Thủ khoa đại học thường là học sinh ở nông thôn?

15/07/2019 20:03 GMT+7

Danh tính thủ khoa các khối, các trường đại học sau kỳ thi THPT quốc gia 2019 đã dần dần được công bố. Thủ khoa thường là học sinh ở nông thôn?, là câu hỏi nhiều người đặt ra.

Năm nay, ngoại trừ thủ khoa khối D01 (toán, văn, tiếng Anh) là một thí sinh đến từ Hà Nội với tổng số điểm là 28.4 thì thủ khoa các khối còn lại đều ở các vùng nông thôn, các “tỉnh lẻ” Thanh Hóa, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, những ‘cái nôi’ của thủ khoa

Thủ khoa khối A của cả nước là Vũ Đức Anh, Trường THPT Quảng Xương 1, tỉnh Thanh Hóa (29,05 điểm: toán 9,8; lý 9,25 và hóa học 10 điểm).
Thủ khoa khối B là Ngô Thu Hà, học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) với 29,8 điểm, thí sinh này tổng điểm toán, hóa, sinh là 29,8 điểm (toán 9,8; vật lý 10; hóa học 10). Thí sinh này cũng là "thủ khoa của thủ khoa" trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay.
Thủ khoa khối C toàn quốc, đó là Hoàng Thị Thái Bảo, cựu học sinh lớp 12C1, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An. Thái Bảo đạt 28,75 điểm với ngữ văn 9,25; lịch sử 9,75 và địa lý 9,75.
Thủ khoa khối A1 (toán, vật lý, tiếng Anh) đến từ Hà Tĩnh với 28,9 điểm. Thủ khoa khối C01 (toán, văn, vật lý) đến từ Nghệ An với 27,4 điểm.
 

Ở Hà Nội, TP.HCM nhiều cái gây 'xao nhãng', nên ít thủ khoa?

Vào năm 2018, Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) cũng là nơi một thủ khoa khối B (toán, hóa, sinh) với 29,55 điểm.
Thủ khoa khối A của năm 2018 là một thí sinh đến từ Bắc Ninh với tổng điểm 3 môn là 29.5.
Năm 2017, có 13 thí sinh đạt 30 điểm tuyệt đối ở tổ hợp 3 môn xét đại học, thì Thanh Hóa dẫn đầu số lượng thủ khoa (3 thí sinh); Hà Nội và TP.HCM mỗi thành phố có 2 thủ khoa; các tỉnh có một thủ khoa 30 điểm là Nghệ An, Hà Tĩnh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk, Vĩnh Long, Đà Nẵng.

Nguyễn Thị Kim Phượng, thủ khoa khối C của Bình Định năm 2016, gia cảnh khó khăn nhưng học rất giỏi

Tâm Ngọc

Năm 2016, thủ khoa khối A 29,4 điểm là đến từ Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An.
Năm 2015, thủ khoa khối B là Phạm Minh Thái với 29,25 điểm 3 môn toán, hóa, sinh. Thái sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Như Thanh, Thanh Hóa và học ở Trường THPT Như Thanh. Thái cũng có điểm số ấn tượng ở khối A với 28,75 điểm. Đây cũng là bạn trẻ có điểm thi THPT quốc gia cao nhất tỉnh Thanh Hóa 4 năm về trước.
Tại sao các thủ khoa thường là các học sinh đến từ các vùng nông thôn, chỉ có rất ít các thí sinh đến từ các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng?
Võ Trung Nghĩa, du học sinh Trường ĐH điện ảnh và truyền hình St.Petersburg (Nga) cho rằng: “Thủ khoa đầu vào của các trường ĐH ở Việt Nam đa phần ở nông thôn là bởi vì đề thi và cách thi hiện tại đã có nhiều cải cách. Đề thi nhắm tới đối tượng thí sinh học đều hơn, những bạn nào nắm sát chương trình học và học đúng chuẩn sách giáo khoa thì sẽ có cơ hội đạt điểm cao. Thí sinh từ những thành phố lớn hay gặp phải là học tập trung theo khối. Các bạn đi học thêm nhiều nơi, nhưng lại chỉ tập trung học 1-2 môn
“Ở thành thị càng ngày càng có nhiều thứ dễ gây xao nhãng hơn, trong khi ở nông thôn các bạn có thể tập trung học hơn. Ở thành thị cuộc sống có thể xô bồ đến 9-10 giờ tối, còn ở nông thôn đến 7-8 giờ tối là đã yên tĩnh, các bạn có thể tập trung học bài", Trung Nghĩa chỉ ra những lý do mà thủ khoa phần lớn thường là học sinh nông thôn.

Ở nông thôn, chỉ có thể học mới có thể thoát nghèo?

Du học sinh Trung Nghĩa cũng cho rằng, thủ khoa thường là học sinh nông thôn là vì "quyết tâm của các bạn học sinh nông thôn với ý chí thoát nghèo, hay là muốn tìm tới một phương trời mới, đã giúp các bạn có động lực tốt hơn học sinh thành phố”.
Phụ huynh Phạm Văn Tình, trú huyện Mường Lát, Thanh Hóa, cho biết theo anh một trong những lý do để các vùng nông thôn, các tỉnh lẻ, đặc biệt ở nhiều vùng rất khó khăn, số lượng thủ khoa đầu vào thường lớn hơn, bởi trong môi trường khó khăn, điều kiện sống khắc nghiệt càng trui rèn ý chí, khao khát thoát nghèo trong các thí sinh. “Ở quê tôi mùa hè nóng rát, mùa đông lạnh thấu xương, ngước mặt nhìn xung quanh thì chỉ thấy núi, rừng, gọi là chó ăn đá gà ăn sỏi, vậy nếu muốn đổi đời thì chỉ còn học mà thôi, cha mẹ làm nông dân, trong nhà không tài sản, tương lai chắc chắn do mình tự xây dựng. Những ai có ý chí, giàu ước mơ sẽ biết học ngày học đêm để có những kết quả cao nhất”, anh Tình nói.

'Thủ khoa thành công trong học vấn, còn trong công việc thì chưa chắc'

 
Phan Nguyễn Văn Trường, cựu sinh viên ĐH Quốc gia Singapore, ông chủ doanh nghiệp start-up Gohub, cho rằng thủ khoa thường sẽ hội tụ các yếu tố như năng lực học vấn, công sức tập trung ôn luyện cho kỳ thi và thêm một chút may mắn: "Nên nếu tập trung vào yếu tố thủ khoa thôi, thì chưa phản ánh đúng lắm mặt bằng thủ khoa theo vùng miền, cần phải so sánh theo phổ điểm, ví dụ như tỷ lệ 8-9, 9-10"
"Kinh nghiệm cá nhân của tôi thường thấy các bạn thủ khoa nhìn chung là thành công trong con đường học vấn. Nhưng gọi là xuất sắc ở tầm cỡ làm khoa học, nghiên cứu, hay công việc thì tôi chưa thấy", Trường cho hay.

Từ 2012 đến 2014, thủ khoa đại học ở những miền quê nào?

 
Cùng quay ngược thời gian trở lại, chúng ta thấy thông tin các thí sinh có điểm cao nhất nước phần lớn đến từ các tỉnh nghèo, không ít em có hoàn cảnh khó khăn.
Năm 2012 đứng đầu danh sách 100 thí sinh có điểm thi ĐH, CĐ cao nhất nước (từ 28,25 điểm trở lên) là Nguyễn Kim Phượng, quê tỉnh Lâm Ðồng, thi vào Trường ÐH Y Dược TP.HCM với tổng điểm 3 môn đạt tuyệt đối 30 điểm. Thí sinh đứng vị trí thứ 2 là Trần Xuân Bách ở huyện Ba Vì, Hà Nội (Hà Tây cũ) dự thi Trường ĐH Y Hà Nội với số điểm là 29,75.
Năm 2013, Nguyễn Trọng Hùng (học sinh Trường THPT Nam Khoái Châu, ở xã Đại Hưng, H.Khoái Châu, Hưng Yên) đạt thủ khoa Trường ĐH Ngoại thương, là một trong 2 thí sinh có điểm cao nhất nước với 29,5 điểm.
Năm 2014, toàn quốc có 3 thí sinh thi ĐH có điểm cao nhất 29,25 thì cả ba đều không ở các thành phố lớn: Lê Bá Tùng, thủ khoa Trường ĐH Y Hà Nội là học sinh Trường THPT Quảng Xương 1, Thanh Hóa. Phạm Đức Toàn, thủ khoa Trường ĐH Ngoại thương là học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An. Tống Hữu Nhân, học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long) thủ khoa Trường ĐH Y Dược TP.HCM.
Từ năm 2008 đến 2014, trong số 11 thủ khoa và á khoa của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM có 9 người đến từ các tỉnh Quảng Ngãi, Trà Vinh, Đồng Nai, Tây Ninh… Tương tự, trong số 8 thủ khoa và á khoa của Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM thì cũng có tới 7 người sinh sống tại các địa bàn không phải thành phố lớn như: Bình Định, Khánh Hòa, Bình Phước, Đồng Nai…
Tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, tính từ năm 2007 đến 2014 có tất cả 16 thủ khoa cấp trường đạt từ 28,5 đến 30 điểm. Trong số này, 13 người ở các huyện như: Long Thành (Đồng Nai), Phù Cát (Bình Định), Bù Gia Mập (Bình Phước), Hàm Tân (Bình Thuận)…
Năm 2014, một trong 2 thủ khoa của trường năm cùng đạt 28,5 điểm là Trần Văn Cường ở thôn Trung Nam, xã Trung Lễ, H.Đức Thọ, Hà Tĩnh với hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Thủ khoa này đồng thời còn là á khoa của Trường ĐH Y Hà Nội với 29 điểm.
Thanh Niên
Quan điểm của bạn về vấn đề trên như thế nào? Xin gửi ý kiến về cho Thanh Niên bằng cách nhập vào ô bình luận cuối bài. Xin trân trọng cảm ơn!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.