Rác xấp xỉ tiền tỉ
Phân loại rác tại nguồn (PLRTN) là quyết tâm của TP.Đà Nẵng, một trong những tiêu chí xây dựng TP môi trường. Từ cuối năm 2018, HĐND TP đã ra nghị quyết về quản lý rác sinh hoạt, tháng 4.2019 UBND TP ra quyết định về lộ trình PLRTN đến năm 2025 với nhiều mục tiêu cụ thể.
Trong năm 2019, hai phường thí điểm ở Q.Hải Châu (Hải Châu 1 và Hòa Cường Nam) đã chỉnh trang kho chứa rác tại nguồn (RTN) tại trạm Ngô Gia Tự (30m2) và trạm Lê Thanh Nghị (60m2). UBND Q.Hải Châu hỗ trợ Xí nghiệp môi trường quận sửa chữa 8 xe và đóng mới 1 xe thu gom RTN, có loa phát thanh. 10.300 túi đựng RTN sau phân loại cũng đã được cấp phát. 13 phường của Q.Hải Châu đã thí điểm PLRTN, trong đó, mô hình các hội đoàn thể thu gom RTN thực hiện tại P.Thuận Phước và Thạch Thang, mô hình Xí nghiệp môi trường thu gom áp dụng tại P.Hải Châu 1 và Hòa Cường Nam. Tại Q.Thanh Khê, có mô hình thu gom RTN do JICA tài trợ với 3.500 túi rác; UBND H.Hòa Vang có mô hình cấp 1.100 thùng rác phân loại vô cơ, hữu cơ; UBND Q.Cẩm Lệ thu gom RTN thí điểm tại khu dân cư Phong Bắc…
Ông Lê Anh, Chủ tịch UBND Q.Hải Châu, cho hay theo điều tra xã hội tại quận, 80% hộ dân nắm được chủ trương PLRTN. 86,6% hộ dân biết phân loại rác nguy hại ra khỏi rác sinh hoạt, nhưng chưa có thùng lưu chứa và vị trí tập kết. Về phương thức thu gom, 31,7% hộ dân góp vào quỹ hoạt động phúc lợi khu vực, 52,1% hộ gia đình tự bán ve chai, 11,9% cho công nhân môi trường. Trong vòng 10 tháng của năm 2019, Q.Hải Châu thu 288 tấn RTN, bán được 980 triệu đồng. “Điều này cho thấy tiềm năng, tài nguyên rác còn rất lớn”, ông Lê Anh chia sẻ.
Kết nối doanh nghiệp
Tuy nhiên, chỉ có Q.Hải Châu triển khai PLRTN đạt 80%, các quận huyện còn lại dừng ở thí điểm và chưa triển khai đồng bộ đến các cơ sở công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ.
Theo Sở TN-MT, hạn chế của phong trào là chưa kết nối doanh nghiệp thu gom rác tái chế để hoàn thiện quy trình, hướng đến tái sử dụng hiệu quả; chưa thu hút, tạo được mạng lưới các cơ sở tái chế chất thải. Sự tham gia của Công ty CP Môi trường đô thị trong công tác tổ chức thu gom RTN cũng chưa rõ nét. Ở phạm vi thí điểm tại 2 phường, kinh phí thu được từ bán RTN chưa đủ bù đắp kinh phí đầu tư phương tiện, vật dụng và nhân công, nên mô hình thu gom tập trung RTN vận hành chưa thực sự hiệu quả. Sau khi PLRTN, cách thức thu gom trong năm 2020 cũng có nhiều cải tiến mạnh mẽ.
Đối với RTN, áp dụng 2 mô hình. Một là giao hội đoàn thể thu gom tối thiểu 1 lần/tuần tại hộ gia đình, doanh nghiệp thu mua định kỳ để hướng đến chuyển đổi các cơ sở phế liệu không đảm bảo vệ sinh, an toàn trong khu dân cư. Hai là giao hẳn cho doanh nghiệp thu gom từ hộ dân, ít nhất 1 lần/tuần, và bán RTN với doanh nghiệp thu mua, tái chế. Đối với rác nguy hại cũng có 2 mô hình. Một là hộ dân chủ động phân loại, đổ ở điểm tập kết do địa phương quy định, có thùng chứa chuyên dụng để đơn vị vệ sinh môi trường xử lý. Hai là giao đơn vị tổ chức thu gom RNH tại hộ dân.
Đối với chất thải xây dựng, các địa phương chọn thời gian, địa điểm thu gom và giao đơn vị vệ sinh môi trường vận chuyển, xử lý hoặc các hộ dân liên hệ với đơn vị dịch vụ để xử lý. Trong đó, UBND các quận, huyện kêu gọi doanh nghiệp có nhu cầu tái chế đối với rác xây dựng để tham gia thu gom. Theo Sở TN-MT, năm 2020 TP.Đà Nẵng đặt mục tiêu tiếp tục triển khai đồng bộ PLRTN; 100% hộ gia đình, tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ được tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện, nâng tỷ lệ rác tác chế, tái sử dụng đạt ít nhất 12%.
|
Nhiều tổ chức quốc tế tài trợ phân loại rác tại nguồn
Sở TN-MT TP.Đà Nẵng cho biết, năm 2020 nhiều tổ chức quốc tế quan tâm đặc biệt đến kế hoạch phân loại rác tại nguồn. Hiện sở đang chủ trì, phối hợp Sở KH-ĐT cùng các quận huyện, hợp tác với JICA về quản lý chất thải rắn nhằm thúc đẩy phân loại và tái chế giai đoạn 2. Nội dung hợp tác nhằm nâng cao hệ thống tái chế hiện tại, cải thiện hoạt động các cơ sở thu mua phế liệu. Sở TN-MT cũng hợp tác với chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) triển khai nâng cao nhận thức cộng đồng về phân loại rác tại nguồn, nghiên cứu phát triển hoạt động tái chế, quản lý chất thải.
Ngoài ra, Sở TN-MT cũng hợp tác với Tổ chức Quốc tế bảo tồn thiên nhiên xây dựng kế hoạch hành động về quản lý chất thải nhựa.
|
Thức ăn thừa cho chăn nuôi, thu gom sữa học đường
Sở TN-MT đang phối hợp Sở KH-ĐT, TP.Yokohama (Nhật Bản) triển khai dự án thí điểm Sản xuất thức ăn thừa thành thức ăn chăn nuôi. Đơn vị thực hiện là Công ty Takemaxu Shoji (Nhật Bản) và Công ty CP môi trường đô thị Đà Nẵng. Dự án nhằm tận dụng nguồn thức ăn thừa từ hộ dân cũng như các cơ sở kinh doanh, khu công nghiệp, công suất khoảng 5 tấn/ngày. Sau thời gian thí điểm 2-3 năm do JICA tài trợ, dự án sẽ tiếp tục đánh giá hiệu quả và triển khai quy mô hơn.
Sở GD-ĐT cũng vừa được UNDP cùng một số đối tác tài trợ triển khai mô hình Thu gom hộp sữa tại trường học, áp dụng cho các trường tham gia chương trình Sữa học đường. UNDP sẽ tài trợ để tổ chức thu gom, vận chuyển đến các đơn vị xử lý, tái chế.
Tận dụng rác thải nhựa ở nông thôn
Hội Nông dân TP.Đà Nẵng triển khai mô hình phân loại rác vô cơ trên đồng ruộng, với các điểm tập kết rác thuận tiện giúp người nông dân tự phân loại, thu gom, đảm bảo không để rác vô cơ trên khu vực canh tác. Hội LHPN TP.Đà Nẵng cũng có mô hình Quản lý chất thải rắn ở nông thôn H.Hòa Vang và Q.Ngũ Hành Sơn, do Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (GEF-UNDP) tài trợ.
Bình luận (0)