Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang:

'Thu kinh phí công đoàn 2% thể hiện sự ưu việt của chế độ'

18/06/2024 10:59 GMT+7

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang khẳng định, việc luật hóa và duy trì nguồn thu 2% kinh phí công đoàn thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa thông qua việc xây dựng và thực thi chính sách của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động công đoàn.

Ngày 17.6, ngay trước phiên thảo luận chính thức tại hội trường về dự án luật Công đoàn (sửa đổi) Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại tổ của đại biểu Quốc hội về dự án luật.

Liên quan tới kinh phí công đoàn 2%, báo cáo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, nguồn thu kinh phí công đoàn 2% được quy định từ năm 1957 và được duy trì từ khi có luật Công đoàn cho đến nay.

"Việc luật hóa và duy trì nguồn thu 2% kinh phí công đoàn thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa thông qua việc xây dựng và thực thi chính sách của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động công đoàn; đồng thời cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 02-NQ/TW", ông Nguyễn Đình Khang nêu tại báo cáo.

'Thu kinh phí công đoàn 2% thể hiện sự ưu việt của chế độ'- Ảnh 1.

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang

GIA HÂN

Kết dư tài chính hơn 43.000 tỉ đồng, hơn 70% ở công đoàn cấp trên

Cũng tại báo cáo, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Nguyễn Đình Khang cho biết, kinh phí công đoàn được sử dụng tại công đoàn cơ sở là chủ yếu để trực tiếp chăm lo cho đoàn viên, người lao động.

Với mức tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội hiện nay của người lao động khoảng 5,7 triệu/tháng thì trong 1 năm doanh nghiệp phải đóng kinh phí công đoàn khoảng 1,4 triệu đồng. Khi đó, 75% số kinh phí công đoàn đã đóng này (khoảng 1 triệu đồng) sẽ được phân phối cho công đoàn cơ sở để chăm lo cho đoàn viên, người lao động dùng để thăm hỏi ốm đau, quà sinh nhật, quà tết, hoạt động văn hóa, thể thao...

Cũng tại báo cáo, ông Khang cho hay, số dư nguồn tài chính công đoàn tích lũy đến ngày 31.12.2023 khoảng 43.211 tỉ đồng (tính theo niên độ tài chính). Trong đó, số dư tài chính công đoàn tích lũy của công đoàn cơ sở là 12.373 tỉ đồng, chiếm 28,6% tổng số dư tài chính công đoàn tích lũy của hệ thống công đoàn.

Số dư tài chính công đoàn tích lũy của 3 cấp còn lại là 30.837 tỉ đồng (chiếm 71,4%). Trong đó: dư tại công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là 8.693 tỉ đồng; dư tại liên đoàn lao động tỉnh, thành phố và tương đương là 15.355 tỉ đồng; dư tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là 6.789 tỉ đồng.

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, số dư tài chính công đoàn tích lũy tại 4 cấp tính đến hết niên độ tài chính (31.12 hàng năm) còn dư nhưng thực tế sau tết Âm lịch thì số kinh phí kết dư tại công đoàn cơ sở thường được sử dụng hết để chăm lo cho đoàn viên, người lao động tham gia trực tiếp.

Trong khi đó, dư tại cấp công đoàn cấp trên cơ sở, thực hiện điều tiết cho công đoàn cơ sở không có tích lũy đủ chi và chi hoạt động cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.

Còn dư tại cấp liên đoàn lao động tỉnh, thành phố và tương đương và cấp Tổng liên đoàn dùng để điều tiết cho các địa phương không có số dư tích lũy để chi và chi hoạt động của các cấp này.

Từ những lý do nêu trên, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định, việc tiếp tục duy trì mức đóng 2% kinh phí công đoàn như hiện nay là cần thiết để tổ chức công đoàn đảm bảo nguồn kinh phí cho hoạt động, thực hiện tốt trách nhiệm chăm lo cho đoàn viên, người lao động.

Giao Chính phủ quy định tỷ lệ phân chia kinh phí công đoàn là "tối ưu"

Về phân phối kinh phí công đoàn, dự thảo luật đề xuất 2 phương án: phương án 1 là giao Chính phủ quy định tỷ lệ phân phối; phương án 2 là quy định tỷ lệ 25%/75% (cấp trên/cấp cơ sở).

Tại báo cáo, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, theo quy định tại luật Công đoàn 2012, việc phân phối kinh phí công đoàn giữa các cấp thuộc quyền tự quyết của công đoàn.

Việc Tổng liên đoàn đề xuất "luật hóa" tỷ lệ phân chia tài chính công đoàn 25%/75% (cấp trên/cấp cơ sở) dựa trên nhiệm vụ của từng cấp công đoàn và thực tiễn điều hành tài chính công đoàn trong 10 năm trở lại đây, được lấy ý kiến rộng rãi từ các cấp công đoàn; đồng thời, thảo luận dân chủ tại diễn đàn Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn.

Trước đây, tỷ lệ phân chia cho cấp cơ sở từ 68% - 69%, trên cơ sở điều chỉnh nhiệm vụ từng cấp công đoàn, với tinh thần hướng về cơ sở, từ năm 2016, mỗi năm, mức phân bổ cho công đoàn cơ sở tăng 1%, đến nay duy trì mức ổn định 75%. Tham khảo kinh nghiệm công đoàn một số quốc gia như Singapore, Trung Quốc, mức phân bổ cho cơ sở từ 72% - 75%.

Theo ông Khang, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, yêu cầu xác định tỷ lệ phân phối kinh phí công đoàn giữa các cấp và giữa các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để quy định ổn định, lâu dài trong luật là rất khó khăn, không khả thi.

Hơn nữa, việc quy định một tỷ lệ xác định ngay trong luật sẽ dẫn đến khó điều chỉnh khi bối cảnh quan hệ lao động có sự thay đổi. Trong trường hợp cần điều chỉnh tỷ lệ này sẽ phải sửa luật, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Do vậy, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất lựa chọn phương án 1, tức giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành để đảm bảo sự linh hoạt, phù hợp.

"Đây là phương án tối ưu, theo đó Chính phủ chỉ quy định đối với những nơi 'đã có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp', còn những nơi khác thì vẫn giữ như hiện hành", ông Khang nêu tại báo cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.