Thủ lĩnh giúp thanh niên làm giàu từ cây chè

11/12/2012 09:55 GMT+7

(TNO) Tốt nghiệp Trường cao đẳng Tài chính kế toán Thái Nguyên năm 2004, theo lẽ thường Triệu Văn Đông sẽ trở thành công chức, nhân viên kế toán tại doanh nghiệp, nhưng anh lại rẽ ngang về quê làm… cán bộ Đoàn.

“Trước đây, mình cũng thích tham gia các hoạt động tập thể, nhưng chưa bao giờ làm cán bộ. Đắn đo, suy nghĩ, rồi mình cũng quyết định dành thời trai trẻ cho Đoàn”, Triệu Văn Đông tâm sự.

La Bằng (H.Đại Từ, Thái Nguyên) vốn là xã nghèo, bị xếp vào danh sách xã miền núi khó khăn, dân cư thưa thớt. Cuộc sống chật vật, thanh niên bỏ quê lên thành phố kiếm việc. Là thủ lĩnh thanh niên, Đông trăn trở làm cách nào đó để giữ chân thanh niên ở lại, giúp họ lập nghiệp, thoát nghèo. Phong trào thanh niên xung kích phát triển kinh tế được Đoàn xã phát động. Cây chè truyền thống cho năng suất thấp bị lãng quên đã được lựa chọn là cây làm giàu mũi nhọn. Đoàn thanh niên tổ chức mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho thanh niên trong xã, đưa các giống chè mới năng suất cao, mô hình trang trại ươm giống cây con vào sản xuất...

Ngoài phát triển cây chè, Đoàn thanh niên La Bằng còn khuyến khích, hướng dẫn thanh niên áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi ong lấy mật, trồng cây lâm nghiệp… theo hướng quy mô trang trại. Đến nay, xã Đoàn đã xây dựng được 5 mô hình phát triển kinh tế. Bản thân Đông cũng là thanh niên tiêu biểu đi đầu trong phát triển kinh tế.

Đông khiêm tốn nói: “Diện tích trồng chè chỉ có 6-7 sào nên mình tăng gia nuôi lợn, trong chuồng lúc nào cũng có khoảng 20 con. Tuy chưa phải là mô hình lớn, nhưng mình vui vì mô hình thanh niên làm giàu từ cây chè đã nhân rộng lên con số 5 trang trại. Trong xã giờ không còn đoàn viên thanh niên nào thuộc hộ nghèo. Thu nhập bình quân của thanh niên trong xã từ 3-4 triệu đồng/tháng. Thanh niên trong xã cũng chẳng còn phải bỏ đi làm xa, ngược lại La Bằng thu hút thêm lực lượng thanh niên ở xã khác về".

"Từ một xã nghèo bị xếp vào danh sách xã miền núi khó khăn, La Bằng đã trở thành vùng trồng chè ngon đặc biệt của Thái Nguyên. Khi chưa đưa khoa học kỹ thuật vào, chất lượng cây chè chỉ cho năng suất 5-6 lứa. Giờ nếu thời tiết thuận lợi, năng suất chè bình quân 8-9 lứa/năm. Giá chè thương phẩm cho lợi nhuận cao từ 200.000 - 300.000 đồng/kg. Đặc biệt, thanh niên trong xã còn đảm nhận tham gia chương trình phát triển chè sạch, chè an toàn thanh niên đã đem lại hiệu quả cao”, Đông cho biết thêm.

Từ thích, đến yêu, Triệu Văn Đông đã 8 năm gắn bó với Đoàn. Trong 8 năm đó, liên tục 5 năm liền từ 2007 đến nay, chi Đoàn xã La Bằng và Bí thư Triệu Văn Đông đều nhận được bằng khen về thành tích trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

Đông bộc bạch: “Cho đến giờ này, mình không ân hận khi quyết định gắn bó với Đoàn. Ngược lại, mình cảm ơn Đoàn, khi tham gia vào hoạt động của thanh niên, mình mới nhận ra rằng, đây là cơ hội cho mình giao lưu, học hỏi, được mở rộng kiến thức, hiểu biết hơn…, giúp mình trưởng thành. Để các bạn trẻ cũng yêu Đoàn giống mình, mình phải tâm huyết, gần gũi, tiếp cận với thanh niên, tạo lòng tin cho các bạn trẻ, có thế họ mới đến gần với Đoàn”.

Là Bí thư đoàn cơ sở, đại diện cho thanh niên nông thôn về dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần X, Triệu Văn Đông mang theo nhiều tâm huyết.

“Việc thu hút tập hợp thanh niên nông thôn không khó nếu như thông qua “kênh” của Đoàn mình giúp họ về vốn, giống, kiến thức… Mình kỳ vọng Đại hội lần này sẽ có những quyết sách tạo cơ hội cho thanh niên phát triển kinh tế, có vốn vay ưu đãi, làm giàu chính đáng. Bên cạnh đó, mình cũng muốn học hỏi những mô hình, cách làm hay ở các địa phương khác”, Đông chia sẻ.

Hải Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.