Bộ phim Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một huyền thoại đang được Hãng phim Tài liệu và khoa học T.Ư hoàn hiện dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo T.Ư. Phim dự kiến phát sóng lúc 20 giờ 10 ngày 21.8 trên kênh VTV1 nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đại tướng.
Tìm lại nhân chứng
NSƯT - đạo diễn Trịnh Quang Tùng từng tiếp xúc trực tiếp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào khoảng năm 2010 trong một dịp ghi hình ông. “Khi đó, đại tướng đã gần 100 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn”, ông Tùng nhớ lại. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng đạo diễn được gặp trực tiếp đại tướng và cuộc ghi hình cũng chỉ kéo dài vỏn vẹn 1 giờ đồng hồ. “Đến khi thực hiện bộ phim này, tôi nghĩ cái khó của mình là chưa được tiếp xúc hay gặp gỡ nhiều với đại tướng. Bởi vậy, điều mình cần làm là đọc, xem, tìm tư liệu ở nhiều nguồn khác nhau”, ông Tùng cho hay và nói thêm: “Cái khó nữa là tìm được câu chuyện mới khi đã có quá nhiều bộ phim hay làm về đại tướng”.
Trong nhiều tháng, đạo diễn Trịnh Quang Tùng đã tìm lại gần 50 cuộn phim và hàng chục băng tư liệu về đại tướng tại hãng phim. Bên cạnh đó, đạo diễn và ê kíp sản xuất đã về Quảng Bình - quê hương đại tướng, cũng như đến những nơi liên quan đến quá trình hoạt động cách mạng của đại tướng như: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Điện Biên, Sơn La, Bắc Kạn, Lạng Sơn…
Ê kíp đã thực hiện nhiều cuộc trò chuyện với những nhân chứng hay người thân cận với đại tướng như: đại tá Nguyễn Bội Giong - thư ký của đại tướng, đại úy Phạm Đức Cư (Tiểu đoàn Pháo cao xạ trận Điện Biên Phủ 1954), Giáo sư Vũ Minh Giang, trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên Tư lệnh Quân khu 4)… Bên cạnh đó, đoàn phim đã mất nhiều công sức để đi tìm người em kết nghĩa của đại tướng tại Cao Bằng. “Bà là người dân tộc Tày, từng là liên lạc và tuyên truyền cách mạng cho đồng bào, che giấu cho đại tướng khi ông hoạt động trên Cao Bằng. Năm nay, bà đã hơn 90 tuổi mà khi nhắc đến đại tướng, mắt bà lại sáng lên, kể rành rọt những câu chuyện từ ngày xưa”, đạo diễn Trịnh Quang Tùng chia sẻ.
|
Những cách tiếp cận khác
NSND - đạo diễn Đào Trọng Khánh năm nay đã 81 tuổi, được coi là người chuyên làm phim tài liệu về lãnh tụ, lãnh đạo đất nước tại Hãng phim Tài liệu và khoa học T.Ư trước đây với những bộ phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng... Người ông có cơ hội tiếp xúc và ghi hình tư liệu nhiều nhất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
“Tôi quay đại tướng khoảng 40 năm, từ khi đại tướng còn trẻ”, đạo diễn Đào Trọng Khánh nói và cho hay dù rất gần gũi nhưng phải bắt đầu từ sự tin tưởng nào đó, đại tướng mới đồng ý để ông đến ghi hình tư liệu trong suốt hơn 1 tháng và chia sẻ những câu chuyện không phải lúc nào cũng sẵn sàng nói ra như chuyện thời cắp sách ở làng quê Quảng Bình, tình cảm với những người thân trong gia đình, hay lần được Bác Hồ đi hỏi vợ cho… Bên cạnh đó, không phải nhà lãnh đạo nào cũng đồng ý việc làm phim về mình, chẳng hạn như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, phải mãi đến khi nghỉ hưu mới gật đầu để NSND Đào Trọng Khánh thực hiện bộ phim về ông.
Theo ông Khánh, thời đó làm phim về những nhà lãnh đạo đất nước dù không có sức ép gì nhưng “trong đầu mình lúc đi làm như có người ngồi sẵn trong đấy rồi, nên không làm sai được”.
Bộ phim Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một huyền thoại dài 40 phút. “Đó là thời lượng còn quá khiêm tốn để chuyển tải những câu chuyện sâu sắc về một vị tướng vĩ đại. Bộ phim nhỏ này khắc họa đại tướng ở khía cạnh từ một thầy giáo dạy sử đến nhà quân sự tài ba cùng tư tưởng trọng dân, gần dân, lấy dân làm gốc, thương yêu đồng bào, quý trọng những người lính của mình, đức tính nhân hậu, giản dị, một người cộng sản trong sáng, nhân văn”, đạo diễn Trịnh Quang Tùng nói.
Đạo diễn Trịnh Quang Tùng cho rằng việc không được tiếp cận trực tiếp với những vị lãnh tụ, nhà lãnh đạo của đất nước - nhân vật của bộ phim, là một thách thức với nhà làm phim thế hệ sau này. “Bên cạnh đó là nguồn tư liệu hình ảnh nếu sau năm 1950 có thể còn lại nhiều nhưng trước đó rất khó khăn. Cùng với đó, những nhân chứng sống nếu may mắn vẫn còn nhớ được ít nhiều câu chuyện, còn không cũng là một khó khăn cho mình. Hoặc nếu không sớm gặp, nhiều người cũng không còn nữa”, đạo diễn bày tỏ. Dù vậy, theo ông Tùng, thế hệ làm phim sau này có những cơ hội mang đến nhiều góc nhìn khác, bởi: “Chúng tôi có độ lùi về lịch sử để thể hiện góc nhìn, quan điểm của mình với những nhân vật lịch sử của đất nước”.
Bình luận (0)