Sở GTVT Hà Nội vừa gửi báo cáo dự toán Đề án thu phí phương tiện cơ giới và một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào.
Theo đó, đề án sẽ nghiên cứu vành đai thu phí khép kín, dự kiến khu vực trong vành đai 3 thành phố, các cửa ngõ đi vào trung tâm thành phố, các trục đường chính thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông và tác động lớn đến môi trường xung quanh. Phạm vi thu phí sẽ thu theo vành đai, các phương tiện ngoài vành đai đi vào khu vực bên trong vành đai sẽ bị thu phí.
“Việc lựa chọn vành đai nào để thu phí sẽ dựa trên các kết quả đánh giá tác động giao thông trong quá trình xây dựng đề án. Đối tượng thu phí sẽ là ô tô”, Sở GTVT Hà Nội cho biết.
Ngoài ra, đề án sẽ phân tích một số khía cạnh kỹ thuật về công nghệ sử dụng và công suất đáp ứng của hệ thống với điều kiện đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn.
Cụ thể, đề án sẽ nghiên cứu hiện trạng mạng lưới đường, điểm đỗ xe của Hà Nội, mạng lưới vận tải hành khách công cộng, phân tích kết quả khảo sát đặc điểm đi lại của người tham gia giao thông, phỏng vấn 150 lái xe ô tô cá nhân và 350 hành khách nhằm xác định các điểm đi lại, nhận xét của người dân về dịch vụ thu phí. Đồng thời, sẽ xác định phạm vi thu, đối tượng chịu phí, đề xuất công nghệ thu phí...
Lý giải cho việc cần thiết xây dựng đề án, Sở GTVT Hà Nội cho biết, Hà Nội có quy mô dân số khoảng 10 triệu dân (tính cả dân ngoại tỉnh), mật độ dân số tập trung cao nhất trong khu vực vành đai 3, kéo theo nhu cầu đi lại tăng.
Riêng khu vực vành đai 3 thành phố chiếm tới trên 80% số điểm ùn tắc so với tổng số điểm ùn tắc trong địa bàn Hà Nội.
Theo Sở GTVT Hà Nội, việc áp dụng một số biện pháp kinh tế nhằm giảm ùn tắc giao thông như quyết định giá dịch vụ trông đỗ ô tô, xe máy; iParking... đã tác động đến hoạt động và nhu cầu đi lại của người tham gia giao thông. Việc thu phí giao thông để hạn chế sự di chuyển của phương tiện cơ giới cá nhân vào các khu vực tập trung mật độ giao thông cao cũng đã được nhiều nước áp dụng và thành công như Singapore, London, Stockholm, Seoul, Dubai...
Cụ thể, khi áp dụng hệ thống thu phí ở Singapore khiến tỷ lệ sử dụng vận tải công cộng gia tăng 1,5 lần, từ 46% năm 1975 lên 67% năm 1998. Tương tự, tại London, hệ thống thu phí được triển khai đầu năm 2003 khiến phương tiện cá nhân giảm 25%.
“Tuy nhiên, hầu hết các kinh nghiệm để quản lý phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông, giảm ùn tắc giao thông khi áp dụng trên các tỉnh thành Việt Nam, và Hà Nội nói riêng phải được nghiên cứu trên cơ sở xem xét đặc điểm và tình trạng hệ thống GTVT cũng như đặc tính, thói quen đi lại của người dân mới có thể vận dụng thành công”, Sở GTVT Hà Nội cho biết.
Dự toán kinh phí hết gần 500 triệu đồng. Nếu được thông qua dự toán, đề án dự kiến sẽ được hoàn thiện trong 3 tháng, và sẽ trình HĐND thành phố vào cuối năm nay.
Bình luận (0)