Hàng ngàn nhà nuôi chim yến
Theo thống kê chưa đầy đủ, số lượng nhà nuôi chim yến ở tỉnh Gia Lai có khoảng 2.500 nhà với sản lượng tổ yến khoảng 12 - 15 tấn/năm. Sau TX.Ayun Pa và các huyện Ia Pa, Phú Thiện, những năm gần đây, phong trào xây nhà yến cũng phát triển mạnh ở các huyện Chư Sê, Ia Grai… và đặc biệt là H.Đức Cơ. Hiện số lượng nhà yến của H.Đức Cơ khoảng 500 nhà (chỉ đứng sau TX.Ayun Pa), sản lượng 5 - 6 tấn tổ yến thô/năm.
Các chuyên gia ngành yến tính toán, mỗi nhà yến hiện có mức đầu tư khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/m2 và nếu có nguồn chim yến tốt sẽ có sản lượng tổ tăng dần theo từng năm. Với giá tổ yến thô hiện dao động từ 12 - 15 triệu đồng/kg tùy chất lượng tổ và 27 - 29 triệu đồng/kg yến tinh chế, người nuôi sẽ hoàn vốn từ năm thứ 6.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, một người nuôi chim yến ở H.Đức Cơ, chia sẻ: "Tôi xây nhà yến từ hơn 6 năm nay. Sau thành công của nhà đầu tiên, tôi tiếp tục xây thêm một cái nữa. Cả hai nhà yến có tổng diện tích hơn 600 m2, cho sản lượng trung bình 50 kg/năm. Một phần chúng tôi bán thô, một phần tinh chế làm ra các sản phẩm từ yến để nâng cao giá trị sản phẩm. Chi phí bỏ ra bảo dưỡng nhà yến, điện nước, trang thiết bị mỗi năm tốn chưa đến 50 triệu đồng nhưng tiền thu từ bán yến đạt hơn 1,5 tỉ đồng/năm. Nhiều người dân địa phương cũng nuôi từ vài năm nay, cho thu nhập từ vài trăm triệu đến hơn cả tỉ đồng/năm. So với nuôi trồng các loại cây, con khác thì làm nhà yến thu lợi hơn nhiều".
Để sản phẩm từ tổ yến đạt chất lượng cao lẫn hiệu quả kinh tế cần kết hợp nhiều yếu tố, như: chú trọng xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm từ yến đáp ứng vệ sinh an toàn thực phẩm, gắn với việc thường xuyên tổ chức, giới thiệu, quảng bá thương hiệu...
Yên tâm đầu ra
Ông Nguyễn Quốc Tư, Trưởng phòng NN-PTNT H.Đức Cơ, cho biết: "Nghề nuôi chim yến ở H.Đức Cơ đang được quy hoạch để phát triển lâu dài, là mặt hàng thế mạnh của huyện. Hiện chúng tôi đã có 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Để phát triển nghề nuôi chim yến mang lại hiệu quả kinh tế, có sức cạnh tranh lớn trên thị trường, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã hướng dẫn bà con phát triển sản xuất theo chuỗi sản phẩm, gắn kết từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ".
Ông Trần Phước Sỹ, Chủ tịch Hiệp hội yến sào Quảng Nam - Đà Nẵng, người đầu tư nhiều nhà yến ở các tỉnh Tây nguyên cũng như khắp cả nước đánh giá, Gia Lai cũng như các tỉnh Tây nguyên có tiềm năng về phát triển ngành yến so với nhiều tỉnh, thành khác nhờ có nhiều điều kiện thuận lợi như: khí hậu tốt, nguồn thức ăn dồi dào… Tuy nhiên, không vì thế mà phát triển nhà yến ồ ạt.
"Nhiều người làm nhà yến theo kiểu tùy hứng mà không tham vấn kỹ chuyên gia từ xây nhà yến đến lắp đặt âm thanh và nhiều yếu tố kỹ thuật khác, dẫn đến nhà yến không đạt yêu cầu, sản lượng yến thấp. Vì thế, cần tìm hiểu kỹ và có sự trợ giúp của chuyên gia nếu muốn xây nhà yến để đạt kết quả tốt", ông Sỹ nói.
Hiện tổ yến tinh chế của Việt Nam đã được Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính ngạch. Đây cũng là đầu ra lớn cho sản phẩm yến sào Việt Nam. Trong năm qua đã có nhiều lô yến sào tinh chế của Việt Nam nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc với sản lượng khoảng hơn 10 tấn.
Bình luận (0)