Thu ngân sách sắp về đích cả năm

30/08/2022 06:50 GMT+7

Nguồn thu từ các lĩnh vực trong 8 tháng năm nay đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước, giúp ngân sách sẽ sớm về đích cả năm.

Thu từ dầu thô tăng gấp đôi

Hôm qua 29.8, Tổng cục Thống kê công bố tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng năm 2022 ước đạt hơn 1,2 triệu tỉ đồng, bằng 85,6% dự toán năm và tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Dự toán ngân sách được Quốc hội duyệt cho cả năm 2022 là 1,411 triệu tỉ đồng. Như vậy, dù còn 4 tháng nữa mới kết thúc năm nhưng số thu ngân sách đã gần đạt kế hoạch cho cả năm. Trong đó, thu nội địa đạt 954.600 tỉ đồng, bằng 81,1% dự toán năm và tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, khoản thu từ dầu thô đã sớm cán đích cả năm từ cuối tháng 5. Tính tổng cộng đến hết tháng 8, số thu từ dầu thô đã đạt 51.100 tỉ đồng, vượt 81,2% dự toán của cả năm và tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng đạt 197.600 tỉ đồng, bằng 99,3% dự toán năm, chuẩn bị “cán đích” và tăng ấn tượng 21,5% so với cùng kỳ năm trước.

Giá dầu thế giới tăng cao giúp thu ngân sách tăng vọt nhưng người dân, doanh nghiệp gặp khó

Ngọc Dương

Theo luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, số thu từ dầu thô tăng cao là điều tất yếu khi giá dầu thế giới đã tăng vọt từ đầu năm đến nay. Còn một số khoản thu tăng mạnh như thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ có thể là do cơ quan thuế ngay từ đầu năm nay đã “siết” hoạt động chuyển nhượng nhà đất. Nhiều địa phương báo cáo sau khi trả hồ sơ chuyển nhượng nhà đất thì giá kê khai giao dịch tăng gấp đôi, thậm chí có lúc tăng gấp 5 lần. Giá tăng thì mức thu lệ phí trước bạ 0,5% sẽ tăng cao hơn trước. Đồng thời, thuế thu nhập cá nhân 2% trong giao dịch bất động sản cũng nhảy vọt nên tính chung nguồn này sẽ lên cao thời gian qua. Mặc dù thị trường bất động sản nhìn có vẻ trầm lắng hơn nhưng số người rao bán nhà, đất đang gia tăng và có thể họ chấp nhận bán lỗ để lấy tiền; khai giá tăng cao hơn trước để được hoàn tất thủ tục mua bán…

Thận trọng trong chính sách tài khóa

Phân tích về nguồn thu ngân sách tăng cao, TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), cho rằng giá dầu thô tăng mạnh là yếu tố khách quan và VN được hưởng lợi. Nhưng giá dầu vẫn là ẩn số trong quý 4/2022 và thậm chí trong quý 1/2023 khi xung đột quân sự giữa Nga với Ukraine vẫn tiếp diễn. Đồng thời nhu cầu về năng lượng của châu Âu trong mùa đông sắp tới cũng như quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á sẽ đẩy tổng cầu về năng lượng lên cao. Khả năng giá dầu thế giới sẽ còn đi lên. Nhưng không phải vì thế mà VN có thể tăng sản lượng khai thác để bán ra vì đây là tài nguyên đất nước. Thông thường Chính phủ sẽ điều tiết bằng sản lượng nếu nguồn thu ngân sách đã đạt dự toán năm.

Ở chiều ngược lại, tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 956.500 tỉ đồng, bằng 53,6% dự toán năm và tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sau 8 tháng năm nay, ngân sách nhà nước thặng dư 251.700 tỉ đồng, cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây.

TS Lê Đạt Chí lưu ý rằng khi nguồn thu tăng cao thì cũng không thể chủ quan để mở rộng chính sách tài khóa bởi sẽ gây áp lực lên chính sách tiền tệ khi nguy cơ lạm phát cao vẫn còn. Điều này đồng nghĩa nếu như tăng chi ngân sách quá nhiều thì chính sách tiền tệ có thể phải thắt chặt hơn nữa, khi đó lại sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. “Thu ngân sách đạt khá sẽ giúp nhà nước giảm vay nợ nhiều. Quan trọng nhất là đẩy nhanh thực thi các chính sách hỗ trợ đã ban hành đúng theo kế hoạch đưa ra và theo dự toán. Bởi theo báo cáo, chi đầu tư phát triển sau 8 tháng mới đạt 212.200 tỉ đồng, bằng 40,3% dự toán. Điều này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải tăng tốc quyết liệt trong thời gian tới. Chính phủ phải thận trọng cân đối nguồn thu với ngân sách, dự toán nợ công. Nguồn thu tích cực giúp Chính phủ có đủ tiền chi cho các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế đã đưa ra nhưng không vì thế mà chủ quan trong hoạt động chi tiêu. Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải đi song đôi để giữ ổn định vĩ mô, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển”, ông Chí nhận định.

Thực tế, lúc lập dự toán thu ngân sách vào tháng 10.2021, dự kiến giá dầu thô xuất khẩu 60 USD/thùng, nay giá dầu thô tại nhiều thời điểm đã cao hơn gấp đôi. Vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng khi ngân sách “hưởng lợi” từ giá dầu thô tăng cao thì người dân, doanh nghiệp lại khó khăn khi giá xăng dầu liên tục đi lên. Luật sư Trần Xoa chỉ ra thu nhập của người dân sụt giảm trong khi giá hàng hóa tăng cao chủ yếu do chi phí đẩy từ xăng dầu trong những tháng qua. Do đó nhà nước nên xem xét giảm các loại thuế đang đánh vào xăng dầu như thuế tiêu thụ đặc biệt để hạ giá bán lẻ trong nước. Phần hụt thu từ mức thuế này có thể được bù đắp phần nào từ nguồn thu dầu thô xuất khẩu. Quan trọng hơn nếu thực hiện giảm thuế cho xăng dầu là Chính phủ đang lấy ngắn nuôi dài, đảm bảo nguồn thu từ nội địa không bị ảnh hưởng trong những năm tới. “Các doanh nghiệp đang gặp khó kéo theo người lao động bị thất nghiệp, giảm thu nhập.

Từ đó khiến nguồn thu nội địa từ doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân… cũng sẽ giảm theo. Khi bỏ thuế để giảm giá xăng dầu cũng như các giải pháp để bình ổn giá hàng hóa là Chính phủ đang nuôi dưỡng nguồn thu. Đây cũng là giải pháp quan trọng để thực hiện hồi phục và phát triển kinh tế theo mục tiêu đề ra”, luật sư Trần Xoa nhấn mạnh.

Thuế thu nhập cá nhân 8 tháng gần đạt dự toán cả năm 2022

Theo Tổng cục Thuế, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trong 8 tháng năm nay ước đạt 98,9% dự toán và tăng 27,7% so cùng kỳ năm trước. Dự toán thuế TNCN năm 2022 là 118.075 tỉ đồng, như vậy chỉ trong 8 tháng, số thu sắc thuế này đã đạt 116.776 tỉ đồng. Số thuế TNCN tháng 8 tăng thêm 10.249 tỉ đồng so với tháng 7. Ngoài thuế TNCN, một số khoản thu, sắc thuế khác cũng có mức tăng trưởng cao như: thu tiền cho thuê đất ước đạt 101,7%, tăng 39,3% so cùng kỳ; thu lệ phí trước bạ ước đạt 88,9%, tăng 23,6% so cùng kỳ…

Lũy kế 8 tháng năm 2022 ước số thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý đạt hơn 1,002 triệu tỉ đồng, bằng 85,4% so với dự toán pháp lệnh, bằng 118,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa ước đạt 951.789 tỉ đồng, bằng 83% so với dự toán pháp lệnh, bằng 115,9% so với cùng kỳ năm 2021. Số thu thuế, phí nội địa ước đạt 733.212 tỉ đồng, bằng 80,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 113,5% so với cùng kỳ năm 2021.

T.Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.