Thi tốt nghiệp THPT sao lại tập trung ôn kỹ năng? Những kỹ năng này là gì mà giúp Hương đạt được vị trí thủ khoa đầu vào? Hãy cùng nghe cô nàng thủ khoa chia sẻ bí quyết ôn thi để đạt điểm cao với 3 môn văn, sử, địa.
Yếu tố đầu tiên để đạt điểm cao
Với tổng điểm 28,75 (văn 9,25; lịch sử 9,75; địa lý 9,75), Hương vinh dự vừa là thủ khoa đầu vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM vừa là thủ khoa khối C tỉnh Hà Tĩnh năm 2021.
“Điều đầu tiên để mình có thể đạt được điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là bản thân có niềm yêu thích và đam mê đối với 3 môn văn, sử, địa từ nhỏ. Thực ra, mình cũng học lệch lắm, chỉ học được các môn thuộc khối xã hội. Cũng may mắn là trong 3 môn tổ hợp thì có tới 2 môn mình đã có nền tảng từ nhỏ, được thầy cô chỉ dạy rất nhiều”, Hương kể.
Đam mê về tổ hợp môn thôi chưa đủ, theo Hương, cần phải đam mê với ngành học để có mục tiêu và dự định cho tương lai thật đúng đắn.
Thí sinh trao đổi về bài thi khoa học xã hội kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 |
Nữ Vương |
“Khi đã có đam mê nhất định đối với ngành học nào đó, thì phải tìm hiểu ngành đó của trường ĐH mà mình sẽ theo đuổi xét những tổ hợp nào, cái này mình nghĩ các bạn phải tìm hiểu từ sớm, muộn nhất là đầu năm lớp 12”, cô nàng thủ khoa chia sẻ và tin rằng khi đã có mục tiêu, biến nó thành ước mơ và động lực thì kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ xứng đáng với những gì mình bỏ ra.
Để tất cả đề văn đều trở nên đơn giản
Chia sẻ cụ thể về cách thức ôn thi của từng môn, Hương cho biết đối với môn văn, thay vì lựa chọn việc học thuộc lòng đáp án phân tích các tác phẩm, cô nàng lại chỉ chọn học thuộc và nắm chắc các ý chính của tác phẩm, rồi tập trung học kỹ năng là chính.
“Mình thấy rất may mắn vì được chính cô giáo chủ nhiệm, người trực tiếp dạy mình môn văn của cả 3 năm THPT, đã chỉ cho mình các kỹ năng mà rất ít giáo viên dùng để dạy học sinh. Chính điều này mà mình không cần nhớ quá nhiều vẫn có thể xử lý được các đề bài khó nhằn. Mình thấy chỉ cần nằm lòng các kỹ năng làm bài và xử lý đề thì tất cả các đề đều trở nên đơn giản hơn rất nhiều”, Hương kể.
Những kỹ năng mà Hương đã sử dụng trong quá trình ôn thi cũng như khi thi cụ thể là chia thời gian cho các câu, thường sẽ có 3 câu, Hương chia 15 - 20 phút cho câu đọc hiểu, 15 phút cho câu nghị luận xã hội, còn nghị luận văn học dành từ 55 - 60 phút.
Tiếp theo, Hương gạch các ý chính của bài mà mình cần triển khai. “Đây là kỹ năng mà hầu hết các bạn đều bỏ qua vì nghĩ mất thời gian và không có hiệu quả. Tuy nhiên, thay vì lập một dàn bài quá chi tiết thì hãy chỉ vạch các ý chính, thật ngắn gọn để khi làm mạch ý bài của mình sẽ sáng và rõ, không bị nhầm lẫn giữa các ý và có thể khống chế được thời gian”, Hương nói.
Với Hương, ngắn gọn nhưng đủ ý, dài nhưng không quá lố và lan man. Vì Hương quan niệm trước khi có một bài làm hay thì phải đảm bảo yếu tố đúng và đủ trước. “Đối với những bạn có tốc độ viết không nhanh thì phải tập làm quen với việc viết đầy đủ, ngắn gọn và súc tích. Nếu các bạn sợ ngắn quá bài sẽ khô khan thì hãy lựa chọn cho mình một mở bài và kết bài theo hướng mở để tạo thiện cảm cho người chấm, một phần kết luận có liên hệ so sánh để làm điểm nhấn cho bài”, Hương cho biết.
Thay vì lập một dàn bài quá chi tiết thì hãy chỉ vạch các ý chính, thật ngắn gọn để khi làm mạch ý bài của mình sẽ sáng và rõ, không bị nhầm lẫn giữa các ý và có thể khống chế được thời gian.
Phan Thị Hương, thủ khoa đầu vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM năm 2021
NVCC |
Cô nàng thủ khoa còn khuyên thí sinh nên nắm chắc mục tiêu đề muốn hỏi cho ý 2 phần nghị luận văn học.
“Đây là phần không chiếm quá nhiều điểm nhưng lại được coi là điểm sáng của toàn bài làm. Thực ra những phần này chỉ có 4 - 5 dạng, bạn nắm kỹ kiến thức, biết được trường hợp nào thì thuộc những dạng nào để rồi xử lý bài thật tốt”, Hương chia sẻ.
Và cô nàng thủ khoa giải thích cặn kẽ về chủ đề giá trị nhân đạo thường làm đầy đủ 4 ý này sẽ đạt điểm tuyệt đối: khái niệm và biểu hiện của giá trị nhân đạo, nhận xét (đúng hay sai, có sâu sắc hay không, có kế thừa hay có nét mới gì), giải thích nguyên nhân tại sao lại có tư tưởng đó, đóng góp của tư tưởng đó đối với tác giả và diễn đàn văn học.
Sử, địa ôn thế nào ?
Kỹ năng mà Hương đúc kết được cho môn sử là học theo giai đoạn, tóm tắt được giai đoạn và nắm được các sự kiện lớn để tránh việc học một chuỗi sự kiện dài cả thế giới lẫn Việt Nam rất khó nhớ và dễ nhầm lẫn. Ví dụ lịch sử thế giới, Hương học theo các quốc gia trong châu lục; lịch sử Việt Nam Hương chia thành các giai đoạn như: 1919 - 1930, 1930 - 1936, 1936 - 1945, 1945 - 1954…
“Sau khi đã nắm được ý chính của chuỗi sự kiện rồi mình sẽ học theo bài. Mỗi bài sẽ phân chia thành các cấp độ theo ma trận của đề thi từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp đến vận dụng cao. Trong quá trình học mỗi sự kiện thì đối chiếu so sánh với các sự kiện nằm ngoài chương trình lớp 12 vì nó thường được đưa vào câu vận dụng cao”, Hương “bật mí”.
Ngoài ra, Hương còn học theo từ khóa. Mỗi từ khóa sẽ được ứng dụng vào một sự kiện nhất định. Như nhắc tới cụm từ chiến dịch phản công đầu tiên của Việt Nam là sẽ chọn Việt Bắc 1947, chiến dịch tiến công đầu tiên là biên giới 1950..., có được các cụm từ đó thì sẽ thuận lợi cho việc loại trừ đáp án.
Với môn địa lý, Hương lựa chọn phân chia chương trình thành 3 phần: địa lý tự nhiên, địa lý dân cư và địa lý vùng kinh tế. Giữa các phần vẫn tiếp tục phân thành 4 cấp độ và học theo từ khóa.
“Các bạn thường chia sẻ phần khó nhất là địa lý tự nhiên, nhưng mình thấy nó thực sự không khó vì địa lý tự nhiên trong đề thi chỉ có 1/4 đáp án đúng, có thể loại trừ, còn cái thực sự khó là địa lý vùng kinh tế, vì địa lý vùng có 4/4 đáp án đúng, mình phải lựa chọn đáp án đúng nhất”, cô nàng thủ khoa bày tỏ.
Bình luận (0)