NƠI THU, NƠI KHÔNG
TP.Hội An (Quảng Nam) sẽ thu tiền vé khách du lịch nước ngoài và khách trong nước khác nhau. Điều này vừa được đưa ra, trong bối cảnh du lịch Việt có nơi thu tương tự, có nơi lại áp dụng cùng một mức giá.
Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), giá vé niêm yết là 30.000 đồng/lượt cho cả khách nước ngoài và khách VN; tuy nhiên tùy vào đối tượng, sẽ có giảm giá 50% hoặc miễn phí hoàn toàn.
Tại Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế), mức vé áp dụng thống nhất cho khách quốc tế và khách VN. Tùy vào điểm tham quan, số lượng điểm tham quan, giá vé trong khoảng từ 100.000 - 200.000 đồng/người lớn, 30.000 - 40.000 đồng/trẻ em. Tại thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), giá vé (bao gồm vé tham quan, xe điện trung chuyển) cho khách nước ngoài là 150.000 đồng, còn khách trong nước là 100.000 đồng…
TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch, cho rằng: "Chính sách 2 giá bắt nguồn từ thời bao cấp từ lâu đã lỗi thời, hiếm ngành nào còn áp dụng. Hàng không, đường sắt đã bỏ để phù hợp với thông lệ quốc tế".
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thu Thủy, các điểm di tích trên thế giới hiện đều có giá vé khoảng 700.000 - 1 triệu đồng/người. Họ cũng có 2 mức vé, giá cho khách nước ngoài và giá cho khách trong nước. Giá vé khách trong nước cũng chia ra thành khách bản địa và khách ở nơi khác đến, khách là sinh viên, học sinh, khách là người hưu trí… "Thực ra, giá vé tham quan di tích ở VN thuộc loại rẻ", bà Thủy nói.
Theo bà Thủy: "Mọi người vẫn tranh luận và cho rằng chỉ nên có 1 loại giá vé thôi. Quan điểm của tôi là nên chia, không thể nào dùng GDP của nước ngoài so với trong nước. Chỉ có điều không nên chênh quá cao và việc tăng giá, thu như thế phải được thông báo sớm vì nó liên quan đến bán tour. Phải thông báo trước từ 3 tháng đến 1 năm để bên bán tour có điều kiện bán hàng, họ thường bán trước nửa năm".
CHIA GÓI LINH HOẠT
Theo TS Thủy, điều nên làm với Hội An cũng như các điểm du lịch là làm sao tạo được tính liên kết giữa các điểm du lịch, tạo được gói vé linh hoạt từ liên kết du lịch. Có nghĩa là thay vì mua vé từng điểm, khách mua vé gói. "Chẳng hạn, ở châu Âu với 50 euro, tôi được đi 32 bảo tàng trong vòng 4 ngày. Mình không đi được hết từng đó, nhưng gói vé đảm bảo các bảo tàng đều có người đến, đều có tiền. Bảo tàng hài lòng và khách cũng hài lòng vì ngay cả không đi hết thì giá gói vẫn rẻ hơn mua vé từng điểm, nếu họ chỉ đi được 10 bảo tàng", bà Thủy nói.
Cũng theo bà Thủy, có thể tạo gói tham quan theo ngày cũng rất hay. "Trường hợp Hội An, vẫn bán 120.000 đồng/vé nhưng thay vì đi 1 ngày thì cho đi 2 ngày, sẽ không ai phàn nàn. Vé theo lượt khiến khách bức xúc vì chỉ được vào 1 lần rồi ra luôn, mai quay lại tôi lại phải mua. Trong khi nếu vẫn vé đó mai tôi quay lại tôi vẫn được vào thì rất ổn. Sự linh hoạt của vé quan trọng như thế", bà Thủy nói. Bà cũng cho biết, ở nước ngoài, vé mua 1 ngày thường được tặng thêm 1 ngày nữa thành 2, mua 2 thành 4. Nhờ đó khách luôn cảm thấy mình có lợi, đó là kỹ thuật đặt giá.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT-DL), cho rằng việc đưa ra quan điểm về giá vé ở Hội An thuộc về Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) do liên quan đến di sản. Về điều này, Cục Di sản văn hóa cho biết, những năm qua nguồn thu từ phí tham quan di tích đã được địa phương chi vào việc quản lý, bảo vệ, tu bổ, phát huy giá trị di tích (thông qua quy chế bảo vệ Di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An). Cục cũng có Công văn số 269/DSVH-DT ngày 4.4 đề nghị UBND TP.Hội An và Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An phối hợp cung cấp các thông tin liên quan để có cơ sở trả lời báo chí về vấn đề này.
Bình luận (0)