Thủ khoa 'bật mí' cách làm bài đạt điểm cao: Xem run sợ là điều... thú vị !

11/07/2020 08:49 GMT+7

Vào phòng thi, tâm lý thí sinh nào cũng run sợ nhưng với thủ khoa Nguyễn Phú Nghĩa, đó là điều thú vị, là cảm xúc chỉ có một lần trong đời để có thể tự tin hơn khi làm bài thi.

Trong chương trình trực tuyến với chủ đề: Chiến thuật ôn thi THPT “nước rút”, do Ban tổ chức chương trình Tiếp sức mùa thi 2020 tổ chức tại Báo Thanh Niên sáng 10.7, Nguyễn Phú Nghĩa, thủ khoa Trường ĐH Bách khoa TP.HCM 2019 (thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực với 1.108 điểm và khối A1 thi THPT quốc gia 2019: 27,05 điểm), đã có những chia sẻ thú vị về bí quyết ôn thi “nước rút” để đạt được kết quả cao.

Tận dụng tốt việc học nhóm

Nghĩa “bật mí” cách ôn thi tốt trong giai đoạn “nước rút” chính là học nhóm. Và Nghĩa xem đó là một điều may mắn, một lựa chọn sáng suốt để có được kết quả cao, trở thành thủ khoa như nhiều thí sinh đều mong ước.

Cảm giác vào phòng thi run cầm cập và cầm bút không nổi là khó tránh khỏi. Cứ tự hỏi “làm sao để cho bớt sợ?” thì lại làm cảm xúc đó mạnh hơn và càng run sợ hơn nữa. Thay vì thế, mình hãy sống chung với nó và xem cảm giác sợ là một điều thú vị

Nguyễn Phú Nghĩa

Theo Nghĩa, mọi người luôn nói với nhau “học thầy không tày học bạn” và bản thân Nghĩa cũng luôn biết học nhóm sẽ tốt. Qua kỳ thi năm vừa rồi, Nghĩa càng cảm nhận và khẳng định được hiệu quả của việc học nhóm là quá tốt cho thí sinh sắp đi thi.
Nghĩa khuyên là hãy cố gắng xây dựng một nhóm có đầy đủ các khối thi, tức mỗi môn phải có một bạn có thế mạnh để bổ trợ lẫn nhau.
“Giai đoạn nước rút thì gần như đã bớt việc học ở trường nên thường tụi mình sẽ hẹn nhau ở quán cà phê hoặc đến trường tìm phòng học nhóm. Ở mỗi buổi học nhóm đó, bạn nào có thế mạnh về môn nào sẽ được giao để lên danh sách những việc cần làm cho môn của mình và cùng thúc mọi người dò bài. Những bạn học khối B khi soạn bài thì sẽ soạn ra 2 mục khác nhau, một dạng soạn riêng cho những bạn thi khối B và một dạng cho những khối khác, ở mức độ khác nhau...”, thủ khoa Nghĩa chia sẻ.

Nguyễn Phú Nghĩa tham gia chương trình trực tuyến Chiến thuật ôn thi THPT “nước rút” tại Báo Thanh Niên sáng 10.7

Độc Lập

Cũng theo Nghĩa, trong giai đoạn “nước rút” này, chỉ là dò bài và dò bài, vì kiến thức là bạn đã tích lũy từ năm lớp 10, 11 và 12. Đến giai đoạn này chỉ nên ôn và luyện lại những gì đã có, chứ không phải thời điểm để học thêm kiến thức mới.
“Giai đoạn này, việc học nhóm với mình rất quan trọng, vì sẽ giúp cùng nhau phát triển kỹ năng làm bài, tập trung vào những gì có thế mạnh để bổ trợ cho nhau. Khi học nhóm sẽ được thôi thúc học nhiều hơn, vì thấy các bạn học nhiều thì mình cũng phải học theo. Còn nếu chọn cách học ở nhà, một mình sẽ không có được những không khí đó. Tất nhiên, nhóm bạn chọn phải hợp “gu” và có kỷ luật, cùng nhau học để cùng tiến bộ”, Nghĩa chia sẻ.

Sống chung với... run sợ

Điều đặc biệt với anh chàng thủ khoa này là xem cảm giác run sợ vào phòng thi là một điều thú vị, cũng chính nhờ thế mà Nghĩa giữ được sự tự tin khi làm bài.
Thầy Phạm Hùng, Tổ phó tổ tiếng Anh Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), rất thích thú với cảm giác xem những run sợ là một điều thú vị của Nghĩa.

Thầy Hùng chia sẻ: “Như một ca sĩ, dù hát lâu năm nhưng khi lên sân khấu cũng lo sợ, vì không biết khán giả có đón nhận ca khúc này không, rồi khán giả có yêu thích không... Trong thi cử cũng vậy, chính cảm giác lo sợ mà bạn làm được tốt đề thi, lúc đó mới thật sự thăng hoa. Mà phải có cảm giác lo sợ thì mới có được sự thăng hoa này. Vì vậy, cảm giác lo sợ là một điều rất bình thường của thí sinh khi vào phòng thi, nên bạn cứ cố gắng bình tĩnh và tìm lại chính mình để không có gì phải sợ cả”.

Với Nghĩa, cảm giác run sợ khi đi thi là điều hết sức bình thường, thậm chí chuẩn bị đầy đủ hết rồi nhưng cũng khó tránh khỏi cảm giác đó.
Nghĩa kể: “Cảm giác vào phòng thi run cầm cập và cầm bút không nổi là khó tránh khỏi. Và thậm chí với môn toán là môn thế mạnh của mình, nhưng vào phòng thi vẫn sợ. Cứ tự hỏi “làm sao để bớt sợ?” thì càng làm cảm xúc đó mạnh hơn và càng run sợ hơn nữa. Thay vì thế, mình hãy sống chung với nó và xem cảm giác sợ là một điều thú vị”.
Nghĩa bày tỏ: “Tâm lý chung của thí sinh là khi ngồi vào phòng thi, không biết lát nữa sẽ đối diện với điều gì, có làm được bài hay không... Những áp lực này đến rất tự nhiên và đâu dễ có được điều đó lần thứ 2 trong đời, nên thôi cứ tận hưởng nó đi. Như thế bạn không còn bị nặng nề về tâm lý nữa mà sẽ làm tốt được bài thi hơn”.
Một điều mà thủ khoa Nghĩa muốn nhắn gửi đến các thí sinh là hãy coi trọng sức khỏe của mình: “Mùa thi, việc học kiến thức rất quan trọng, nhưng cũng đừng vì thế mà xem thường, không chú trọng đến sức khỏe. Hãy luôn quan tâm giấc ngủ và bữa ăn của mình để có được sức khỏe thật tốt cho kỳ thi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.