Thu nhập người có trình độ trung cấp, CĐ thấp hơn sơ cấp

30/11/2018 11:13 GMT+7

Thống kê của Bộ LĐ-TB-XH cho thấy thu nhập của người làm công hưởng lương có trình độ trung cấp và CĐ thấp hơn trình độ sơ cấp.

Thông tin này được nêu ra tại toạ đàm Cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động và tư vấn hướng nghiệp phục vụ tuyển sinh ĐH 2019 do Trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực (Bộ GD-ĐT) tổ chức sáng nay 30.11 tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Theo đó, thông tin từ Bộ LĐ-TB-XH, quý 2 năm 2018, dân số từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam là 72,51 triệu người, tăng 0,93% so với cùng kỳ năm ngoái (nữ tăng 0,58%). Trong đó, khu vực thành thị tăng 3,91%. Quy mô lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 55,12 triệu người, tăng 1,1% so với quý 1 năm 2017 (nữ tăng 0,37%); khu vực thành thị tăng 1,25%.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của dân số từ 15 tuổi trở lên là 76,55%, tăng so với cùng kỳ năm trước, song đã giảm nhẹ so với quý 1 năm 2018. Lao động làm công hưởng lương có trình độ đại học có thu nhập cao nhất (7,87 triệu đồng), tiếp theo là nhóm có trình độ sơ cấp (6,51 triệu đồng).
Đáng lưu ý, thu nhập của tất cả các nhóm chuyên môn kỹ thuật đều giảm so với quý 1 năm 2018, trong đó giảm cao nhất là nhóm có trình độ sơ cấp (-6,36%) và nhóm có trình độ ĐH trở lên (-5,7%).
Như vậy, có thể thấy người có trình độ ĐH có thu nhập cao hơn trình độ sơ cấp chỉ 1 triệu đồng. Ngoài ra, người có trình độ trung cấp thu nhập thấp hơn cả trình độ sơ cấp (với 5,5 triệu đồng/ tháng). Người có trình độ CĐ dù cao hơn trung cấp nhưng vẫn thấp hơn trình độ sơ cấp (với 6,1 triệu đồng/ tháng).
Còn lao động làm công hưởng lương không có chuyên môn kỹ thuật thu nhập ở mức 4,8 triệu đồng/tháng.
Toạ đạm còn có sự tham dự của học sinh nhiều trường THPT tại TP.HCM. Nhiều băn khoăn của học sinh về định hướng chọn nghề, ngành học đã được chuyên gia tham dự giải đáp cặn kẽ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.