Thử sức Land Rover Defender 90: Không hổ danh 'huyền thoại off-road'

19/04/2022 13:14 GMT+7

Không quá khi ví Land Rover Defender 90 như một chú hổ, bởi chỉ khi được “thả về rừng”, chiếc xe mới phô trương hết sức mạnh cùng sự hoang dã, vốn đã là DNA đặc trưng của mẫu xe được xem như “huyền thoại off-road”.

Theo sau “đàn anh” Defender 110, giữa năm 2021, phiên bản cấu hình 3 cửa Defender 90 thế hệ mới cũng cập bến Việt Nam trong sự háo hức của các “tín đồ” off-road. Tuy nhiên, do ra mắt đúng vào thời điểm dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam bùng phát với giá từ 3,8 tỉ đồng, phải đến đầu năm 2022, chúng tôi mới có dịp trực tiếp “sờ nắn”, trải nghiệm phiên bản độc đáo của dòng xe off-road huyền thoại này.

Defender 90 thế hệ mới cùng với đàn anh Defender 110 phân phối chính hãng tại Việt Nam

Bất ngờ với diện mạo

Với những ai đã trót “phải lòng” Land Rover Defender, có lẽ nhắc đến dòng SUV off-road này, hẳn sẽ liên tưởng ngay đến chiếc xe có thiết kế “hộp diêm” vuông vức, cơ bắp. Một phong cách vốn dĩ đã quá quen thuộc khi được hãng xe Anh quốc duy trì và bảo tồn nguyên vẹn trong suốt chặng đường lịch sử gần 40 năm, kể từ thời điểm những chiếc Defender đầu tiên lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất.

Ở thế hệ mới, Defender 90 vẫn kế thừa phong cách truyền thống đó của Land Rover. Mặc dù vậy, đi sâu vào các chi tiết, dễ nhận thấy những khác biệt mang hơi hướng hiện đại và trẻ trung hơn. Những góc vuông sắc cạnh, đậm chất việt dã trước đây đã thay đổi bằng đường nét bo tròn mềm mại hơn. Cụm đèn chiếu sáng vẫn dạng tròn cổ điển nhưng được cách tân và tất cả đều ứng dụng công nghệ LED ma trận, thích ứng thông minh.

So với thế hệ trước, Defender 90 mới dù vẫn giữ nguyên phong cách truyền thống, nhưng đã được trau chuốt hơn với nhiều chi tiết mang hơi hướng hiện đại

Ở phía sau, Defender 90 vẫn giữ nguyên kiểu thiết kế bánh dự phòng gắn phía sau và cửa khoang hành lý mở ngang bằng tay nắm bố trí bên trái. Thế nhưng, có lẽ điểm nhấn ấn tượng nhất và cũng là chi tiết dễ “gây nghiện” nhất chính là cụm đèn hậu LED thiết kế bắt mắt với những ô vuông nhỏ xếp tầng.

Mặc dù vậy, bên cạnh những chi tiết thiết kế bắt mắt, Defender 90 “đời mới” vẫn còn một điểm - dù độc đáo nhưng với chúng tôi vẫn… tương đối “khó cảm”. Đó chính là kiểu dáng xe khi quan sát từ bên hông. So với thế hệ tiền nhiệm, Defender 90 vẫn có cấu trúc 3 cửa. Tuy nhiên, cách thiết kế phần đầu xe cao hơn, trong khi kích thước xe khá ngắn, cộng với việc lược bỏ những góc vuông để thay bằng các chi tiết bo tròn - dù mang đến vẻ ngoài trẻ trung, cá tính, nhưng đã vô tình khiến kiểu dáng xe nhìn theo phương ngang trở nên khá “cục” nếu chưa thực sự quen mắt.

“Trầm trồ” vì nội thất

Bước vào khoang cabin trên Defender 90, hẳn không ít người sẽ phải bất ngờ bởi phong cách thiết kế đơn giản nhưng đủ tinh tế và đẳng cấp, xứng tầm với xe hạng sang.

Điểm ấn tượng nhất có lẽ nằm ở nghệ thuật dung hòa hoàn hảo. Với một mẫu SUV sinh ra phục vụ những cung đường off-road, nội thất trên Defender 90 mới được bố trí nhiều chi tiết chuyên biệt, đậm tính việt dã. Đầu tiên phải kể đến dàn tay nắm bố trí ngang trên khu vực táp lô, ngay phía trước ghế lái và ghế hành khách. Thiết kế này không chỉ giúp việc bước lên xuống xe dễ dàng hơn, mà còn được xem là những điểm tựa hữu ích cho người ngồi, nhất khi xe di chuyển trên những cung đường gập ghềnh.

Không gian cabin dung hòa được vẻ cơ bắp, hầm hố xe off-road và sang trọng, đẳng cấp xe sang

Bên cạnh đó, khu vực táp-pi cửa cũng nổi bật với kiểu thiết kế ốc nổi. Không chỉ mang đến cảm giác cứng cáp, cơ bắp mà còn là chi tiết giúp người dùng có thể dễ dàng tháo lắp và vệ sinh sau mỗi chuyến “trèo đèo lội suối”.

Ngoài ra, trên Defender 90 cũng khiến chúng tôi bất ngờ khi được bố trí nhiều hộc và các khu vực trống, giúp người dùng thoải mái để đồ đạc lỉnh kỉnh trong chuyến đi dài ngày.

Nhưng đặc biệt hơn cả, nếu để ý kỹ sẽ thấy, trong khoang cabin của chiếc SUV 3 cửa này có rất nhiều cổng sạc, bố trí ở nhiều vị trí bên trong xe. Đây là chi tiết rất tiện dụng bởi Defender là dòng xe dành cho những cung đường off-road, việc trang bị nhiều cổng sạc sẽ giúp người dùng dễ dàng nạp năng lượng cho các thiết bị, nhất là khi di chuyển đến những nơi không có hệ thống điện đầy đủ.

Land Rover Defender 90 sở hữu rất nhiều công nghệ hiện đại

Và như đã đề cập, dù sở hữu nhiều chi tiết đậm chất off-road, tuy nhiên trên Defender 90, các nhà thiết kế của hãng xe Anh Quốc vẫn giữ lại những đường nét cổ điển đặc trưng như vô lăng “kiểu Land Rover”, các chi tiết bo tròn và đặc biệt là hàng loạt trang bị tiện ích, công nghệ. Trong đó, đáng chú ý có hệ thống loa cao cấp Meridian, màn hình giải trí trung tâm Pivi Pro 10 inch, tích hợp điều khiển, tùy chỉnh gần như mọi thông số và đặc biệt là khả năng hiển thị hình ảnh từ camera một cách sắc nét.

Mặc dù vậy, có một chi tiết hơi hụt hẫng trên Defender 90 là cách thiết kế và khả năng tùy chỉnh của hàng ghế trước chưa thực sự tối ưu. Điều này khiến việc ra vào, lên xuống xe khá bất tiện với người ngồi hàng ghế sau. Nhưng bù lại, dù là mẫu xe 3 cửa, nhưng không gian dành cho người phồi hàng ghế sau rất rộng rãi và thoải mái, kể cả với người có tầm vóc lớn.

Cùng ‘hổ’ về rừng!

Với một chiếc SUV như Defender 90, nếu chỉ ngắm nghía hoặc khám phá một số tiện ích, tính năng nội thất thôi thì chưa thể coi là đã trải nghiệm xe, bởi những gì được xem là giá trị và cốt lõi nhất nằm ở khả năng vận hành, thứ vũ khí giúp Defender 90 được tôn vinh như một “huyền thoại off-road”.

Để cảm nhận nhiều nhất về sức mạnh và độ “hoang dã” của Defender 90, các tay lái phải trải qua hành trình hơn 700 km “lên rừng xuống biển” băng qua nhiều dạng địa hình từ đồi núi gập ghềnh, đèo dốc quanh co của Tây Nguyên đại ngàn đến những đồi cát của miền biển Phan Thiết.

Di chuyển trên đường trường với Land Rover Defender 90 quá “nhàn” với người lái

Lộ trình từ TP.HCM đi Đà Lạt rất “nhàn” với Defender 90, khối động cơ 2.0 lít tăng áp có công suất lên đến 300 mã lực và mô-men xoắn 400 Nm, kết hợp cùng hộp số ZF 8 cấp mang đến khả năng tăng tốc nhẹ nhàng, vượt xe trên cao tốc hay một số đoạn đường quốc lộ trở nên đơn giản.

Có chăng, sự “khó chịu” chỉ xuất hiện ở thời điểm khởi hành. Bởi lẽ, việc cầm lái chiếc SUV địa hình len lỏi qua những tuyến đường nội đô đông đúc mang đến một chút cảm giác nhàm chán và “bức bí”. Mặc dù vậy, trên những đoạn đường này, chúng tôi lại phát hiện thêm một trang bị cực kì ấn tượng trên Defender 90, đó là hệ thống camera 360.

Không giống nhiều dòng xe khác đã từng được trải nghiệm, hệ thống camera 360 trên Defender 90 mang đến khác biệt rõ nét, từ các góc quay bao quát, chất lượng hiển thị sắc nét hay đặc biệt nhất là cách thuật toán xử lý để mang đến cho người lái những góc nhìn chân thật nhất. Nhờ đó, việc di chuyển giữa dòng xe máy đông đúc vây quanh hay kể cả việc đỗ xe cũng trở nên dễ dàng hơn.

Defender 90 di chuyển trên đoạn đường xấu, gập ghềnh một cách dễ dàng

Bước sang ngày thứ 2, khi xe lăn bánh tiến vào cung đường rừng “gai góc”, Defender 90 mới khiến các tay lái phải “gật gù” với khả năng off-road “miễn bàn”. Góc tới và góc thoát thiết kế tối ưu, kết hợp với hệ thống treo khí nén và hệ thống phản ứng theo địa hình Terrain Response 2 với nhiều tùy chọn chế độ lái, giúp Defender 90 chinh phục những đoạn đường xấu, gập ghềnh một cách dễ dàng. Những dao động, dằn xóc đều được dập tắt, triệt tiêu rất đơn giản.

Trong tình huống phải lái xe leo dốc hoặc lách qua các rãnh sâu khuất tầm nhìn, công nghệ ClearSight Ground View hiển thị hình ảnh khuất ở gầm xe phía trước thông qua màn hình cảm ứng trong khoang lái khiến người lái phải “trầm trồ”.

Trên cung đường từ Đà Lạt về Phan Thiết, đèo Gia Bắc vốn được xem là thử thách “khó nhằn” với các tay lái, nhưng lần này lại trở nên dễ dàng khi cầm lái Defender 90. Vô lăng khá đằm chắc và phản hồi chuẩn xác, trả lái rất nhanh. Trong khi đó, hệ thống khung gầm rất cứng vững cũng hàng loạt hệ thống hỗ trợ lái giúp xe vào cua rất mượt, không bị bồng bềnh dù duy trì ở dải tốc độ 60 km/giờ.

Defender 90 có nhiều khác biệt, chỉ dành cho những người thực sự có “chất chơi”

Một thử thách khác với Defender 90 trong hành trình lần này là những đồi cát trắng tại Phan Thiết. Người lái chỉ cần chuyển sang chế độ 2 cầu chủ động, giảm áp suất lốp và tuân thủ các kỹ năng lái, Defender 90 vùng vẫy và thoát khỏi các đụn cát một cách dễ dàng.

Một điểm khá đáng tiếc trong hành trình lần này khi các tay lái vẫn chưa có đủ điều kiện để có thể trải nghiệm thực tế khả năng lội nước lên tới 900 mm của Defender 90. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận hành trình cùng chiếc SUV được xem như di sản của hãng xe Anh quốc bao giờ cũng mang lại cảm xúc đặc biệt và cuốn hút.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.