Đến thời điểm này, theo các đầu bếp trẻ, công việc của họ cũng như hoạt động của nhà hàng vẫn chưa thể khôi phục hoàn toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường.
Anh Thanh Tùng có thâm niên 8 năm trong nghề bếp |
Thanh Dung |
Chật vật bám nghề với muôn trùng khó khăn
Theo đuổi nghề suốt 8 năm kể từ khi vào TP.HCM lập nghiệp, bếp trưởng Lê Thanh Tùng (30 tuổi, quê ở Huế) không nghĩ có thời điểm, hàng loạt chuỗi nhà hàng, quán ăn ở thành phố phải cửa đóng then cài. Dịch Covid-19 bùng phát, nhà hàng do anh làm bếp trưởng ở Q.7 (TP.HCM) nằm im lìm suốt 4 tháng.
Nhà hàng vẫn hỗ trợ 30% thu nhập chính để anh trang trải chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, anh quyết định tìm thêm việc và chuyển sang làm ở một khách sạn lưu trú cho khách quốc tế với mong muốn kiếm thêm thu nhập.
“Thu nhập từ việc làm thêm vừa đủ để chi tiêu chứ không dư. Tôi ăn ở tại chỗ của khách sạn để tiện làm việc, nhưng tiền thuê nhà vẫn phải trả bình thường”, anh Tùng kể.
Đồng cảnh ngộ, nhà hàng ở Q.2 (TP.HCM) nơi đầu bếp Nguyễn Thành Long (25 tuổi) làm việc cũng phải chịu cảnh “bế quan” trong 4 tháng. “Lúc đó, tôi mất hết thu nhập chính, công việc cũng bị gián đoạn vì ảnh hưởng của dịch bệnh”, anh Long nói.
Bám trụ với nghề được 6 năm, để có thể trang trải cuộc sống, anh Long phải làm thêm những công việc liên quan đến nghề như nấu ăn cho sự kiện hay bán thực phẩm chế biến sẵn. Anh vừa trở lại làm việc toàn thời gian ở nhà hàng nhưng theo đầu bếp 9X, mức thu nhập giờ đây chỉ bằng một nửa so với thời điểm trước khi dịch bùng phát.
Thu nhập cũng bị giảm 50%, đầu bếp Nguyễn Quốc Dương (28 tuổi) cho biết hiện tại công việc còn nhiều bấp bênh và anh chỉ hành nghề tự do, chuyên nhận nấu cho các sự kiện tại TP.Cần Thơ.
Anh Dương chia sẻ: “Thời điểm dịch bùng phát, tôi có kinh doanh trực tuyến nhưng không thể tự đi giao hàng vì có con nhỏ ở nhà nên lo ngại bị lây nhiễm Covid-19. Nếu giao cho shipper (người giao hàng) vận chuyển thì phát sinh thêm phí nên khách hàng mới lại không muốn mua. Vì vậy, tôi cũng chỉ bán hàng cho người quen và mất khách rất nhiều”.
"Quen mùi khói rồi, quyết không bỏ nghề"
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng anh Dương cho biết đam mê làm bếp trong anh không hề hạ nhiệt. “Nghề bếp giúp tôi có nhiều kỷ niệm với anh em, từ đi làm sự kiện đến những chuyến hành trình thiện nguyện, cùng làm bánh trung thu tặng các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Mình quen mùi khói rồi, quyết không bỏ nghề”, anh Dương kể.
Chia sẻ về dự định tương lai, đầu bếp Dương mong rằng khi dịch bệnh hạ nhiệt, anh sẽ tìm được một công việc ổn định với nghề và sẽ tiếp tục theo đuổi đam mê nấu ăn.
Nhiệt huyết làm bếp của anh Dương không hề hạ nhiệt dù đối diện nhiều bấp bênh vì dịch Covid-19 |
Ngọc Long |
Đồng quan điểm trên, bếp trưởng Tùng nói: “Tôi đã nỗ lực rất nhiều để có ngày hôm nay, thử sức với nghề ở nhiều tỉnh thành, cuối cùng chọn gắn bó với TP.HCM. Dịch bệnh khiến chúng tôi gặp khó khăn nhưng anh em chưa bao giờ nghĩ sẽ từ bỏ”.
Anh Tùng cũng không bao giờ quên khoảng thời gian 2 năm học nghề bếp, mỗi ngày đi học lúc 6 giờ, chiều thì làm phụ bếp đến 1 - 2 giờ sáng hôm sau. Nhờ chịu khó, vừa ra trường, anh đã làm bếp chính và chưa đến 2 năm đã trở thành bếp trưởng.
Bằng sự nỗ lực, ra trường chưa đến 2 năm, Tùng đã thành bếp trưởng |
NVCC |
Còn với anh Long, ước mơ tuổi thơ là muốn được phục vụ nhiều người với những món ăn ngon do mình tự tay nấu và được ăn những món ngon nhất trần đời.
Anh Long chia sẻ: “Với vị trí đầu bếp, tôi đã đạt được ước mơ của mình. Do đó, tôi sẽ cố gắng hơn nữa để sáng tạo ra nhiều món ăn mới giúp thực khách cảm nhận được hương vị quê hương và để cho nền văn hóa ẩm thực Việt ngày càng phát triển. Tôi cũng giữ mãi lòng nhiệt huyết kể từ khi bắt tay vào công việc bếp núc này”.
Bình luận (0)