Thu hút nhân tài ở TP.HCM bỏ quên ĐH Quốc gia, ĐH Bách khoa ?

06/03/2018 07:07 GMT+7

Ngày 5.3, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội về dự thảo đề án Thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động trẻ về công tác ở sở, ban, ngành, các khu công nghệ cao TP giai đoạn 2018 - 2020.

GS-TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP, cho hay đề án này chủ yếu để tuyển chọn cán bộ chứ không phải thu hút nhân tài. “Lâu nay chúng ta hay nói trải thảm đỏ mời gọi người tài nhưng thực tế nhiều nơi bên dưới thảm lại có nhiều đinh và chính các thủ tục hành chính là những cái đinh đáng sợ”, ông Giao băn khoăn.
Để thu hút nhân tài, ông Giao cho rằng TP nên ưu tiên thu hút lao động có trình độ và kỹ năng cao, không phân biệt giữa các nhà khoa học trong nước và các nhà khoa học Việt kiều. Ngoài ra, TP tạo môi trường làm việc thuận lợi cho các nhà khoa học, xây dựng cơ chế phối hợp giữa chuyên gia trong và ngoài nước để tiếp thu công nghệ tiên tiến, hiện đại. Cho phép các tổ chức khoa học và công nghệ được thực hiện chế độ lao động hợp đồng để giảm bớt rào cản đối với các nhà khoa học Việt kiều trong nghiên cứu ngắn hạn.
Về đối tượng thu hút, TS Trương Minh Huy Vũ, ĐH Quốc gia TP, nêu sự bất hợp lý khi đề án chỉ thu hút cho các sở ban ngành ở TP mà không đưa các cơ quan T.Ư đóng ở TP vào. Ví dụ như ĐH Quốc gia TP, ĐH Bách khoa TP… không nằm trong đề án nhưng những trường này đóng góp rất mật thiết vào sự phát triển của TP, nhất là lĩnh vực sáng tạo khoa học, kỹ thuật... GS-TS Võ Văn Tới, ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP), bổ sung đề án không nhắc tới việc thu hút người tài ở ĐH Quốc gia TP là sự thiếu sót bởi nơi đây là “ổ nhân tài” và cần được đưa vào đề án để góp phần phát triển TP.
PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Trưởng khoa Khoa học quản lý ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương), cho rằng thu hút chuyên gia đầu ngành thì vấn đề không phải là ở bằng cấp hay năng lực của chuyên gia đó, mà chính là “giá trị thặng dư” của chuyên gia mang lại. Đó chính là mạng lưới các chuyên gia giỏi xoay quanh chuyên gia này. Đây là cách làm thành công của ĐH Quốc gia TP khi mời một chuyên gia giỏi Việt kiều về xây dựng, thiết kế Viện John von Neumann (thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM) và người này thu hút nhiều chuyên gia giỏi xung quanh viện này. Hiện Viện John von Neumann rất thành công trong việc thu hút người tài về đây cộng tác.
Ông Lộc cũng cho hay, những đãi ngộ mà đề án nêu như người trúng tuyển được hỗ trợ ban đầu 100 triệu đồng, hưởng lương bậc 2 (hệ số 9,40), khi ký hợp đồng lần 2 trở đi được hưởng bậc 3 (hệ số 10), mỗi công trình khoa học được hưởng từ 30 - 50 triệu đồng thậm chí 1 tỉ đồng... vẫn chưa cao, thậm chí chưa bằng mức một số địa phương đưa ra và chưa đủ sức lôi kéo các nhà khoa học hàng đầu cống hiến cho TP.
Thạc sĩ Nguyễn Chí Hiếu, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP, góp ý nên thu hút chuyên gia giỏi theo dự án chứ nếu thu hút làm theo thời gian sẽ không hiệu quả. Bởi phần lớn người giỏi, có năng lực, chuyên môn đã có vị trí công tác lại thường thích làm theo hợp đồng dự án chứ không hứng thú làm việc liên quan đến hành chính, thủ tục.
GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP, cũng đồng tình biện pháp tuyển chọn mà đề án quy định quá phức tạp, quy định làm toàn thời gian 18 tháng thì chỉ có những người nghỉ hưu mới đủ điều kiện làm việc chứ khó thu hút chuyên gia giỏi đương chức ở trong nước lẫn ngoài nước. Ông Sơn cũng đề xuất đề án nên trao quyền chủ động cho các đơn vị chủ động tuyển chuyên gia.
*Bạn đọc có thể xem thông tin về dự thảo đề án thu hút nhân tài của TP.HCM trên Thanhnien.vn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.