Vì sao livestream bán hàng bùng nổ ?

Thu nhập khủng, đóng thuế bao nhiêu?

20/12/2023 06:32 GMT+7

Xu hướng livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội tại VN đã bùng nổ từ lâu và chắc chắn sẽ còn gia tăng, mang lại nguồn thu nhập lớn cho nhiều cá nhân.

Diễn viên, người mẫu có thu nhập "khủng"

Hoạt động livestream bán hàng từ các trang mạng xã hội đến các nền tảng mua sắm trực tuyến, thương mại điện tử ngày càng trở thành xu hướng. Thu nhập từ hoạt động này ngày càng tăng, đặc biệt đối với các nghệ sĩ hay người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL).

Thu nhập khủng, đóng thuế bao nhiêu ? - Ảnh 1.

Nhiều diễn viên, người mẫu hay KOL có thu nhập khủng từ livestream bán hàng

NHẬT THỊNH

Đó là lý do gần đây những cá nhân nổi tiếng cũng tập trung tham gia và đẩy mạnh hoạt động này do thu nhập cao hơn nhiều so với cát sê tham dự sự kiện thông thường. Chẳng hạn, người mẫu Diệp Lâm Anh trong những tháng gần đây thường xuyên livestream bán hàng. Người đẹp tiết lộ doanh thu bán hàng online khủng nhất từng đạt được là 4 tỉ đồng trong một buổi livestream, lợi nhuận thu được gấp 10 - 20 lần cát sê dự sự kiện.

Tương tự, diễn viên hài Lê Dương Bảo Lâm thường xuyên phụ bà xã bán hàng online. Nhờ khả năng hoạt ngôn, anh được các nhãn hàng quan tâm và mời livestream bán hàng, giới thiệu sản phẩm. Lê Dương Bảo Lâm tiết lộ chính công việc livestream bán hàng đã giúp cuộc sống gia đình anh "phất lên". Nam diễn viên bày tỏ niềm tự hào khi có thể dùng thu nhập này xây nhà, tậu xe, chăm lo cho gia đình riêng cũng như bố mẹ đôi bên, thậm chí nuôi các em học đại học. Diễn viên Hòa Hiệp cũng lấn sân livestream bán đồ ăn vặt. Đây là nguồn thu nhập chính của anh và gia đình. Nam diễn viên từng chia sẻ cát sê kiếm được từ vai chính một bộ phim 30 tập suốt 2 tháng chỉ tương đương doanh thu 1 - 2 ngày livestream bán hàng…

KOL có nghệ danh PewPew (tên thật Hoàng Văn Khoa) thường xuyên livestream bán hàng tạp hóa online trên TikTok và được gọi là một trong "tứ hoàng livestream" của VN. Lượng xem trực tiếp của PewPew có lúc đạt tới con số hơn 100.000 người xem. Cá nhân này từng khoe trung bình mỗi buổi livestream bán được khoảng 200 đơn hoặc nhiều hơn và nhận được lời mời của hơn 2.000 thương hiệu. Từ đó, người xem dự đoán anh có thu nhập khủng từ các nhãn hàng.

Tương tự là Diệp Lê, một KOL nổi bật trong ngành làm đẹp và lối sống, liên tục được các thương hiệu nổi tiếng như YSL, AHC, Estee Lauder mời hợp tác. Theo ước tính của cộng đồng mạng, Diệp Lê đã đạt được doanh thu bán hàng hơn 13 tỉ đồng chỉ sau một phiên livestream với hơn 43.000 sản phẩm. Không thua kém, HannahOlala là một beauty blogger nổi tiếng chia sẻ về làm đẹp và phong cách sống tích cực. Với hơn 717.400 người theo dõi, cô đánh dấu sự chuyển đổi từ việc đánh giá sản phẩm đến hình thức Shoppertainment (xu hướng mua sắm kết hợp giải trí). Hannah từng chia sẻ kết quả kinh doanh 1 năm trên TikTok bằng 3 năm khi tập trung làm các nền tảng khác; số lượng đơn hàng tăng 2,5 lần sau 2 phiên live tại sự kiện Sales chốt năm vào ngày 12.12…

Theo luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, bán hàng online nói chung hay livestream ngày càng bùng nổ tại VN. Đây là hình thức, công cụ kinh doanh của doanh nghiệp (DN) lẫn cá nhân và sẽ còn phát triển mạnh hơn theo công nghệ số. Việc áp dụng các hình thức này sẽ giúp người bán hàng nhiều hơn, thúc đẩy thị trường tiêu dùng. Tuy nhiên, điều này đặt ra vấn đề quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh qua mạng. Nếu các cá nhân bán hàng qua mạng có thu nhập khủng không nộp thuế thì không công bằng với cá nhân, hộ kinh doanh lẫn người làm công ăn lương phải đóng đủ thuế thu nhập cá nhân.

Thu nhập nhiều đóng thuế bao nhiêu?

Một dịch vụ tư vấn marketing online cho biết, bảng giá thuê KOL thực hiện livestream quảng bá sản phẩm, bán hàng dựa theo các tiêu chí gồm số lượng người theo dõi, lĩnh vực chuyên môn, quy mô và chiến dịch của DN. Trong đó, tiêu chí số lượng người theo dõi là quan trọng nhất.

Bảng giá tham khảo cho thấy, một KOL có 10.000 - 50.000 người theo dõi thì phí thuê để thực hiện livestream trên TikTok dao động từ 1 - 3 triệu đồng; nếu KOL có 50.000 - 500.000 người theo dõi thì giá thuê tăng lên từ 3 - 30 triệu đồng/buổi. Nếu thực hiện trên Facebook thì giá sẽ khác, có thể cao hơn từ 5 - 6 lần… Do vậy, nhiều KOL nổi tiếng nhất trong lĩnh vực này được ước tính mỗi năm thu nhập có thể lên đến hàng tỉ đồng hay vài chục tỉ đồng cũng có cơ sở. Thế nhưng, điều mà lâu nay rất nhiều người quan tâm là thu nhập khủng thì các cá nhân này đóng thuế bao nhiêu. Điều này hoàn toàn không ai biết.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định việc livestream bán hàng trên mạng đã phát triển mạnh tại VN từ đại dịch Covid-19 đến nay và ngày càng bùng nổ. Gần đây cơ quan quản lý thuế cũng cho biết đang phối hợp với nhiều đơn vị như ngân hàng, nắm thông tin từ các sàn thương mại điện tử, ngân hàng… để rà soát, nắm được thông tin các cá nhân kinh doanh trên mạng cũng như xác định doanh thu để yêu cầu kê khai đóng thuế. Tuy nhiên, chắc chắn cũng chưa thể quản lý được hết và thất thu là có. Vì vậy, sắp tới cơ quan thuế cần đẩy mạnh hoạt động kiểm tra giám sát, thúc đẩy thu thuế kinh doanh online. Có hình thức tuyên truyền như biểu dương các cá nhân nộp thuế cao như công bố danh sách với DN nộp thuế nhiều nhất hằng năm, đồng thời nêu tên các cá nhân không kê khai nộp thuế để răn đe.

Đồng tình, luật sư Trần Xoa phân tích: Livestream bán hàng nhiều, chốt đơn nhanh vì khách hàng ngồi đâu cũng thấy được, mua được. Điều này về lý thuyết cũng giúp cơ quan quản lý thuế dễ dàng biết được cá nhân nào thường xuyên bán hàng, số lượng bán nhiều hay ít hơn cả cá nhân chỉ bán hàng trực tiếp tại nhà ít người biết. Hiện nay, đa số người mua cũng sẽ thực hiện chuyển khoản qua ngân hàng hoặc thông qua đơn vị chuyển phát nhanh thu hộ. Đây cũng là những đầu mối có thể tra soát được doanh thu kinh doanh của cá nhân. Từ đó sẽ có cơ sở để truy thu, xử phạt thuế nếu cá nhân nào không khai báo. Quan trọng nhất là cơ quan thuế phải công khai danh sách cá nhân nộp thuế nhiều nhất như biểu dương các DN hằng năm. Điều này vừa tuyên dương, ghi nhận đóng góp của cá nhân vừa để cộng đồng kiểm tra giám sát với độ nổi tiếng trong bán hàng của cá nhân đó hay không và có sự rõ ràng, minh bạch trong quản lý thuế.

Đồng thời, theo ông, cần công bố luôn danh tính các cá nhân nổi tiếng, KOL hoặc các cá nhân bị xử phạt truy thu. Thực hiện song song các hoạt động đó thường xuyên sẽ mang tính tuyên truyền, răn đe cao hơn để ngăn ngừa các hành vi lách, trốn thuế.

"Trong thực tế sẽ có những cá nhân không khai báo đóng thuế khi kinh doanh. Bên cạnh đó, cũng có những người không biết quy định bởi từ trước đến nay họ vẫn bán hàng, có thu nhập cao, nhưng không khai báo mà cũng không thấy ai kiểm tra giám sát. Vì vậy, việc công bố thông tin, danh sách cá nhân đóng thuế cao lẫn bị xử phạt sẽ là một cách để đẩy mạnh việc tuyên truyền thông tin. Xu hướng livestream bán hàng hay kinh doanh online ngày càng bùng nổ và đây là nguồn thu bổ sung sẽ ngày càng lớn cho ngân sách nhà nước khi nhiều nguồn thu từ DN, xuất nhập khẩu bị giảm do kinh tế khó khăn", luật sư Trần Xoa nói. 

Cá nhân kinh doanh chỉ đóng thuế 1,5% doanh thu

Theo quy định, cá nhân kinh doanh buôn bán hàng hóa chỉ đóng thuế với mức 1,5% trên doanh thu (bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân). Giả sử trong một năm, cùng với số tiền thu được 1,5 tỉ đồng, cá nhân kinh doanh chỉ đóng thuế 22,5 triệu đồng. Trong khi đó, người đi làm nếu có thêm 1 người phụ thuộc sẽ được giảm trừ gia cảnh trong năm 184,8 triệu đồng, nên số thu nhập chịu thuế còn lại là 1,31 tỉ đồng. Tổng cộng số thuế thu nhập cá nhân mà người làm công ăn lương phải nộp lên 342 triệu đồng (28,5 triệu đồng/tháng x 12 tháng). Như vậy, tỷ lệ thuế trên tổng thu nhập là 22,8%, cao hơn 15 lần so với cá nhân kinh doanh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.