Thủ phủ heo, gà điêu đứng

11/03/2023 07:02 GMT+7

Đồng Nai, thủ phủ của ngành chăn nuôi cả nước, đang đối diện khó khăn lớn thậm chí là nguy cơ phá sản khi nhiều cơ sở chăn nuôi thua lỗ kéo dài.

Theo một số thành viên của Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, nếu như gần đây dư luận chú ý nhiều đến câu chuyện giá heo và người chăn nuôi đang lỗ ít nhất khoảng 5.000 đồng/kg heo hơi thì câu chuyện với con gà còn bi đát hơn.

"Đàn gà 2 triệu con, giờ còn 200.000 con"

Ông Dương Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Bình Minh, một trong những người nuôi gà lớn nhất tỉnh Đồng Nai, cho biết: Thời hoàng kim, đàn gà của ông thường khoảng

2 triệu con, có lúc đỉnh điểm gần 3 triệu con. Nhưng do thua lỗ kéo dài nên đến thời điểm hiện tại chỉ còn hơn 200.000 con. Đáng nói, dù số lượng chỉ còn khoảng 10% so với trước nhưng vẫn cứ lỗ đều đều. Giá thành gà công nghiệp tại Đồng Nai khoảng 30.000 - 32.000 đồng/kg trong khi giá bán chỉ 20.000 - 23.000 đồng/kg, có thời điểm giảm chỉ còn 15.000 đồng/kg. Với gà lông màu, giá thành khoảng 39.000 - 43.000 đồng/kg, trong khi giá bán gần đây chỉ 33.000 - 37.000 đồng/kg. 

"Chu kỳ một con gà là 2 tháng, mỗi đợt lỗ mất 30% vốn, cứ 3 chu kỳ liên tiếp như vậy là coi như mất trọn vốn tích cóp bao nhiêu năm. Chúng tôi gánh lỗ xuyên suốt từ tháng 12.2022 đến nay, nếu tiếp tục lỗ chỉ vài tháng nữa là mất hết 100% vốn. Chúng tôi gần như không còn thở nổi và lâm cảnh bế tắc vì khó khăn chồng chất đủ đường", ông Tuấn than thở.

Thủ phủ heo, gà điêu đứng - Ảnh 1.

Thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai đang đối diện khó khăn chồng chất

LÊ LÂM

Nhưng đó chưa phải là điểm dừng cuối cùng, ông Tuấn thở dài, giá cả đầu ra thì chưa biết bao giờ mới khởi sắc. Ngược lại, chi phí thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu nhập khẩu lại quá cao. Quan trọng hơn, doanh nghiệp (DN) VN không cạnh tranh được với các DN FDI. Ngày trước Công ty Bình Minh phát triển song song chăn nuôi và giết mổ nhưng hiện nay chỉ cầm cự bằng cách cắt giảm chăn nuôi và mua gà của DN FDI về giết mổ để tồn tại. 

"Cái mà người chăn nuôi thiếu nhất chính là thông tin thị trường dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu hiện nay. Thứ hai là vốn, hiện nay chúng tôi không thể tiếp cận vốn vay ngân hàng do chính sách tín dụng thắt chặt. Các khoản nợ đến hạn phải thanh toán vì nếu không thanh toán sẽ bị chuyển sang nhóm nợ quá hạn, nợ xấu. Các nhân viên ngân hàng cam kết cũng sẽ cho vay lại nhưng khi trả nợ xong thì lại không được vay lại như cam kết, lãi suất cao. Điều này làm cho khó khăn của DN càng chồng chất", ông Tuấn nói.

Còn bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH Hương Vĩnh Cửu (H.Vĩnh Cửu), không khỏi lo lắng khi mọi thứ đều tăng cao chỉ có giá heo là giảm làm cho người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Câu chuyện chi phí chăn nuôi, giá thức ăn cao là những điều mà ai cũng đã biết. Đến các chi phí gián tiếp như lãi vay ngân hàng cũng tăng từ 7% lên 9,5% càng làm cho khó khăn thêm chồng chất. "Bản thân chúng tôi ngoài chăn nuôi còn giết mổ và chế biến thực phẩm với đội ngũ công nhân hàng trăm người. Nếu việc sản xuất kinh doanh khó khăn sẽ ảnh hưởng đến đời sống và thu nhập của người lao động. Chính vì vậy, đề nghị các ngành chức năng có những giải pháp ổn định tình hình, giảm bớt các biến động bất thường để người chăn nuôi yên tâm sản xuất", bà Hương nói.

Không chỉ heo gà mà thậm chí bò cũng vướng, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho hay VN không có lợi thế về đồng cỏ để phát triển chăn nuôi bò. Chính vì vậy đàn bò của VN chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu, phần còn lại phải nhập khẩu. Nhưng VN có nhiều phụ phẩm lại chưa tận dụng được vì chưa có hướng dẫn cụ thể trong việc vận chuyển các loại phụ phẩm ra khỏi nhà máy chế biến nên chủ trại nuôi bò lúng túng và vướng quy định về môi trường. Do đó các hội viên chăn nuôi bò vỗ béo không tận dụng được phụ phẩm như vỏ mít, thanh long, vỏ ca cao...

Theo ông Công, trong bối cảnh đó, lo lắng lớn nhất của người chăn nuôi địa phương là thực hiện chủ trương di dời và ngưng hoạt động của tỉnh theo lộ trình từ nay đến hạn chót là ngày 31.12.2024. Có đến 3.006 cơ sở chăn nuôi nằm trong danh sách này, chiếm hơn 50% sản lượng chăn nuôi toàn tỉnh.

Thủ phủ heo, gà điêu đứng - Ảnh 2.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT (giữa), làm việc với Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai

CHÍ NHÂN

Đã xuất hiện yếu tố tích cực

Trong buổi làm việc với Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cách đây 2 ngày, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), bày tỏ sự chia sẻ với khó khăn của người chăn nuôi. Theo ông Thắng, giá heo, gà giảm trong thời gian qua do tác động bất thường từ suy thoái kinh tế thế giới. Không riêng gì VN mà giá heo hơi các nước cũng giảm, thậm chí mức giảm mạnh hơn VN. Bất ngờ nhất là thị trường Trung Quốc, trước khi nước này bỏ các quy định phòng chống dịch Covid-19, giá heo hơi đến 87.000 đồng/kg, nay còn khoảng 55.000 đồng/kg. Giá heo các nước lân cận cũng thế, còn ở các nước phát triển chăn nuôi như Mỹ, Brazil, giá heo cũng thấp…

Tăng cường phòng chống dịch bệnh

Ngày 10.3, tại TP.HCM, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị phòng chống dịch bệnh động vật năm 2023. Công tác kiểm soát dịch bệnh trên động vật tương đối tốt nhưng các yếu tố nguy cơ dịch bệnh của VN vẫn còn hiện hữu nên cần hết sức cảnh giác. Theo các đại biểu, để chống dịch bệnh hiệu quả, giải pháp tốt nhất là xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh và các chuỗi chăn nuôi khép kín. VN hiện có hơn 2.100 cơ sở an toàn dịch bệnh. Đây là cơ sở tốt để tiếp tục phát triển nâng cấp thành vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới. Nếu làm được như vậy, thời gian tới chúng ta có thể tính đến chuyện xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Đây là một trong những mục tiêu và định hướng quan trọng của ngành chăn nuôi trong thời gian tới.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 374 triệu USD, giảm gần 21% so với cùng kỳ năm 2022. Ngược lại xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 64 triệu USD, tăng gần 40% so với 2022.

Theo ông Thắng, một số ý kiến cho rằng chăn nuôi trong nước khó khăn là do nguồn thịt nhập khẩu, tuy nhiên điều này không chính xác vì hiện tại tỷ lệ thịt nhập khẩu vẫn thấp và thời gian qua cũng giảm mạnh. Vấn đề chính vẫn là kinh tế khó khăn làm sức tiêu thụ giảm. Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng có thể nhìn thấy tín hiệu lạc quan là giá thức ăn chăn nuôi đang giảm xuống mức thấp nhất 19 tháng qua. 

Tuy ở VN vẫn đang còn cao do có độ trễ nhưng hy vọng sẽ giảm từ quý 2/2023 và giá thành thức ăn chăn nuôi có thể giảm đến 14 -15% trong năm 2023. Điều này sẽ làm giảm áp lực lên ngành chăn nuôi. Ông Thắng cho biết, Cục cũng đã tham mưu cho Bộ ký văn bản trình Chính phủ xin giảm thêm 2% thuế nhập khẩu bã đậu nành. Nếu được thông qua, các chính sách hỗ trợ ngành chăn nuôi sẽ được tận dụng tối đa. "Khó khăn cũng là lúc ngành cần phải tái cơ cấu lại để phát triển bằng cách phát triển các mô hình chăn nuôi mới, an toàn dịch bệnh và sản xuất bền vững", ông Thắng khuyến cáo.

Tại cuộc gặp, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, nói: "Nhiều dự báo cho thấy kinh tế VN sẽ tăng trưởng trở lại từ quý 2/2023 và đây là động lực giúp phục hồi sức mua. Vấn đề sức mua là câu chuyện toàn cầu hiện nay. Chính vì vậy, người chăn nuôi cần chủ động cân đối đàn vật nuôi, tránh tâm lý giữ đàn đợi giá lên vì rất rủi ro. Đối với chủ trương di dời các cơ sở chăn nuôi của địa phương thì cũng phải dựa theo luật Chăn nuôi và nghị định hướng dẫn của Chính phủ. Các cơ sở chăn nuôi cần bình tĩnh theo dõi các hướng dẫn của chính quyền địa phương".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.