Thủ môn Việt sốc sau pha va chạm chết người của đồng nghiệp Indonesia
17/10/2017 08:53 GMT+7
Các thủ môn tại Việt Nam đều cảm thấy sốc và lo lắng cho nghề nghiệp của mình trước sự ra đi của một đồng nghiệp ở giải vô địch quốc gia Indonesia sau pha va chạm với chính đồng đội.
Tự động phát
Cuối tuần rồi, trong trận đấu thuộc giải vô địch Indonesia, thủ môn Choirul Huda của CLB Persele Lamongan đã băng ra để ngăn cản một tình huống tấn công từ cầu thủ đội Semen Pardang nhưng lại va chạm với chính đồng đội của mình. Xem trên clip, sau pha va chạm, Huda vẫn tỉnh táo và còn ngồi lên chứ không ngất ngay. Sau đó anh đã bị xỉu và dù được bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng Huda đã qua đời tại bệnh viện vào chiều 15.10. Theo kết luận, anh bị tổn thương mạnh ở đầu và gáy.
Xem pha va chạm khiến thủ môn Choirul Huda tử vong:
|
Tuyển thủ quốc gia Nguyễn Tuấn Mạnh (CLB Sanna Khánh Hòa BVN) nói: “Tôi đã xem clip này và thấy rất thương xót bạn đồng nghiệp ở Indonesia. Tôi nghĩ rằng Huda đã bị đập mạnh vào hộp sọ nên anh ấy mới ra đi nhanh như vậy”. Anh bộc bạch: “Vị trí thủ môn có thể xem là nhạy cảm và nguy hiểm nhất trong đội bóng vì luôn chịu đựng những tình huống nhiều áp lực nhất. Chúng tôi khó có thể dự đoán cầu thủ đối phương sẽ vào bóng với bao nhiêu phần trăm sức mạnh của họ. Hầu hết đối thủ sẽ tìm mọi cách để đưa bóng được vào lưới còn thủ môn lại phải tranh chấp 5 ăn 5 thua để bóng ra ngoài. Đôi bên đều không “nhịn” được nên các pha va chạm thường rất mạnh.
Rủi ro nhiều là thế nhưng đã chọn cái nghiệp này vì sự đam mê thì không được sợ hãi. Bản thân tôi cũng đã một vài lần bị choáng vì nhảy lên và bị thúc vào đầu nên phải ngồi vài phút. Những pha cản phá trên không thường khá nguy hiểm, nhất là khi va với tiền đạo ngoại, họ rất khỏe, tì đè rất mạnh nên để giảm thiểu phần nào mức độ nguy hiểm, tôi thường đấm bóng ra, chứ ôm vào là dễ ói bóng. Còn những tình huống xô vào nhau với lực cực mạnh, nhiều lúc tôi bị bật ngửa ra đằng sau, rất đau. Cũng may mắn là đến thời điểm này tôi chưa bị dính chấn thương quá nặng. CLB cũng đã mua bảo hiểm cho tôi nên phòng ngừa tình huống xấu xảy ra”.
|
Thủ môn đội tuyển VN đang khoác áo CLB Than Quảng Ninh Huỳnh Tuấn Linh kể: “Một lần, tôi nhảy lên phá bóng và tiếp đất bằng lưng. Đau kinh khủng nhưng may không bị tổn thương đĩa đệm hay cột sống. Đọc báo về trường hợp thủ môn Indonesia mà ngậm ngùi cho anh ấy. Nếu không dũng cảm, không can đảm có lẽ khó theo đuổi được nghề này. Trước đây các thủ môn thường lao ra cản phá bằng chân trước nhưng hành động này rất dễ bị phạm lỗi dẫn đến quả phạt 11 m nên chúng tôi không dám nữa. Dĩ nhiên bay người ra ngăn cản thì thủ môn lại dễ bị tai nạn hơn. Ở những tình huống nhanh như vậy, khi xông ra tôi chỉ biết hò hét thật to để mọi người chủ động né tránh va chạm”.
Trong khi đó, thủ môn Trần Nguyên Mạnh của Sông Lam Nghệ An đưa ra ý kiến: “Chúng tôi không có cách gì phòng bị được cả vì các tình huống không hề giống nhau. Huda ra đi vì va chạm với chính cầu thủ đội mình. Còn hầu hết, các tình huống va chạm từ đối phương. Tôi chỉ mong muốn ở những pha bóng có sự va chạm hay tranh chấp quyết liệt ở vòng 16 m 50, trọng tài sớm dự báo để nhanh chóng cắt còi. Đó là một cách bảo vệ thủ môn tốt nhất. Tôi từng suýt nữa bị gãy chân năm 2012 và đến giờ vẫn còn bị ám ảnh với pha vào bóng mạnh của đối phương”.
Hơn 100 cầu thủ thiệt mạng trên sân cỏ
Cái chết của thủ môn Choirul Huda là trường hợp mới nhất và không phải hy hữu. Trong vòng 15 năm trở lại đây đã có hơn 100 cầu thủ thiệt mạng vì nhiều lý do như va chạm mạnh trên sân, bị đột quỵ và các chứng bệnh khác liên quan đến tim mạch. Trong năm 2017, cầu thủ trẻ Abdelhak Nouri của CLB Ajax bị đột quỵ trong một trận đấu tập hồi tháng 7, được chẩn đoán bị tổn thương não, vĩnh viễn phải sống thực vật; hay tiền vệ Cheick Tiote (Bờ Biển Ngà) qua đời đột ngột sau một cơn đột quỵ ngay trên sân bóng.
Trước đó, tháng 5.2016, cầu thủ người Úc gốc Malaysia, Stefan Petrovski mới 18 tuổi cũng bị thiệt mạng vì bị sét đánh khi thi đấu trên sân. Cầu thủ Jumadi Abdi, cũng người Indonesia, thiệt mạng hồi tháng 3.2009 vì tung chân quá cao khi tranh chấp bóng khiến bị rớt xuống quá mạnh gây xoắn ruột với dạ dày, qua đời sau 8 ngày cấp cứu điều trị. Cầu thủ người Brazil, Cristiano Junior thiệt mạng hồi tháng 12.2004 ở Ấn Độ khi anh bị chấn thương nặng sau một pha va chạm nhưng không có bác sĩ cấp cứu kịp thời. (Giang Lao)
|
Bình luận (0)