Những chuyến đi bạc tỉ
Tàu cá của ngư dân Huỳnh Tấn Anh (ở thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam, H.Đông Hòa) làm bằng vật liệu composite, được hạ thủy cuối năm 2017. Từ đó đến nay, tàu cá của anh đã vươn khơi 5 chuyến, trong đó 2 chuyến phải quay vào bờ do áp thấp nhiệt đới, còn lại 3 chuyến đều có lãi. “Tàu của tôi hoạt động nghề lưới vây kết hợp ánh sáng, vùng biển đánh bắt chủ yếu ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và đảo Phú Quý”, anh Tấn Anh cho biết.
Theo anh Tấn Anh, chuyến mở biển đầu tiên xuất bến từ ngày 12.1 (âm lịch). Sau khoảng một tháng ra khơi, gặp luồng cá nên tàu đánh bắt được hơn 50 tấn cá, doanh thu hơn 1 tỉ đồng. Với sự thành công của chuyến biển đầu tiên, anh em thợ bạn rất phấn khởi, sau khi nghỉ vài ngày đã yêu cầu chủ tàu tổ chức chuyến biển thứ 2. Chuyến này xuất bến từ ngày 17.2 (âm lịch) và sau gần một tháng đánh bắt được hơn 90 tấn cá, tổng thu nhập khoảng 1,7 tỉ đồng. “Vận may đang đến nên chúng tôi tiếp tục tổ chức chuyến biển thứ 3 xuất bến từ ngày 19.3 (âm lịch). Chuyến biển này cũng gần 1 tháng, đến ngày 14.4 (âm lịch), chúng tôi đã đánh bắt được 65 tấn cá và thu về khoảng 1,3 tỉ đồng”, anh Tấn Anh kể rồi nhẩm tính: “Như vậy, sau 3 chuyến biển liên tiếp vươn khơi, tôi thu về khoảng 4 tỉ đồng, trừ chi phí mỗi chuyến biển dao động từ 150 - 200 triệu đồng thì còn lãi khoảng 3,4 tỉ đồng”.
|
“Thần tài” máy dò cá
Tàu cá của anh Tấn Anh dài 24 m, rộng 6,5 m, công suất máy chính là 830 CV với tổng trị giá hơn 17 tỉ đồng. Điểm nổi bật của con tàu này là được thiết kế cabin 2 tầng, bố trí 2 sàn ngủ cho thuyền viên khoảng 20 người, có nhà bếp và hệ thống vệ sinh. Riêng mặt boong rất thoáng và rộng, kết cấu tàu vững chắc, chống rung và tăng khả năng cách nhiệt, cung cấp đủ không gian để chứa toàn bộ dàn lưới vây. Ngoài ra, tàu cá của anh bố trí 8 hầm cách nhiệt tổng dung tích khoảng 120 m3, trang bị hệ thống tời kéo lưới và hệ thống thiết bị khai thác hiện đại, bao gồm máy dò cá góc quét 360 độ, máy dò ngang, máy dò đứng, ra đa tầm quét 72 hải lý và máy thông tin liên lạc tầm gần, tầm xa. Đặc biệt, máy dò cá Model KCS-3221Z là của Hãng Kaiso (Nhật Bản) trị giá tới 4,8 tỉ đồng. Đây là máy hiện đại nhất Phú Yên hiện nay và được mệnh danh là “siêu chụp”, với bán kính quét rộng từ 1,5 - 2 km. Chính nhờ máy dò cá này nên tàu cá của anh hơn hẳn các tàu khác mỗi khi ra biển.
Tàu cá hiện đại kết hợp kinh nghiệm hơn 26 năm trong nghề nên anh Tấn Anh luôn đánh bắt có hiệu quả. “Máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ nghề là hết sức quan trọng và kết hợp với kinh nghiệm nên hiệu quả chuyến biển chiếm đến 70 - 80%, còn lại là sự may mắn. Nói thật, các chuyến biển trúng lớn vừa qua, thật sự là nhờ máy dò cá này đã phát huy hiệu quả, phát hiện chính xác luồng cá nên chúng tôi tổ chức vây bắt thành công”, anh Tấn Anh tiết lộ và nói thêm: “Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đã đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo ngư dân, trong đó tạo điều kiện cho gia đình tôi vay vốn để đóng mới con tàu mà tôi từng mơ ước. Nếu bỏ tiền túi để đóng mới và hoàn thiện trang thiết bị trên con tàu composite hiện đại này, chắn chắn gia đình tôi không đủ khả năng. Nghị định 67 đã kịp thời giúp gia đình tôi sở hữu được con tàu mơ ước”.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết trước đây khi chưa đóng tàu cá theo Nghị định 67 thì ngư dân Huỳnh Tấn Anh đã được đánh giá là một trong những ngư dân giỏi, có kinh nghiệm đánh bắt rất hiệu quả. “Nay ngư dân Tấn Anh đã sở hữu tàu 67 công suất lớn với đầy đủ trang thiết bị hiện đại thì càng giúp anh phát huy hiệu quả hơn”, ông Phương nhận định.
|
Bình luận (0)