Theo thống kê của ngành nông nghiệp Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có hơn 57.000 ha rau (ăn lá, củ và ăn quả) với sản lượng khoảng 2 triệu tấn/năm. Thế nhưng, ở hầu hết các vùng trồng rau của tỉnh, nhất là TP.Đà Lạt, ngoài siêu thị BigC và một vài cửa hàng nhỏ lẻ xa trung tâm với không nhiều chủng loại rau, gần như chưa có một cửa hàng rau sạch có chứng nhận an toàn. Ngay tại chợ Đà Lạt và khu vực xung quanh có đến hơn 100 quầy, sạp kinh doanh rau nhưng không có quầy sạp nào bán rau sạch đúng nghĩa.
“Không thấy chỗ nào bán cả”
Bà Phạm Thị Hoàng Lan, người có hơn 30 năm bán rau ở chợ Đà Lạt, cho biết: “Ngày xưa thì không nói, chứ thời buổi bây giờ tôi cũng rất muốn có một cửa hàng rau sạch để buôn bán nhưng trong chợ này thì mặt bằng chật hẹp không thể làm được. Tuy nhiên, quan trọng hơn là nếp quen của người Đà Lạt họ vẫn thích rau có giá bình dân hơn. Nếu là rau sạch đúng nghĩa thì giá đắt gấp đôi, gấp 3, chưa chắc họ mua, ngay cả nhiều quán ăn, nhà hàng ở đây cũng đặt hàng rau chợ, nếu mình lấy hàng về thì dễ bị tồn đọng lắm. Vì vậy, lâu nay tôi đặt hàng các nhà vườn, nông hộ mà mình biết rõ để lấy hàng về kinh doanh và sống được”.
|
|
Bỏ sân nhà vì khó tìm mặt bằng
Đại diện của các đơn vị sản xuất rau sạch như Công ty TNHH Đà Lạt GAP, HTX Anh Đào, HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến khi tiếp xúc với chúng tôi đều xác nhận rau sạch của Lâm Đồng chủ yếu bán ở ngoài tỉnh. Công ty TNHH Đà Lạt GAP mở 6 cửa hàng mang tên Đà Lạt GAP với 25 điểm bán hàng ở các tỉnh nhưng tại Đà Lạt thì chưa có cửa hàng nào. HTX Anh Đào hằng năm có đến hơn 40.000 tấn rau sạch các loại nhưng đều tiêu thụ ở các tỉnh, thành khác trong nước và một ít xuất khẩu. Dù có đến 7 cửa hàng rau sạch ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang nhưng HTX này vẫn chưa mở một cửa hàng nào ở TP.Đà Lạt. “Hằng năm Đà Lạt đón 5 triệu lượt du khách, tính sơ sơ mỗi du khách mua 1 kg rau về làm quà thôi thì con số đã lên rất lớn rồi. Chúng tôi biết vậy, cũng muốn mở một cửa hàng rau sạch đúng nghĩa ở Đà Lạt, trưng bày đầy đủ các loại rau để giới thiệu sản phẩm, nhưng khó tìm mặt bằng quá, nếu mở ở địa điểm không thuận lợi thì biết bán cho ai”, ông Nguyễn Công Thừa, Giám đốc HTX Anh Đào, nói.
Ông Mai Văn Khẩn, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến, cho biết thêm: “Nếu được hỗ trợ thì chúng tôi làm liền. Không có cửa hàng rau sạch, nhiều người muốn mua thì không biết chỗ mua, người muốn bán cũng không biết chỗ bán nên cùng bị thiệt thòi…”.
Theo ông Nguyễn Văn Lục, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Lâm Đồng, sản phẩm rau tiêu thụ ngoài tỉnh và xuất khẩu chiếm đến 95%, còn lại 5% là tiêu dùng trong tỉnh. Qua phân tích, kiểm nghiệm, phần lớn rau của Lâm Đồng đều đảm bảo an toàn nên có lẽ vậy mà người địa phương chưa quan tâm lắm đến cửa hàng rau sạch. Tuy nhiên, về lâu dài, Đà Lạt cần phải có một số cửa hàng rau sạch để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và bán cho du khách.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng ban Quản lý chợ Đà Lạt, với điều kiện hiện tại thì chợ Đà Lạt rất khó để mở cửa hàng rau sạch. Tuy nhiên, trong tương lai, nếu khu B của chợ được sửa chữa, nâng cấp thì sẽ nghiên cứu dành một quầy lớn để cho bà con thuê mở cửa hàng rau sạch. Còn ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng, nhìn nhận: “Lâu nay quả thật chưa quan tâm lắm đến việc mở cửa hàng rau sạch ở địa phương. Sắp tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu, hỗ trợ thực hiện mở một số cửa hàng rau hữu cơ, rau cao cấp ở Đà Lạt...”.
|
Bình luận (0)