Giảm 50% xe cá nhân trong 1 năm ?
|
|
Theo đề án mà Công ty CP công nghệ Tiên Phong (ITD) trình Sở GTVT TP.HCM và UBND TP, 36 cổng thu phí sẽ được xây trong vành đai khép kín, áp dụng công nghệ thu phí hiện đại nhằm giảm số lượng ô tô cá nhân vào khu vực nội thành trong giờ cao điểm.
Mỗi ô tô sẽ mở một tài khoản, xe nào di chuyển vào khu trung tâm trong giờ cao điểm, hệ thống sẽ trừ tiền trong tài khoản từ 40.000 đồng đối với ô tô cá nhân, 30.000 đồng đối với taxi (có đăng ký tại TP.HCM) và 50.000 đồng đối với xe tải, xe buýt thương mại...
tin liên quan
CSGT TP.HCM nói 'kẹt xe sân bay Tân Sơn Nhất chưa bao giờ nguội!'Lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) cho biết tình hình giao thông ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất chưa bao giờ nguội. Đặc biệt những tháng cuối năm, dự báo giao thông khu vực này còn phức tạp.
Xe nào không đóng tiền, hệ thống sẽ ghi nhận và báo qua đơn vị đăng kiểm, sẽ có quy định xử phạt và không cho đăng kiểm cho đến khi đóng tiền. Tổng mức đầu tư dự án là 1.797 tỉ đồng theo hình thức PPP (nhà nước và tư nhân hợp tác), BLT (xây dựng, thuê dịch vụ và chuyển giao) trong thời gian 15 năm.
Ông Lâm Thiếu Quân, Tổng giám đốc ITD, dự tính ngay trong năm đầu tiên áp dụng thu phí, số lượng ô tô đi vào khu trung tâm giờ cao điểm sẽ giảm tới 50%, nhường đường cho lượng xe buýt tăng từ 9% lên 15%, giúp thay đổi hành vi sử dụng xe cá nhân, chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Thế nhưng, KTS Ngô Viết Nam Sơn nghi ngờ về cơ sở khoa học để tính toán ra kết quả này và đặt câu hỏi, nếu không giảm được lượng xe như vậy, ai sẽ chịu trách nhiệm? Đồng tình, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn khoa học - kỹ thuật - môi trường thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM, đánh giá đây chỉ là tính toán của riêng nhà đầu tư, tạo dư luận xã hội, không có cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, cơ sở xã hội nào để cho ra được con số 50% lượng
xe cá nhân giảm trong năm đầu tiên triển khai thu phí. Muốn tính toán, phải có ví dụ, thống kê, so sánh tổng hợp trong một thời gian để thấy là quy luật thì mới có thể kết luận được.
Ông Ninh nhận định: Với những người đã có điều kiện mua xe ô tô thì 30.000 - 50.000 đồng/lượt không phải là vấn đề to tát, họ sẵn sàng trả tiền. Còn 74% người dân TP hiện nay đi làm bằng phương tiện cá nhân, tiện lợi cho rất nhiều dịch vụ đi kèm. Trong khi phương tiện công cộng chủ đạo là xe buýt hiện nay rất hạn chế. Nên hy vọng thu phí sẽ hạn chế được ô tô cá nhân, tăng nhu cầu sử dụng phương tiện công cộng là khó khả thi.
tin liên quan
Kẹt xe, ngập nước nghiêm trọng khắp Sài GònMưa lớn kéo dài tối 12.10 đến sáng 13.10 và tiếp diễn vào chiều 13.10 khiến nhiều đường trên địa bàn TP.HCM ngập sâu.
Vẫn giải quyết kiểu đối phó
PGS-TS Nguyễn Lê Ninh cho rằng: Để hạn chế nhu cầu, kìm hãm sự gia tăng lưu thông của các phương tiện cá nhân, quan trọng nhất là quản lý, đưa ra các biện pháp mạnh. Đơn cử, khi mật độ lưu thông trong khu vực nội đô đã chạm ngưỡng cho phép, có thể cấm các phương tiện từ bên ngoài đang có ý định đi vào trung tâm. Cùng với đó, phát triển đồng bộ hệ thống giao thông công cộng để khi hạn chế phương tiện cá nhân, người dân được đáp ứng nhu cầu đi lại một cách đầy đủ, hợp lý.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng phải có một “nhạc trưởng” đứng ra chịu trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, đề ra kế hoạch, chương trình cụ thể theo từng lộ trình. Đây là trách nhiệm của chính TP, không thể để tư nhân làm vì các doanh nghiệp tư nhân luôn đề cao lợi ích của họ, chỉ nhìn thấy một phần chứ không thể cân bằng, hài hòa mọi vấn đề chung cho giao thông.
“Kẹt xe là do nhu cầu giao thông có thật. Thu phí, tăng giá đậu xe hay hạn chế xe gắn máy... tất cả đều phải đặt trong một kế hoạch tổng thể, không thể tách rời từng phương án. Trong quá trình đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, phải đồng thời tổ chức song song các giải pháp nhằm giảm phương tiện cá nhân và tăng giao thông công cộng, có kế hoạch cụ thể để định hướng người dân dần dần”, ông đề xuất.
Bình luận (0)