Thu nhập giáo viên mầm non TP.HCM cao hơn địa phương khác ?

15/08/2018 16:52 GMT+7

Chiều 15.8, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn lãnh đạo TP.HCM đến thăm và làm việc tại Trường ĐH Sài Gòn.

Tại đây, sinh viên đã nêu nhiều vấn đề liên quan đến chính sách việc làm và thu nhập của TP.

Sinh viên đề xuất chính sách giữ chân giáo viên giỏi

Sinh viên Nguyễn Thị Tuyết Nhi (năm cuối ngành giáo dục mầm non) nói: “Chính sách tuyển sinh viên không cần hộ khẩu của TP khiến những sinh viên không có hộ khẩu TP như tụi em rất vui mừng. Tuy nhiên em vẫn cảm thấy lo lắng về vấn đề lương thấp, điều kiện làm việc, áp lực về sĩ số… Em đề xuất TP cần có những chính sách giữ chân giáo viên giỏi làm việc tại TP”.

Trao đổi về tuyển dụng giáo viên, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết chính sách tuyển dụng không cần TP hộ khẩu nhằm tạo điều kiện cho sinh viên địa phương khác làm việc tại đây. Nhưng chính sách này  sẽ là thách thức, đòi hỏi sinh viên TP phải có nhiều nỗ lực vì sẽ có nhiều ứng viên giỏi từ các địa phương khác đến thi tuyển.

Sinh viên đặt câu hỏi trong buổi giao lưu - Ảnh Hà Ánh

Ông Nam cho biết TP.HCM đã có nhiều chính sách để thu hút giáo viên mầm non. Theo quy định, nhà nước phụ cấp nghề nghiệp cho giáo viên mầm non là 35% (tương đương 1/3 lương) nhưng phụ cấp này ở TP.HCM lên tới 70% nên thu nhâp giáo viên mầm non TP cao hơn hẳn của các địa phương khác. Ngoài ra TP còn có chính sách riêng dành cho giáo viên mầm non mới ra trường. Trong đó, TP hỗ trợ 100% lương cơ bản cho năm thứ nhất (trên 1,3 triệu); 75% cho năm 2 và 50% cho năm 3.

Ông Nam thừa nhận những áp lực sĩ số với bậc học mầm non là đúng. “Để thực hiện đúng chức năng của mình, ngay trong ghế nhà trường cần rèn luyên tình yêu trẻ, sự kiên trì để có thể vượt qua được áp lực hoàn thành nhiệm vụ”, ông Nam nói.

Băn khoăn về thi tuyển công chức

Trong khi đó, sinh viên Nguyễn Thanh Tùng băn hoăn về quy định thi công chức với cán bộ đoàn. Theo sinh viên này, chính sách trên hiện vẫn còn giới hạn về chuyên môn và chỉ áp dụng với một số ngành. Sinh viên này mong muốn TP  tháo gỡ để sinh viên tham gia công tác đoàn có thể làm việc trong môi trường này sau khi tốt nghiệp.

Ông Ma Xuân Việt, Phó ban tổ chức Thành uỷ TP.HCM, giải đáp: “Thi tuyển công chức phải gắn ngành nghề đào tạo và theo nhu cầu cần tuyển chọn của cơ quan cần tuyển. Không thể có tình trạng đào tạo một ngành nhưng bố trí công việc khác vì đây là sự lãng phí không cần thiết”.

Tuy nhiên theo ông Việt, cán bộ đoàn tham gia phong trào tại địa phương, nếu có sự phấn đấu tốt và được địa phương tín nhiệm bầu cử thì có thể được bố trí làm cán bộ tại và đây là cơ chế bầu cử.

Liên quan vấn đề này, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân bổ sung, công tác đoàn là tinh thần tham gia tự nguyện. Nếu có nguyện vọng, sau khi ra trường trước hết phải tham gia công tác đoàn phường, sau thời gian mới có thể vào công chức được. Nếu có nguyện vọng thiên hướng làm cán bộ đoàn sớm thì cần sự chuẩn bị.

Theo ông Nhân, ngay cả việc học một ngành nhưng làm việc khác cũng chấp nhận được. “Mình chuẩn bị năng lực căn bản thôi còn tuỳ thuộc nhu cầu xã hội thì vừa làm vừa học thêm. Học ĐH rất quan trọng cho nhận thức cơ bản, thái độ ứng xử và khả năng tự học rất quan trọng”, ông Nhân chia sẻ.

Trong khi đó, sinh viên Lê Quốc Dũng bày tỏ  băn khoăn về việc sử dụng mạng xã hội. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân phân tích: “Mạng xã hội  có rất nhiều thông tin nhưng cần lưu ý đọc để làm gì, nếu để nghe tin thì có thể đọc nhiều kênh hoặc phải có cách để kiểm nghiệm. Internet là trường học rất tốt nhưng thông tin có lúc thật, có lúc hỗn loạn”.

Với những thông tin về chính trị, ông Nhân lưu ý, sinh viên đọc mà không hiểu thì phải hỏi người khác. “Thành đoàn không giải đáp được thì có thể hỏi Thành uỷ, không để bản thân mình bị ức chế”, ông Nhân gợi ý.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.