kết hợp với hộp ván tủ và hộp hộc kéo sản xuất ở Việt Nam.
Sản phẩm có cửa, mặt hộc và khung gỗ là bán thành phẩm được sản xuất tại Trung Quốc, sau đó tiếp tục gia công tại Việt Nam và được kết hợp với hộp ván tủ và hộp hộc kéo sản xuất ở Việt Nam.
Sản phẩm có các chi tiết bán thành phẩm của cửa, mặt hộc và khung gỗ (bao gồm đai, trụ, ván) được sản xuất tại Trung Quốc, sau đó tiếp tục gia công tại Việt Nam và được kết hợp với hộp ván tủ và hộp hộc kéo sản xuất ở Việt Nam.
Tiếp theo, DOC sẽ gửi thông báo cho Cơ quan Hải quan và biên phòng Mỹ (CBP) hướng dẫn áp dụng cơ chế tự xác nhận (Certificate Regime) với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.
Cơ chế này cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu tủ gỗ của Việt Nam không thuộc 3 trường hợp nêu trên được loại trừ, không phải nộp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp khi xuất khẩu sang Mỹ.
Theo đó, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần hoàn thành mẫu tờ khai tự xác nhận dành cho nhà xuất khẩu và cung cấp một bản sao cùng các tài liệu chứng minh (hóa đơn, đơn đặt hàng, biên bản sản xuất…) cho nhà nhập khẩu Mỹ; đồng thời, nhà nhập khẩu phải hoàn thành mẫu tờ khai tự xác nhận dành cho nhà nhập khẩu trước ngày vận chuyển hàng hóa.
Bên cạnh việc có đơn tự xác nhận, các doanh nghiệp cần lưu giữ các hồ sơ, chứng từ làm căn cứ chứng minh cho xác nhận đó trong vòng 5 năm kể từ khi lô hàng được xuất khẩu để cơ quan có thẩm quyền của Mỹ thực hiện việc thẩm tra, xác minh nếu cần thiết.
Về điều tra chống lẩn tránh, DOC đã hủy bỏ toàn bộ vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.
Kinh tế, thương mại toàn cầu đang trên đà hồi phục và được dự báo tăng trưởng tốt hơn vào năm 2025.
Hồi tháng 4, theo Tổ chức Thương mại thế giới, khối lượng thương mại hàng hóa thế giới sẽ tăng trưởng 2,6% năm 2024 và 3,3% năm 2025. Các tín hiệu tích cực từ nền kinh tế toàn cầu góp phần thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khả quan trong nửa cuối năm 2024.
Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2024, vẫn còn không ít thách thức với hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Xung đột địa chính trị tiếp tục căng thẳng đẩy giá cước vận tải lên cao. Hơn nữa, mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ và các thị trường trong khối EU vẫn tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh...
Bình luận (0)