Thu nhập giảng viên trường công cao hơn trường tư, vì sao?

18/05/2023 06:06 GMT+7

Sau khi chuyển đổi cơ chế hoạt động, thu nhập giảng viên nhiều trường ĐH công lập tự chủ đã tăng mạnh. Trái với thực tế của nhiều năm trước, nay thu nhập giảng viên nhiều trường ĐH công lập đã ngang ngửa hoặc thậm chí cao hơn trường tư.

CÓ GIẢNG VIÊN THU NHẬP 60 - 70 TRIỆU ĐỒNG/THÁNG

Chẳng hạn, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM hiện đang áp dụng 3 mức thu nhập với giảng viên (GV) tính theo số năm công tác. Ở năm đầu tiên, GV có trình độ thạc sĩ thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng/tháng, tiến sĩ 25 - 30 triệu đồng/tháng, PGS 45 - 50 triệu đồng/tháng và GS 50 - 55 triệu đồng/tháng. Thu nhập này tăng thêm 5 triệu đồng/tháng tính từ năm thứ hai và tiếp tục thêm 5 - 10 triệu từ năm thứ ba trở đi. Như vậy, GV học hàm GS có thể nhận

60 - 70 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập bình quân gồm lương, thu nhập từ trường, phụ cấp, phúc lợi, thưởng tết, thù lao từ hoạt động giảng dạy nghiên cứu.

Thu nhập giảng viên trường công cao hơn trường tư, vì sao ?  - Ảnh 1.

Trường ĐH Bách khoa TP.HCM áp dụng chính sách thu nhập mới cho cán bộ GV theo hướng tăng lên

ĐÀO NGỌC THẠCH

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết hiện nay toàn trường có gần 400 GV có trình độ, học hàm, học vị từ tiến sĩ trở lên. Trường có chế độ nhằm thu hút các GS, PGS và tiến sĩ giỏi trong và ngoài nước cũng như duy trì được đội ngũ GV giỏi, học hàm, học vị cao và có năng lực làm việc tại trường. Thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2020 là 22 triệu đồng/tháng, năm 2021 là 24 triệu đồng/tháng, năm 2022 là 27 triệu đồng/tháng, dự kiến năm 2023 tăng lên 31 triệu đồng/tháng.

Từ tháng 4 năm nay, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng áp dụng chính sách thu nhập mới cho cán bộ GV tính từ 3 khoản: lương cơ bản theo hệ số nhà nước, lương vị trí việc làm và chế độ phúc lợi lễ tết. Theo đó, tiền lương áp dụng cho GV ở mức 13,4 đến gần 45 triệu đồng/tháng (cao hơn nhiều so với ngạch chuyên viên trong khoảng trên 8 - 18,4 triệu đồng/tháng). Trong đó, các GS được trả thu nhập cao nhất ở mức gần 45 triệu đồng/tháng; PGS trên 39 triệu đồng/tháng; tiến sĩ trên 24,4 triệu đồng/tháng; thạc sĩ gần 17 triệu đồng/tháng; trợ giảng, nghiên cứu viên và kỹ sư cùng nhận mức 13,4 triệu đồng/tháng.

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cho hay thu nhập GV của trường tăng từ 30 - 50% so với trước khi thực hiện cơ chế tự chủ. Hiện thu nhập bình quân của GV từ 25 - 45 triệu đồng/tháng. Không chỉ vậy, chương trình tuyển dụng đặc biệt của trường công khai mức thu nhập từ 25 - 55 triệu đồng/tháng với GV.

Trong khi đó, theo phó hiệu trưởng một trường ĐH ngoài công lập tại TP.HCM, không tính đội ngũ quản lý thì hiện thu nhập bình quân của GV đang ở mức 20 - 30 triệu đồng/tháng.

Một trường ĐH ngoài công lập thuộc một tập đoàn giáo dục tại TP.HCM hiện cũng trả thu nhập ổn định cho GV từ 12 đến trên 20 triệu đồng/tháng tùy học hàm, học vị. Mức này chưa tính tiền dạy ngoài giờ tiêu chuẩn và thêm khoảng 10 triệu

đồng/người các khoản chế độ khác. Phó hiệu trưởng một trường ĐH ngoài công lập khác thông tin GV không phụ trách thêm công tác quản lý chuyên môn thì thu nhập cứng bình quân từ 19 - 25 triệu đồng/tháng.

Như vậy, có thể thấy thu nhập bình quân GV nhiều trường ĐH công lập hiện không chỉ bằng mà thậm chí còn cao hơn cả trường tư.

Thu nhập giảng viên trường công cao hơn trường tư, vì sao?
 - Ảnh 2.

Cùng với chế độ thu nhập tốt, một số trường ĐH công lập còn có chính sách đãi ngộ đặc biệt ban đầu để thu hút và giữ chân lâu dài với GV giỏi

ĐÀO NGỌC THẠCH


THU NHẬP GIẢNG VIÊN BÌNH QUÂN TĂNG 20,8%

Tình hình tăng thu nhập GV chỉ diễn ra tại các trường ĐH đã thực hiện cơ chế tự chủ, ở đó các trường thực hiện chính sách thu học phí cao. Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, từ năm 2018 - 2021 tổng thu của các trường này đa phần tăng lên, trong đó tổng thu ngoài ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên (chủ yếu là học phí) cũng tăng thêm. Theo đó, thu nhập bình quân của GV và cán bộ quản lý tăng mạnh, cụ thể tăng 20,8% đối với GV và 18,7% đối với cán bộ quản lý. Mức tăng còn cao hơn với 23 trường thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77: thu nhập GV tăng trung bình 26,1%; thu nhập cán bộ quản lý tăng trung bình 24,5%. Năm 2021, khoảng 1/3 GV các trường tự chủ có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm; 5,97% GV có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Mới đây nhất, kết quả khảo sát một số trường ĐH của nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy sự đóng góp của hộ gia đình đang là nguồn thu quan trọng nhất của các trường ĐH công lập. Năm 2017, ngân sách nhà nước chiếm 24% và học phí 57% tổng nguồn thu. Nhưng năm 2021, đóng góp hộ gia đình tăng vọt lên 77% và ngân sách chỉ còn 9%.

CHI MẠNH ĐỂ THU HÚT NGƯỜI GIỎI

Cùng với chế độ thu nhập tốt, một số trường ĐH công lập còn có chính sách đãi ngộ đặc biệt ban đầu để thu hút và giữ chân lâu dài với GV giỏi. Ví dụ, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM hiện chỉ tuyển ứng viên có trình độ tiến sĩ làm GV. Với ứng viên trúng tuyển có trình độ tiến sĩ, tốt nghiệp từ các trường ĐH uy tín, cam kết làm việc lâu dài (tối thiểu 12 năm), sẽ nhận được mức tài trợ ban đầu lên tới 100 triệu đồng.

Tiến sĩ Bùi Quang Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết nhờ chế độ đãi ngộ này trường đã tuyển được nhiều ứng viên từ nước ngoài về. Trong năm 2022, trường đã tuyển được 10 tiến sĩ tốt nghiệp từ các trường tốp 500 thế giới.

Tự chủ ĐH không phải chi phí đào tạo tính hết vào học phí

Theo PGS-TS Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, trong luật, quan điểm về trách nhiệm của nhà nước với phát triển giáo dục ĐH được thể hiện rõ ràng. Giáo dục ĐH là lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên đầu tư. Luật đã cho phép tính đúng và tính đủ chi phí đào tạo. Khi tính đúng, tính đủ, nhà nước với điều kiện kinh tế của mình thì xác định được mức lo đến đâu và phần còn lại các thành phần khác đóng góp.

PGS Thanh Bình cho rằng trách nhiệm của nhà nước với giáo dục ĐH cần thể hiện qua đầu tư ngân sách, phần còn lại do xã hội và người học đóng góp. Không một nước nào nhà nước có thể lo hoàn toàn cho giáo dục ĐH nên việc xã hội hóa là tất yếu. Nhưng cần nhìn rõ chi phí đào tạo vì không đổ hết gánh nặng cho người học.

Theo tinh thần của luật Giáo dục ĐH, cũng theo PGS Bình, tự chủ không phải là các trường tự lo về tài chính, mà là để các trường tăng thêm điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục. Do đó, không phải khi trường ĐH tự chủ là bị cắt hết kinh phí và chi phí đào tạo tính hết vào học phí. Nhà nước vẫn phải đầu tư cho phát triển, cho đảm bảo chất lượng đào tạo.

Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng có chính sách thưởng nhằm thu hút GV có trình độ cao về trường. Cụ thể, GS được nhận 300 triệu đồng, PGS 200 triệu đồng, tiến sĩ 100 triệu đồng. Ngoài ra, hằng tháng các GV có trình độ cao được nhận thêm tiền phụ cấp theo các mức khác nhau: 8 triệu đồng/tháng với GS, 6 triệu đồng/tháng với PGS và 5 triệu đồng/tháng với tiến sĩ.

Theo một lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, trường còn dành 20% kinh phí cho các đơn vị để trưởng các đơn vị được toàn quyền sử dụng cấp phát cho nhân viên trong đơn vị mình, tùy thuộc vào việc nhân viên thực hiện những công việc cho sự phát triển của đơn vị.

Từ năm 2021, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã triển khai cơ chế đột phá nhằm thu hút, tuyển dụng GV xuất sắc. Đề án này hướng tới thu hút khoảng 30 GV có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc. Các GV này về công tác tại trường được đảm bảo thu nhập cạnh tranh, cơ hội thể hiện và phát triển năng lực giảng dạy, nghiên cứu. Ngoài ra, trường còn tài trợ kinh phí để thực hiện đề tài trọng điểm từ 200 - 500 triệu đồng/năm.

Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng có chế độ đãi ngộ ban đầu với cán bộ, GV có học vị tiến sĩ về trường nhận công tác ở mức 75 triệu đồng. Mức này tăng lên 150 triệu đồng với PGS và 200 triệu đồng với GS. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.