Thủ phủ tiêu Phú Yên 'teo tóp' vì dịch bệnh: Nông dân phá vườn, tìm cây mới

28/05/2020 11:26 GMT+7

Tiêu bị bệnh chết rồi rớt giá, nhiều người đã phải phá bỏ vườn tiêu, trồng cây tiêu mới với bao hy vọng nhưng rồi cây mới lại dính vào dịch bệnh.

"Nhiều người túng quẫn lắm"

Người trồng tiêu tiếp tục khốn đốn, nợ chồng chất

Vùng đất xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa (Phú Yên) được mệnh danh là thủ phủ tiêu của tỉnh Phú Yên với hơn 500 ha. Trước đây, cây tiêu Sơn Thành Tây nổi tiếng khắp cả nước vì chất lượng cao. Thế nhưng, từ năm 2017, cây tiêu ở vùng này bắt đầu nhiễm bệnh, chết dần chết mòn. Nông dân đã đổ bao tiền bạc, công sức để nỗ lực cứu cây tiêu nhưng tiêu cứ tiếp tục chết. Thủ phủ tiêu teo tóp dần.

Vườn tiêu của ông Đoàn Văn Chiến đang chết dần chết mòn vì bệnh

Ảnh: Đức Huy

Ông Phan Trọng Anh ở thôn Sơn Trường (xã Sơn Thành Tây) ngao ngán: “Tiêu bây giờ cây thì cằn cỗi, cây thì mắc bệnh chết nhanh chết chậm (tên một loại bệnh trên cây tiêu - PV) nên buộc lòng người dân phải phá bỏ trồng lại cây tiêu mới. Nhưng khi cây tiêu mới bước vào chu kỳ kinh doanh thì lại bị nhiễm bệnh, rồi lại chết. Có thể nói, cây tiêu đã không còn hiệu quả trên vùng đất này”.

Theo ông Anh, người dân ở đây đang nợ nần như “chúa chổm” vì bao nhiêu vốn liếng đã đầu tư vào trồng tiêu. “Nhiều nông dân túng quẫn lắm”, ông Anh thở dài.

Cây tiêu nhiễm bệnh còn tiêu hạt lại rớt giá thê thảm nên người trồng tiêu lại càng khó khăn hơn. Theo ông Đoàn Văn Chiến (cũng ở thôn Sơn Trường), hiện nay có tình trạng tư thương thu mua tiêu non. “Trái tiêu loại này nhẹ, một bao tiêu chẳng mấy ký vì tiêu chưa già, hạt còn non. Bình thường một bao tiêu nặng 30-40 kg, nhưng thu hoạch tiêu non chỉ nặng chừng 10 kg. Giá tiêu non là 10.000 đồng/kg", ông nói

"Oái oăm là, chủ vườn phải trả cho công thu hoạch 6.000 đồng/kg, chỉ còn lại 4.000 đồng/kg thôi, vậy mà chúng tôi vẫn không tìm thuê được nhân công. Vì hiện nay, công lao động bình thường mỗi ngày hơn 250.000 đồng. Trong khi người hái tiêu giỏi mỗi ngày thu hoạch tối đa cũng chỉ 20 kg, thành tiền là 120.000 đồng/ngày. Thành thử, họ không chịu hái tiêu thuê”, ông Chiến nói thêm.

Loay hoay tìm cây trồng mới

Cây tiêu càng ngày càng héo hắt, người nông dân không thể “nhịn đói” để chờ nên đành bấm bụng phá vườn tiêu để trồng cây khác ngắn ngày, trang trải cuộc sống. Thế nhưng, việc tìm ra cây trồng mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng đất này là cả vấn đề.

Ông Đoàn Văn Chiến phá bỏ vườn tiêu để trồng bắp

Ảnh: Đức Huy

Ông Đoàn Văn Chiến có 8 sào (8.000 m2) đất trồng cây tiêu nhưng đã phá bỏ 5 sào để trồng bắp, cà tím... “Bây giờ làm vụ bắp thu lãi chừng 3-4 triệu đồng. Sau đó trồng cà tím để xoay vòng, miễn làm sao có thu nhập. Nhưng trồng bắp thì vụ đầu có lãi, đến vụ sau thì cây nhiễm bệnh, chi phí tăng, chẳng còn lãi bao nhiêu. Nông dân bây giờ thu nhập quá bấp bênh”, ông Chiến than thở.

Người dân nhổ trụ tiêu để bán.

Ảnh: Đức Huy

Ông Trịnh Lâm Hải, Chủ tịch UBND xã Sơn Thành Tây, cho biết diện tích trồng cây tiêu của xã này hơn 500 ha, nhưng đến nay giảm xuống chỉ còn hơn 150 ha. Sắp tới, diện tích cây tiêu sẽ tiếp tục giảm vì dịch bệnh xâm hại chết dần.

“Hiện nay, người dân đã phá bỏ vườn tiêu bệnh chuyển sang trồng sắn, bắp, cà tím và măng tây. Đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, còn về lâu dài thì UBND tỉnh Phú Yên phải có hướng chuyển sang cây trồng khác phù hợp với thổ nhưỡng. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân còn nợ ngân hàng nên tỉnh cần có chính sách hỗ trợ để họ có vốn đầu tư lại vườn cây mới”, ông Hải đề xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.