Đãi ngộ cao
Tuấn Anh chia sẻ: “Theo thông tin tôi biết, một cầu thủ trung bình khá chơi ở giải hạng nhì nhận được tầm 15.000 crowns/tháng (khoảng 13,4 triệu đồng). Trong khi những người chơi tại giải hạng nhất nhận được hơn gấp đôi, khoảng hơn 30.000 crowns/tháng (khoảng 26,8 triệu đồng). Tất nhiên, những cầu thủ chơi cho các CLB lớn thì sẽ kiếm được nhiều hơn. Như tại CLB của tôi - Bohemians Praha, người nhận được mức cao nhất vào khoảng 70.000 crowns/tháng (khoảng 62,4 triệu đồng). Còn tại Sparta Praha, ngôi sao hưởng lương cao nhất cũng phải hơn 100.000 crowns/tháng (khoảng 89,2 triệu đồng)”.
Theo những thông tin được công khai trên mặt báo, thu nhập của một cầu thủ V-League ít nhất cũng phải 10 triệu đồng/tháng. Đó là mức trần chung đã được quy định bởi VFF và có lẽ phần lớn được áp dụng cho các cầu thủ trẻ dưới 23 tuổi.
Những ai đã hết hợp đồng đào tạo và được ký hợp đồng mới sẽ được lãnh một khoản lương kèm lót tay hậu hĩnh. Trường hợp tuyển thủ quốc gia hoặc U.23 quốc gia thì chưa kể lương hằng tháng, mức lót tay hằng năm không dưới 1 tỉ đồng.
Đối với các cầu thủ trung bình khá thì lương cũng phải từ 15 - 25 triệu đồng/tháng kèm lót tay vài trăm triệu/năm. Tính ra hằng tháng họ có thể kiếm được vài chục triệu đồng chưa bao gồm thưởng.
tin liên quan
Cầu thủ Việt kiều Tony Tuấn Anh: 'Ở U.20 Việt Nam, tôi đã có cơ hội nâng tầm thể lực'Từ chỗ chỉ là một cái tên vô danh chẳng ai biết đến tại CH Czech, sau một bài viết giới thiệu chân dung cầu thủ trẻ gốc Việt tại châu Âu được đăng tải trên một tờ báo mạng, Tony Lê Tuấn Anh đã trở thành một trong những cái tên thu hút được nhiều sự quan tâm nhất trên mạng xã hội trong tháng 3 này.
Riêng về ngoại binh thì hiện tại nhiều CLB đã có thể đáp ứng được mức thu nhập từ 5.000 - 10.000 USD/tháng kèm lót tay vài chục đến cả trăm ngàn USD/năm.
|
Vui nhưng lo
Tất nhiên, việc cầu thủ VN nhận được mức thu nhập tốt so với các đồng nghiệp ở nhiều khu vực châu Âu rõ ràng là điều đáng hân hoan. Nhưng trong cái vui mừng ấy, chúng ta cũng không thể thoát khỏi nỗi ám ảnh về một nền bóng đá mang những giá trị bong bóng.
Ở V-League, ngoại trừ CLB Hà Nội và HAGL, không đội bóng nào có thể sử dụng hình ảnh và chất lượng bóng đá của mình để thu hút các khoản tài trợ giá trị trên chục tỉ đồng/năm.
Với chất lượng trận đấu không quá ấn tượng, không khó hiểu khi nguồn thu từ bán vé và bản quyền truyền hình chỉ có giá trị lấy lệ.
Câu hỏi đặt ra ở đây là với cán cân thu chi cực kỳ chênh lệch, làm thế nào để người ta có thể chuẩn bị được một khoản ngân sách từ 40 - 80 tỉ đồng/năm đáp ứng những đãi ngộ hậu hĩnh cho các cầu thủ?
tin liên quan
'Gọi cầu thủ nhập tịch vào đội tuyển Việt Nam là xu thế chung của thế giới'Cả lãnh đạo VFF lẫn HLV Nguyễn Hữu Thắng đều mong muốn đội tuyển Việt Nam sẽ sớm có cầu thủ nhập tịch. Nhưng liệu điều đó có xảy ra trong lần tập trung vào ngày 23.5?
Thực tế, ngân sách hoạt động chủ yếu của một số CLB tại VN đến từ những khoản tài trợ “một cục” của doanh nghiệp, công ty, tập đoàn chủ sở hữu hoặc các nhà tài trợ có dự án làm ăn tại địa phương (và bóng đá được xem như một hình thức “lại quả” dành cho địa phương ấy). Khi mọi chuyện suôn sẻ thì CLB sống khỏe và đời sống người lao động cũng được chăm lo êm ấm. Nhưng khi chủ sở hữu gặp khó khăn về tài chính hoặc nhà đầu tư đã kết thúc công việc kinh doanh tại khu vực, CLB xem như đã đối mặt với bản án tử. Họ không có lựa chọn vì nguồn thu từ các khoản khác gần như chẳng nghĩa lý gì.
Thế nên, chuyện cầu thủ Việt nhận thu nhập ngang hoặc cao hơn đồng nghiệp tại CH Czech, nghe thì vui nhưng ngẫm lại, thấy chẳng có gì đáng tự hào. Bởi lẽ, một nền bóng đá không thể tự nuôi sống mình bằng chất lượng thật của nó thì khó bền vững chứ chưa vội nghĩ đến sự phát triển trong tương lai.
Bình luận (0)