Thu lãi bạc tỉ mỗi năm nhờ nuôi loài 'chim khổng lồ'

16/07/2021 07:37 GMT+7

Từ 50 con giống năm 2015, đến nay, trang trại đà điểu của anh Nguyễn Minh Ngọc có quy mô lớn nhất tỉnh Quảng Ninh, với hơn 100 con, mỗi năm thu lãi gần 1 tỉ đồng.

Bỏ làm thuê về quê khởi nghiệp
Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi mới có dịp đến trang trại tổng hợp của anh Nguyễn Minh Ngọc (36 tuổi, P.Xuân Sơn, TX.Mạo Khê, Quảng Ninh) để chiêm ngưỡng cơ ngơi hàng tỉ đồng, ấn tượng nhất là đàn đà điểu to khoẻ với hơn 100 con.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Ngọc kể, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế quốc dân rồi đi làm thuê cho nhiều công ty về xuất nhập khẩu ở Hà Nội, Quảng Ninh, nhưng với quyết tâm làm giàu, cuối cùng chàng cử nhân trẻ quyết tâm bỏ làm thuê về quê khởi nghiệp. “Đông Triều nổi tiếng là vùng nông nghiệp trù phú, đất đai rộng thích hợp cho kinh tế trang trại, vì sao lại không làm giàu trên chính mất đất quê hương mà phải đi nơi khác. Câu hỏi ấy khiến tôi suy nghĩ nhiều, và cuối cùng quyết tâm mở trang trại, dù phải nhận thất bại”, anh Ngọc chia sẻ.
Năm 2013, thời điểm vợ chồng anh Ngọc xây dựng trang trại với chỉ khoảng 1 ha đất, nhưng đến nay đã mở rộng được 5 ha; trong đó có hơn 6.000 con gà; 4.000 con vịt, ngan, sâm cầm; đầm nuôi rươi... Nhưng ấn tượng hơn cả là đàn đà điểu hơn 100 con.
Nói về chuyện nuôi đà điểu, anh Ngọc cho biết nếu chỉ nuôi gia cầm đơn thuần thì khó làm giàu, lại tiềm ẩn nguy cơ bệnh dịch. Chính vì vậy, sau khi đi học hỏi kinh nghiệm một số mô hình nuôi đà điểu ở phía Bắc, năm 2015, chàng cử nhân kinh tế trẻ đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại trên diện tích gần 10.000 m2, với 50 con về thả nuôi. “Lúc mới nuôi ở gia đình, bạn bè ai cũng lo sợ tôi thất bại vì cho rằng đây là mô hình lần đầu tiên ở Quảng Ninh, kinh nghiệm thì ít nên nguy cơ thất bại cao. Tuy vậy, tôi không nản chí, vay mượn thêm để làm chuồng, mua đà điểu từ Hải Dương, Ba Vì về nuôi”, anh Ngọc cho biết.
Theo anh Ngọc, đà điểu là loài chim hoang dã, mới được thuần chủng và có thể phát triển tốt trong môi trường bán tự nhiên. Thức ăn chủ yếu của đà điểu là cỏ, bèo tây, chuối, các loại cây, lá có màu xanh khác... được xay nhuyễn, bỏ vào máng cho ăn dần.
Nhờ áp dụng đúng khoa học kỹ thuật, đến nay, đàn đà điểu của gia đình anh Ngọc phát triển đều. Sau hơn 1 năm tuổi, những chú chim khổng lồ đạt trọng lượng 100 kg/con trở lên và cho xuất bán. Đối với thịt thương phẩm, anh Ngọc bán 250.000/kg, thịt hơi khoảng 100.000 đồng/kg.
Ngoài sản phẩm thịt đà điểu, vợ chồng anh Ngọc còn bán thêm trứng để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Mỗi con đà điểu mái đẻ từ 35 - 40 quả trứng/năm, có giá 150.000 đồng/quả. Riêng bán trứng, sau khi trừ các chi phí là tiền giống, thức ăn, công nuôi, mỗi con đà điểu anh Ngọc thu lãi khoảng 5 triệu đồng. Tổng cộng, mỗi năm anh thu lời gần 1 tỉ đồng từ đàn đà điểu và trang trại của mình.

Ước muốn làm du lịch sinh thái

Hiện nay, trang trại nhà anh Ngọc thường xuyên đón các đoàn khách đến tham quan học tập mô hình kinh tế mới. Không những vậy, nhiều gia đình còn đến đây mỗi dịp cuối tuần để chiêm ngưỡng đàn đà điểu lạ mắt; ngắm vườn lan với hàng trăm cây khoe đủ màu sắc; trải nghiệm bắt rươi, câu cá…
Đặc biệt, với thành công nuôi đà điểu, mô hình của anh Ngọc giờ đây đã mở ra hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế trang trại tại địa phương, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Trang trại của anh Ngọc cũng tạo việc làm cho 10 người dân địa phương, với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Khắc Dũng, Phó chủ tịch UBND TX.Đông Triều, cho biết với thành công từ nuôi đà điểu của anh Ngọc, TX.Đông Triều đang nhân rộng mô hình này để các hộ chăn nuôi cùng tham gia.
Anh Nguyễn Mạnh Thể, Bí thư Đoàn thanh niên P.Xuân Sơn (TX.Đông Triều), cho rằng mô hình chăn nuôi đà điểu của anh Nguyễn Minh Ngọc đã minh chứng cho tinh thần dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, cùng khát vọng làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
“Chúng tôi đã mời anh Ngọc tham gia câu lạc bộ khởi nghiệp của tỉnh và thị xã để cùng chia sẻ những bí quyết, kinh nghiệm, đồng thời lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm tới các bạn trẻ”, anh Thể nói.
Anh Ngọc cho biết, dự định trong thời gian tới sẽ làm mới lại trang trại, để hướng đến phát triển kinh tế trang trại, kết hợp làm du lịch sinh thái. Anh Ngọc cũng ấp ủ ý tưởng biến trang trại của mình thành một “safari” thu nhỏ, khi nuôi thêm một vài con thú nữa. “Mình còn trẻ thì phải nỗ lực đổi mới tư duy, cách làm. Nếu sợ thất bại thì làm cái gì cũng khó chứ chưa nói đến phát triển kinh tế nông nghiệp vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro”, anh Ngọc bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.