'Thủ phủ' điện mặt trời kiến nghị gì với Thủ tướng?

23/03/2019 16:24 GMT+7

Với 94 dự án điện mặt trời được đăng ký đầu tư, UBND tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng về chính sách để lĩnh vực này tiếp tục phát triển.

Ngày 22.3, Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận, ông Đỗ Minh Kính cho biết UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho kéo dài chính sách giá điện mặt trời tại Quyết định số 11-TTg đến năm 2020.
[VIDEO] Vụ chủ đầu tư dự án điện mặt trời trói dân: Khởi tố 6 nghi can
Theo ông Kính, tất cả các dự án điện mặt trời ở Bình Thuận vẫn đang “chạy đua” với Quyết định số 11-TTg của Thủ tướng (về cơ chế khuyến khích và giá điện mặt trời). Hiện nay, trong tổng số 28 dự án đã được Thủ tướng và Bộ Công thương phê duyệt bổ sung, thì đã có tới 21 dự án đang gấp rút thi công lắp đặt thiết bị.
Tính cho đến tháng 3.2019, Bình Thuận có 94 dự án điện mặt trời với tổng công suất đăng ký đầu tư là 5.347,72 MWp, tổng vốn đầu tư hơn 137 nghìn tỉ đồng. Trong đó, 57 dự án được UBND tỉnh trình Bộ Công thương thẩm định bổ sung quy hoạch, còn 5 dự án khác được nhà đầu tư đang lập hồ sơ bổ sung quy hoạch.

Chậm vì chồng chéo quy hoạch

Theo ông Đỗ Minh Kính, nhiều dự án điện mặt trời của Bình Thuận nằm trong vùng dự trữ khoáng sản titan. Bình Thuận vẫn đang liên tục có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN-MT, Bộ Công thương điều chỉnh theo hướng giảm bớt diện tích quy hoạch titan để phát triển các dự án kinh tế khác, trong đó có các dự án điện mặt trời. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến các dự án điện mặt trời không thể theo kịp tiến độ mốc thời gian mà Quyết định số 11 của Thủ tướng nêu ra.
Một lo ngại thứ hai, theo ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội điện gió Bình Thuận, đồng thời là chủ đầu tư một dự án điện mặt trời, là tổng công suất của cả điện gió và điện mặt trời được phê duyệt tại Bình Thuận hiện nay lên đến 6.000 MW. Do vậy lưới điện của EVN hiện nay không thể giải tỏa hết công suất (tức quá tải). Nếu không có đường truyền tải mới, thì sẽ không thể nào giải tỏa được công suất nếu như đồng loạt các nhà máy điện mặt trời, điện gió ở Ninh Thuận và Bình Thuận đều đóng điện.
Một dự án điện mặt trời ở TP.Phan Thiết đang lắp đặt thiết bị Ảnh: Quế Hà
Còn ông Dương Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý điện và năng lượng (Sở Công thương Bình Thuận), cho biết đến thời điểm này đã có 21 dự án điện mặt trời ở Bình Thuận khởi công, lắp đặt. Các dự án này đều có công suất từ 30 MW đến 150 MW. Có khả năng sẽ có 16 dự án sẽ được hoàn thành và đóng điện trước ngày 30.6.2019, đúng mốc mà Quyết định 11 của Thủ tướng đã nêu.
Cũng theo ông Dương Tấn Long, tuy nhiên, để đảm bảo giải tỏa công suất cho các nhà máy điện mặt trời, tỉnh đang kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng mới trạm biến áp 500 kV tại khu vực Hồng Phong (H.Bắc Bình) hoặc Hồng Liêm (H.Hàm Thuận Bắc) nối với đường dây 500 kV Vĩnh Tân - Sông Mây... 
Các tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt tại trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận Ảnh: QUẾ HÀ
Theo Quy hoạch điện mặt trời đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (đã được Bộ Công thương thẩm định) thì mục tiêu phát triển sẽ đạt công suất xấp xỉ 6.199 MWp, sản lượng điện tương ứng khoảng 9.769 triệu kWh. Trong đó, đến năm 2020, tổng công suất lắp đặt đạt xấp xỉ 1.662 MWp, sản lượng điện đạt khoảng 2.619 triệu kWh, đến năm 2025 là 4.765 MWp, sản lượng tương ứng là 7.510 triệu kWh.
Tuy nhiên, theo ông Dương Tấn Long, mặc dù tổng công suất đăng ký đầu tư của các nhà máy điện mặt trời tại Bình Thuận là lớn nhất cả nước so tới thời điểm này (5.347,72 MWp), nhưng đây là công suất quy hoạch vì điện mặt trời chỉ phát điện 5 - 6 giờ/ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.