Thử 'làm vua' bên hồ Lắk, trong biệt điện của vua Bảo Đại

Biệt điện của vua Bảo Đại ở hồ Lắk, tỉnh Đắk Lắk, đã trở thành một địa chỉ du lịch rất hấp dẫn. Du khách được "làm vua" một vài đêm khi đến ở đây và trải nghiệm cưỡi voi đi dạo cả ngày.

Chúng tôi đùa vui: Tổng cục Du lịch nên tặng huy chương Vì sự nghiệp du lịch cho công dân Vĩnh Thụy, vì tất cả biệt điện của ông ngày nay đều trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn. Trong đó có biệt điện ở đồi Bảo Đại, hồ Lắk ngày xưa xa lắc xa lơ...

“Làm vua” trong biệt điện

Chẳng hiểu sao, cứ nghe đến từ lắc là thấy rất xa. Mà xa thật. Nhưng đó là ngày xưa, chứ nay đường đi rất tốt, đi từ Buôn Ma Thuột lên mất chừng một tiếng ô tô, 56 km theo hướng lên Lâm Đồng.
Biệt điện nằm trên một ngọn đồi nhìn được cả bốn phương tám hướng, người dân vẫn gọi là đồi Bảo Đại, được xây dựng năm 1951. Nghe nói là do Nam Phương hoàng hậu trả tiền.
Biệt điện này xây theo lối khá hiện đại, có phần đơn giản quá so với hầu hết dinh thự khác của ông.
Xét về mặt ăn ở, săn bắn và thưởng lãm, Bảo Đại là người “chịu chơi” nhất trong các vị vua . Hầu như nơi nào đẹp nhất, thời tiết tốt nhất thì ông đều có biệt điện.
Bảo Đại villa có nhiều phòng hướng ra mặt hồ Lắk, đặc biệt 6 phòng rất đẹp, trong đó có phòng Vua. Giá phòng thường dao động trên dưới 500.000 đồng, không cao. Phòng Vua thì giá cũng chưa bằng Lak Tented Camp nằm trên đảo nổi giữa lòng hồ. Vậy thì tiếc gì không “làm vua” một đêm.

Một góc Bảo Đại villa.

Bây giờ thì villa đã có đầy đủ tiện nghi của cuộc sống hiện đại cùng các hoạt động giải trí, nhà hàng Âu - Á... nên nó không được hoang sơ như thuở trước. Nhưng lần theo từng tấm hình, từng dụng cụ săn bắn mà cựu hoàng đã dùng còn lưu giữ cũng có thể hình dung những ngày nghỉ ngơi của ông ở đây với những tiệc rượu ngon và thịt thú rừng dưới bập bùng ánh lửa.
Đêm “làm vua”, mấy người bạn chúng tôi ở các phòng khác đều kêu lạnh, đắp chăn, không ai bật điều hòa ngay giữa mùa nắng.
Ở biệt điện của vua, ngồi bar uống rượu, ăn đồ Tây, thật chẳng giống ai nhưng mà “cảm giác” phết.
Đừng nghĩ xa hoa, nó rẻ, nói thì sợ cho là quảng cáo nhưng mà rẻ thật, chi phí ăn uống chừng ngang giá khách sạn bốn sao ở thành phố.

Cưỡi voi đi ngắm cảnh

Hôm lần đầu đến Lắk, ấn tượng nhất là đàn voi. Nó to lớn, béo tròn, không như voi Buôn Đôn mà tôi từng biết.

Du khách cưỡi voi đi dạo cả ngày với giá không hề đắt.

Quanh chuyện cưỡi voi cũng gây nhiều tranh cãi. Đúng sai chưa biết nhưng cũng khiến chúng tôi e ngại. Tôi không hỏi chủ voi hoặc nài voi, vì họ kinh doanh dĩ nhiên phải bảo vệ quan điểm của mình, vì thế lân la đến một đoàn khách làm quen để trò chuyện.
Anh Lâm, một du khách từ TP.HCM, bảo: Nó to lớn thế, mấy người ngồi đâu xi nhê gì. Với lại, tôi vừa biết, mỗi ngày mỗi con ăn đến tạ chuối (bao gồm cả thân cây và đôi khi có thêm chuối quả). Chưa kể sau mỗi chuyến đi, nó được du khách thay nhau “bo” cho chuối, mía… Chủ voi kinh doanh có tiền mới chăm nó tốt, chứ bây giờ, rừng bị phá thế, thả vào rừng nó ăn gì, không khéo kéo về phá buôn làng chứ giỡn!”. Cũng có lý!
Voi ở hồ Lắk đưa chúng tôi đi qua những buôn làng cổ, cánh đồng, hàng cây kơnia… xong thì lội nước ven hồ. Nghe nói, hồ Lắk đẹp nhất từ tháng 12 đến tháng 2. Chúng tôi đi hai lần vào mùa hè nhưng vẫn cảm thấy nó đẹp hơn sức tưởng tượng.
Trong tour du lịch hồ Lắk một ngày đi từ Buôn Ma Thuột bao gồm cả cưỡi voi và đi thuyền chưa tới 600.000 đồng. Trên chiếc thuyền gỗ độc đáo do chính những người M’nông chèo giữa hồ nước mênh mông (nghe nói chỉ sau hồ Ba Bể).

Hàng sứ này được người dân cho biết đã hơn trăm tuổi.

Hướng dẫn viên “bản địa” thường thì hỏi gì nói nấy. Nhưng đụng đến là họ kể truyền thuyết về hồ Lắk. Có nhiều dị bản nhưng na ná nhau: Ngày xưa, sau cuộc chiến giữa thần lửa và thần nước, một cậu bé người M’nông Rlăm tên là Y Lăk đã bắt được một con lươn nhỏ và đưa về nhà nuôi. Kỳ lạ thay, lươn lớn nhanh như thổi và chẳng bao lâu, vũng nước nuôi lươn đã trở thành một hồ nước rộng mênh mông. Người M’nông từ đó gọi hồ nước này là “Dăk của Lăk”, nghĩa là nước của Y Lăk hay chính là hồ Lắk ngày nay.
Truyền thuyết đơn giản nhưng hồ nước thì quá ư hoành tráng.
Vào mùa sen, súng nở, hàng trăm con suối nhỏ đổ về, Lắk như một bức tranh thủy mặc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.