Hoạt động thử tài phân loại rác rất bổ ích, ý nghĩa
Một trong những nơi sôi động nhất của ngày hội này có thể kể đến gian hàng "Kiến thức xanh, thử tài phân loại rác". Bởi lẽ rất đông sinh viên tập trung đến để vừa có cơ hội thể hiện kiến thức về môi trường vừa được tặng những phần quà hấp dẫn.
Ban tổ chức chuẩn bị sẵn những mảnh giấy ghi về những loại rác thải từ: vỏ chanh, hành tây, ghế nhựa, cải bó xôi, nồi inox, sách cũ, bình hoa pha lê… Mỗi sinh viên nhận 5 mảnh giấy kèm yêu cầu tham gia phân thành 3 loại rác: tái chế, vô cơ và hữu cơ.
"Tưởng đơn giản nhưng không hề đơn giản tí nào. Mình có kết quả chính xác 4/5. Một câu về gạch vỡ, mình nhầm là rác tái chế, nhưng chính xác đó là rác vô cơ. Từ thử thách này giúp mình biết phân biệt các loại rác hơn. Có những thứ mình nghĩ là đồ bỏ đi nhưng thực tế có thể tái chế được", Dương Thị Lệ Quyên, sinh viên năm 4, Khoa Giáo dục mầm non, cho hay.
Bùi Nguyễn Bảo Duyên, sinh viên năm 4, Khoa Giáo dục tiểu học, nói: "Mình thấy trò chơi phân loại rác này thật sự rất bổ ích và ý nghĩa. Qua đó, cho mình biết thêm nhiều kiến thức về rác thải. Bình thường mình có thói quen gom các loại rác với nhau mà không biết cách phân loại. Đó là cách làm sai. Từ giờ mình hiểu biết hơn. Về sau, có thể đưa kiến thức này vào những bài dạy cho học sinh".
Sau khi hoàn thành tốt thử thách với 5/5 kết quả chính xác, Nguyễn An Bình, sinh viên năm 4, Khoa Giáo dục tiểu học, cảm nhận: "Hoạt động này rất hay, sẽ giúp sinh viên chúng mình có thêm sự hiểu biết nhằm phân loại rác trong cuộc sống".
Trần Thị Thanh Nhi, sinh viên năm nhất Khoa Quản trị kinh doanh, cho biết: "Khi trải qua những câu hỏi đã tự giật mình khi bấy lâu nay bị thiếu hụt kiến thức về việc phân loại rác một cách trầm trọng. Nhưng từ hôm nay, từ hoạt động ý nghĩa này đã giúp nâng cao kiến thức nhiều hơn".
Cũng vì nhận ra sự mơ hồ trong cách nhận biết các loại: rác tái chế, rác vô cơ, rác hữu cơ, nên sau khi hoàn thành xong thử thách của bản thân, nhiều sinh viên cũng nán lại để chứng kiến những người khác trổ tài thể hiện kiến thức xanh, để học hỏi thêm. Thậm chí có sinh viên còn nhanh chóng ghi lại trong điện thoại để dễ nhớ.
Cùng góp phần nâng cao nhận thức của người dân
Đặng Thanh Quang, sinh viên năm 3, Khoa Sư phạm Ngữ văn, cho biết quy định bắt buộc về phân loại rác tại nguồn của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2025. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách phân loại rác tại nguồn. "Chính vì thế, hoạt động thử thách kiến thức xanh, thử tài phân loại rác tại ngày hội "Cùng sinh viên sống xanh sống khỏe" do Báo Thanh Niên và Công ty cổ phần Acecook Việt Nam tổ chức là rất ý nghĩa. Khi đã biết cách phân loại rác sẽ giúp việc xử lý rác dễ dàng hơn", Quang nói.
Nguyễn Trần Gia Ngọc, sinh viên năm nhất Khoa Giáo dục tiểu học, cho rằng phân loại rác tại nguồn có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý rác thải và bảo vệ môi trường. Qua đó sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ phát tán các mầm bệnh, các yếu tố độc hại gây nguy hiểm hiểm đến sức khỏe con người. Bên cạnh đó là giảm áp lực cho các cơ quan, đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải, tiết kiệm ngân sách cho nhà nước…
"Nhưng sau khi bản thân trải nghiệm thử thách, cũng như chứng kiến nhiều bạn tham gia, mình nhận ra không phải ai cũng biết phân biệt các loại rác hữu cơ, rác vô cơ, rác tái chế. Sau khoảng hơn một giờ đồng hồ xem mọi người tham gia trò chơi này, thì mình có thể biết cách để phân loại rác hơn", Ngọc kể.
Nguyễn Việt Hoàng, sinh viên năm 4, Khoa Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, nói: "Sau ngày hội này, không chỉ riêng mình mà nhiều bạn khác cũng sẽ chia sẻ lại kiến thức phân loại rác cho người khác. Đây là hành động nhỏ nhưng mang lại ý nghĩa lớn. Để từ đó cùng góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng đến việc sống xanh".
Hoàng cũng nói một cách rành rọt: "Rác hữu cơ là các loại dễ phân hủy, nhanh bị thối rữa gây mùi hôi thối trong điều kiện tự nhiên như: thức ăn dư thừa, vỏ trái cây, thức ăn hỏng. Rác thải vô cơ gồm những loại rác thải không có khả năng tái chế hoặc sử dụng lại như: đầu thuốc lá, quần áo cũ, cành cây, túi ni lông, đồ chơi. Còn rác tái chế là loại có thể sử dụng lại nhiều lần hoặc có thể đem đi tái chế như: giấy báo, thùng carton, nhựa, lon nước…".
Bình luận (0)