Thu phí vỉa hè, quản lý hàng rong: Bài học từ Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Singapore…

31/08/2023 18:10 GMT+7

Hiện nay nhiều đô thị tại Việt Nam, trong đó có TP.HCM tính đến chuyện thu phí vỉa hè và "gom" hàng rong về một nơi để quản lý. Các chuyên gia đã chỉ ra các mô hình thành công ở các nước tiên tiến để Việt Nam có thể học tập.

Các nước giàu sử dụng vỉa hè như thế nào?

Từ lâu, ở nhiều quốc gia từ Á sang Âu, kinh tế vỉa hè đã là nét đặc trưng của các đô thị lớn ở Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore... Những quốc gia này đều tận dụng vỉa hè và biến thành nơi phát triển kinh tế. Mỗi quốc gia đều có những nét văn hóa riêng trong kinh tế vỉa hè vì mang những nét văn hóa đặc thù của từng quốc gia.

Ở Paris, Pháp, có tới hơn 1.500 quán cà phê và nhà hàng vỉa hè từ bình dân đến sang trọng, từ những khu du lịch nổi tiếng như Champs-Elysées, Opéra, Grands Boulevards, Saint-Germain des Prés, Saint-Michel... đến mỗi con phố nhỏ khắp thành phố đều có và chính là đặc sản của "Kinh đô ánh sáng". Đây được xem là điểm du lịch thú vị với du khách nước ngoài, là điểm đến không thể thiếu trong hành trình du lịch khi đến quốc gia này. Tại đây, du khách sẽ thưởng thức món ăn đặc sản và thưởng thức phong cảnh xung quanh và ngắm nhìn người qua lại.

Người bán hàng rong ủng hộ thu phí vỉa hè: 'Hết cảnh thấy đô thị là hốt hàng chạy'

Chính quyền Pháp cho phép các hộ kinh doanh quán cà phê, nhà hàng được kê bàn ghế bên ngoài lề đường nhưng phải tuân theo quy định bàn ghế nằm gọn trong mái hiên khoảng 3 - 6m. Người dân và du khách vừa có thể uống cà phê, vừa ngắm nhìn đường phố. Những quán cà phê ven đường này từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa tinh túy của "Kinh đô ánh sáng".

Mỹ là một ví dụ khác. Là nước công nghiệp phát triển, cường quốc kinh tế nhưng vẫn sử dụng vỉa hè vào việc kinh doanh. Tại thành phố Boston có con đường tự do (Freedom Trail) nối từ Tòa thị chính đến 16 điểm du lịch. Trên con đường này có những quầy hàng tự do để du khách khám phá ẩm thực đặc trưng mà không cần hướng dẫn viên du lịch.

Quảng trường Thời đại ở New York trở thành khu vực phát triển, sầm uất với những quán hàng ven đường, xe đẩy..., thúc đẩy nền kinh tế vỉa hè phát triển lớn mạnh. Các hộ kinh doanh phải nộp 50 USD để có được giấy phép hoạt động. Năm 1995, giới chức thành phố từng đề xuất "thủ tiêu" các gánh bán hàng rong này. Tuy nhiên, sau đó họ đã đưa ra các chính sách, quy hoạch khu vực bán hàng rong trên 130 tuyến phố. Điều này đã cho thấy, tiềm năng kinh tế từ vỉa hè là rất lớn và không chỉ giải quyết hợp thức hóa lấn chiếm vỉa hè kinh doanh, mà còn cho thấy việc có thể quản lý và thu về một nguồn lợi lớn từ việc kinh doanh vỉa hè vào ngân sách quốc gia.

Thu phí vỉa hè, quản lý hàng rong: Bài học từ Mỹ, Phán, Hàn Quốc, Singapore… - Ảnh 1.

Hàng rong được sắp xếp vào tuyến phố Nguyễn Văn Chiêm (quận 1, TP.HCM)

T.N

Hàn Quốc đã quy hoạch rất bài bản từng khu để phát triển kinh tế vỉa hè ở thành phố Seoul. Đến những khu như Insa-dong hay Myeongdong sẽ thấy rất nhiều quầy ẩm thực hay bán phụ kiện, quà lưu niệm bày ra ngay giữa đường. Tại các khu phố có quy hoạch bán hàng trên vỉa hè này, đường sẽ được chặn, ngăn xe để dành riêng cho người đi bộ. Tại đây, những quầy bán đồ ăn, quà lưu niệm được đặt xen kẽ với làn đường dành cho khách đi bộ. Rất nhiều du khách khi đến Hàn Quốc đã rất thích thú khi được trải nghiệm cảm giác dạo quanh các khu buôn bán vỉa hè này để mua sắm, ăn uống những món đặc sản, mang nét đặc trưng của Hàn Quốc với giá cả phải chăng.

Trừ những khu quy hoạch bán hàng rong giữa đường thì không có hiện tượng người dân nơi đây bày bán chiếm dụng vỉa hè, vì các hoạt động buôn bán được đẩy vào mặt bằng phía trong nhà dân hoặc nơi họ thuê để buôn bán, điều này góp phần làm vỉa hè thông thoáng hơn.

Ngoài những khu mua bán trên mặt đất còn có những trung tâm mua bán ngay dưới lòng đất. Các trung tâm này thường được quy hoạch theo tuyến đường di chuyển của dòng người đi từ trạm tàu điện ngầm (metro) này đến trạm tàu metro khác. Khi đi bộ để di chuyển qua những trạm tàu tiếp theo, người đi tàu có thể dừng chân bất cứ lúc nào để mua món đồ mình thích. Việc quy hoạch các trung tâm buôn bán ngầm dọc những tuyến metro góp phần giải tỏa tình trạng buôn bán tràn lan, gây mất mỹ quan, chiếm dụng vỉa hè trên mặt đất. Xây dựng hệ thống metro tỏa đi các điểm khắp thành phố Seoul đã giúp cho việc di chuyển của người dân thành phố Seoul. Họ chỉ việc xuống lòng đất đi metro đến chỗ làm, tránh được cảnh chen chúc trên đường khi di chuyển. Đặc biệt, nhờ quy hoạch khu vực bán hàng rong ở mỗi khu trên mặt đất hay những khu bán hàng dưới lòng đất, Seoul đã không còn cảnh buôn bán lề đường, đậu xe tràn lan gây mất mỹ quan đô thị như trước đây.

Cấp phép cho hàng rong

Một quốc gia gần Việt Nam là Singapore hiện nổi tiếng văn minh, sạch sẽ. Nhưng trước đây, Singapore cũng đã từng phải đối mặt với vấn nạn hàng rong lấn chiếm vỉa hè, đổ nước, rác vứt bừa bãi đầy đường... Tuy nhiên, Singapore đã thấy được việc dẹp đi những hàng rong này là rất khó vì cũng là nguồn thu nhập, là sinh kế của rất nhiều người, cũng như tiềm năng từ nền kinh tế vỉa hè và đánh giá cao sự đóng góp của loại hình kinh doanh hàng rong vào nền kinh tế. Do đó, nhằm giữ gìn được loại hình kinh doanh đầy màu sắc văn hóa này, Singapore đã có quy hoạch cho các gánh hàng rong từ thập niên 1980 bằng cách xây dựng những trung tâm mua bán thực phẩm, chợ cóc rồi tập trung các cửa hàng rong vào đó. 

Đến năm 1996, tất cả người bán hàng rong của Singapore đều đã có nơi buôn bán, được cấp giấy phép. Để được hành nghề thì những người buôn bán này sẽ phải đăng ký kinh doanh. Sau đó sẽ được học về vệ sinh cá nhân, vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng. Ngoài ra, phố ẩm thực ở Singapore chỉ hoạt động tại các tuyến đường trong khung giờ cố định. Nghĩa là vào một khung giờ giới nghiêm, khu vực này cấm xe cộ lưu thông và chỉ dành cho người đi bộ, các quán ăn bày dọc 2 bên lề đường và khách hàng ngồi dưới lòng đường để thưởng thức món ăn và nhìn ngắm phố phường...

Có thể coi Singapore là một hình mẫu về quy hoạch hoạt động buôn bán vỉa hè có bài bản, hiệu quả. TP.HCM có thể học hỏi mô hình quản lý và phát triển vỉa hè của Singapore, cũng như quản lý và phát triển du lịch. Thành phố có rất nhiều lợi thế để có thể quản lý và phát triển vỉa hè trở thành một nền kinh tế đêm phát triển, mang lại nhiều lợi nhuận một cách tốt nhất. Singapore quản lý rất nghiêm, chính quyền áp dụng hình phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm luật kinh doanh, lấn chiếm lề đường hoặc không có giấy phép đăng ký kinh doanh, gây ô nhiễm môi trường, gây phiền toái cho khách hàng. 

Chính phủ Singapore còn chấm điểm những tiêu chuẩn này và yêu cầu các gian hàng phải cắm biển ghi điểm trước cửa hàng. Trong khoảng năm 1990 - 1996, khoảng 10.000 hộ kinh doanh hàng rong đã được đào tạo và hiện khoảng 25.000 gian hàng rong đang thực hiện quy chế cắm biển như trên. Có một thực tế khá thú vị tại Singapore ngày nay là tình trạng thất nghiệp của cử nhân ngày càng cao, gần 13.000 sinh viên mới ra trường thất nghiệp và rất nhiều trong số đó tham gia vào kinh doanh hàng rong.

Sự tham gia của lớp lao động có trình độ học vấn khiến việc giữ gìn mỹ quan đô thị, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường cho ngành kinh doanh này trở nên thuận lợi hơn. Có lẽ chính vì những điều này đã giúp các quán bán hàng rong hay những dãy quán ẩm thực ngày nay tại Singapore trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn mà du khách không thể bỏ qua. Singapore là một minh chứng cho thấy việc tiếp tục cho các quán hàng rong hoạt động sẽ đem lại hiệu quả mỹ quan cho đô thị cũng như giành lại vỉa hè cho người dân, hơn là cấm đoán và dẹp đi.

Chính sách quy hoạch hàng rong bài bản, chi tiết, thực tế với nhu cầu, thực tế với hiện trạng và đưa ra giải pháp để những quán hàng rong, quán lấn vỉa hè được kinh doanh theo tiêu chuẩn do chính quyền đưa ra, mà không gây hại hay ảnh hưởng đến xung quanh thì đó mới là biện pháp lâu dài. Qua đó không những đem lại bộ mặt mới cho đô thị, duy trì nguồn sống của nhiều hộ dân lao động nghèo mà còn tạo công ăn việc làm cho những sinh viên, công nhân thất nghiệp.

Hoàn chỉnh hạ tầng đô thị thì nạn bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè sẽ được giải quyết tận gốc. TP.HCM thừa khả năng để có thể xây dựng lại trật tự cho vỉa hè, biến vỉa hè trở thành nơi mang lại nguồn thu cho người dân, cho thành phố, là nơi sinh hoạt văn hóa, buôn bán hợp pháp cho người dân có nhu cầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.