Thử sức với kỳ thi thử của Đại học Quốc gia Hà Nội

15/03/2015 14:03 GMT+7

(TNO) Ban tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội đã về huyện Đại Từ, Thái Nguyên để tổ chức thi thử bài thi đánh giá năng lực sẽ áp dụng trong kỳ tuyển sinh năm 2015.

(TNO) Ban tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội đã về huyện Đại Từ, Thái Nguyên để tổ chức thi thử bài thi đánh giá năng lực sẽ áp dụng trong kỳ tuyển sinh năm 2015.

thi- thu-vao- DH-Quoc giaHọc sinh ôn bài trước khi vào phòng thi
Hơn 100 học sinh lớp 12 của Trường THPT Đại Từ, Thái Nguyên đã đăng ký dự kỳ thi thử với tâm trạng háo hức vì đây là lần đầu tiên các em dự thi với hình thức hoàn toàn mới so với những bài thi, bài kiểm tra mà các em đã làm suốt 12 năm học vừa qua.
Khác biệt lớn nhất là bài thi đánh giá năng lực được làm hoàn toàn trên máy tính, không phân biệt môn thi ứng với mỗi giờ thi khác nhau, các em làm “một lèo” hơn 3 giờ đồng hồ là đã xong cả một … kỳ thi và biết điểm ngay khi kết thúc bài thi.
Ba phòng thi đã được chuẩn bị cho mỗi thí sinh một máy tính được bộ phận kỹ thuật kiểm tra, cài đặt theo đúng tiêu chuẩn. Ngoài ra, các phòng thi đều có một lượng máy dự phòng để thay thế nếu có trục trặc kỹ thuật xảy ra.
Học sinh được hướng dẫn thêm về thao tác kỹ thuật trước khi làm bài thi
Bài thi tổng hợp đánh giá năng lực chung gồm 3 phần với tổng số câu hỏi là 140 câu, tương ứng 140 điểm, tổng thời gian làm bài 195 phút với hai phần thi bắt buộc là tư duy định lượng - toán học (50 câu hỏi, thời gian làm 80 phút) và tư duy định tính - ngữ văn (50 câu hỏi, thời gian làm 60 phút); phần tự chọn (40 câu hỏi, thời gian làm 55 phút), thí sinh được lựa chọn một trong hai phần là khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).
Phó giáo sư Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ:  "Chúng tôi chọn và nhờ trường THPT ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên để tổ chức thi thử với mong muốn nhận được những thông điệp, kết quả tương đối khách quan nhất, vì ở đây học sinh có nhiều đối tượng khác nhau về học lực cũng như điều kiện học tập, điều kiện gia đình".
Ngoài việc thử về quy trình tổ chức thi, theo Phó giáo sư Nguyễn Kim Sơn, Đại học Quốc gia còn thăm dò phản hồi của học sinh đối với bộ đề một cách trực tiếp.
Học sinh lần đầu tiên được thi với bài thi đánh giá năng lực trên máy tính
Thầy Trần Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Đại Từ, hồ hởi: “Tôi vẫn nói vui với các thầy Đại học Quốc gia Hà Nội rằng kỳ thi của các thầy giống như một cô gái không quá xinh nhưng lại cá tính, thông minh nên chắc chắn sẽ được nhiều người thích hơn là một cô gái chỉ có xinh đẹp về hình thức”.
Thầy Hưng phân tích: "Xem qua những đề thi mẫu của bài thi đánh giá năng lực, tôi bất ngờ vì những câu hỏi rất gần gũi, rất thiết thực với cuộc sống mà học trò cần nắm được. Lâu nay, đề thi thường hỏi những điều quá nặng về lý thuyết, có những câu hỏi đánh đố học trò nhưng bản chất của kiến thức ấy thì lại chẳng giúp gì cho việc ứng dụng vào cuộc sống của các em".
“Với đề thi này, tôi tin học sinh sẽ phải thay đổi cách học, tự học, tự tìm tòi sáng tạo hơn nữa. Còn giáo viên chắc chắn sẽ phải thay đổi cách dạy, không lý thuyết, giáo điều”, thầy Hưng chia sẻ.
Tuy nhiên, thầy Hưng cũng băn khoăn, liệu việc cho phép mỗi thí sinh lựa chọn ngẫu nhiên một đề thi nào đó có dẫn tới tình trạng may rủi khi em này thì chọn được đề dễ còn em kia thì lại phải làm đề thi quá nhiều câu hỏi khó hay không?
Ông Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định 140 câu hỏi của mỗi đề thi đều được thiết kế tương đương nhau về độ khó dễ. Khi rút ngẫu nhiên một đề là đề đó đã được chuẩn hóa về yêu cầu, mức độ của bài thi đánh giá năng lực mà Đại học Quốc gia Hà Nội đặt ra. Do vậy, không có chuyện may rủi về đề thi.
Kết thúc 195 phút làm bài, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi với tâm trạng khá hào hứng. Thí sinh được điểm cao nhất là Trần Xuân Hảo với số điểm 113/140 điểm, nhận xét: "Dù được thiết kế hoàn toàn mới nhưng nội dung đề thi phù hợp với nội dung kiến thức mà em được học trong chương trình".
Trần Xuân Hảo, thí sinh được điểm cao nhất trong buổi thi thử ở trường THPT Đại Từ
Đặng Xuân Hồng, một học sinh tham gia thi thử cho biết lần đầu tiên nội dung của môn học giáo dục công dân được đưa vào đề thi tuyển sinh đại học nên có nhiều điều rất thú vị. Câu hỏi của môn học này rất thiết thực, yêu cầu thí sinh phải suy nghĩ để giải quyết những tình huống thực tế mà hằng ngày vẫn thường gặp.
Tuy nhiên, nhiều thí sinh đều cho rằng để làm tốt hơn bài thi đánh giá năng lực trong kỳ thi thật, các em sẽ phải trau dồi thêm các kiến thức thực tiễn, tìm hiểu nhiều hơn nữa về cuộc sống xung quanh chứ không chỉ học quá nặng về lý thuyết như hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.