Thử thách lòng trung thực

12/04/2014 03:00 GMT+7

Chuẩn bị bước vào mùa thi, những hoạt động khơi gợi lòng trung thực cho học sinh, sinh viên là rất cần thiết.

Học thật, thi thật

Câu lạc bộ FACE và chuỗi dự án “CHANGE the way we learn” thuộc Trường ĐH Hoa Sen đã và đang tổ chức nhiều hoạt động hướng đến mục tiêu vì một nền giáo dục sạch.

 
Trung thực trong cuộc sống cũng như học tập sẽ tạo ra giá trị thật và
có cơ hội để phát triển lâu bền, ảnh có tính minh họa - Ảnh: Đ.N.T

Liên quan đến vấn đề trung thực trong cuộc sống, trong thi cử, nhiều thành viên của FACE đã sôi nổi chia sẻ ý kiến. Phùng Thục Uyển, sinh viên Trường ĐH Hoa Sen, bày tỏ: “Tôi đồng ý rằng trung thực cần được thử thách. Nhưng cũng đáng buồn là khi một giá trị đạo đức của con người lại bị coi như hàng hiếm và nhiều người bất ngờ khi thấy nó còn tồn tại. Cũng giống như việc báo chí hô hào mọi người không hôi của, trong khi việc đó là chuyện bình thường mà mọi người nên làm”.

Là sinh viên cùng trường với Thục Uyển, Nguyễn Thanh Tuyền khẳng định: “Người có lòng tự trọng không chép bài của người khác, họ để giấy trắng cho phần không biết của mình. Tôi có rất nhiều người bạn như thế. Còn người gian lận, nghĩa là không trung thực trong học tập, xuất phát từ việc lười học bài, lười nghiên cứu, ham điểm số… Đó là sự lười biếng và lòng tham”.

Thanh Tuyền nhìn nhận: “Không thể cứ bắt học sinh học thế nào là không trung thực, là sai phạm, khi mọi thứ cứ diễn ra hằng ngày, hằng giờ, ngay bên cạnh. Chúng ta cần tạo ra một môi trường trong sạch hơn… Lúc đó, mới không còn gian lận”.

Trong khi đó, Phạm Văn Anh (tốt nghiệp Trường ĐH Kỹ thuật Nanyang - Singapore) cho rằng tính trung thực không phải là hàng hiếm như mọi người vẫn nghĩ. Bởi lẽ, người trung thực là người không cần ai tuyên dương hay tự hô hào rằng tôi trung thực. Tâm tình với những thí sinh chuẩn bị bước vào mùa thi, Văn Anh nói: “Hãy cố gắng hết khả năng của mình, sống thực với chính thực lực và con người của mình. Trong trường hợp trung thực mà rớt ĐH thì cũng nên chấp nhận, vì nó chứng tỏ ĐH không phải là con đường dành cho ta”.

Tiến sĩ Phạm Quốc Lộc, Trưởng khoa Ngôn ngữ và văn hóa học (Trường ĐH Hoa Sen), chia sẻ: “Trong bối cảnh xã hội ngày càng quốc tế hóa cao thì khả năng sàng lọc cũng rất cao. Điều đó đòi hỏi phải có năng lực thật mới có thể bám trụ được. Vì vậy, cần nhận thức rằng, học gì thì học nhưng phải là năng lực thật, từ đó mới tạo ra giá trị thật và có cơ hội để phát triển lâu bền”.

Những bài kiểm tra “không giấy”         

Một bữa ăn sum vầy bên nhau theo kiểu tự chọn. Người nào lấy dư thừa thức ăn, bỏ phí hoặc lấy vượt quá khẩu phần của mình sẽ cảm thấy “nhột nhột”, dù không có ai trực tiếp nhắc nhở. Đó là một trong những phép thử lòng trung thực của học sinh mà không cần đến giấy, viết, thông qua chương trình “Một ngày để sống” diễn ra tại Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam.

Ngoài bữa ăn, các em còn được thử thách tính chân thật bằng những trò chơi có thưởng điểm. Sau khi tích lũy đến mức điểm nào đó, các em sẽ tự quy đổi ra thành những món quà thích hợp theo quy định cuộc chơi, rồi tự tay chọn quà. Ban tổ chức cho hay, có một số em tưởng không có ai quan sát, đã lấy phần thưởng có giá trị cao hơn số điểm mình có.

Ngặt hơn nữa, vờ như vô tình, các anh chị điều phối viên chương trình đã làm rơi 5 - 6 phiếu điểm. Có em hội ý với cả nhóm rồi mang lên trả lại. Có những em dùng dằng, tiếc nuối, song cuối cùng cũng mang đi trả.

Gia Hân, nữ sinh lớp 7 (ngụ tại Q.Gò Vấp, TP.HCM) thừa nhận bản thân có vài lần không trung thực khi tham gia các hoạt động. Hân dẫn chứng: “Buổi trưa, em không chịu đi ngủ vì ham chơi. Nhưng khi thầy hỏi: “Em nào ngủ trưa thì giơ tay?”, em đã đưa tay lên. Các bạn khác nhìn em cười, em xấu hổ quá nên đã rụt tay lại”.

Cũng là học sinh lớp 7, Vũ Tuấn An (ngụ tại Q.6, TP.HCM) cho biết trong cuộc sống, em gặp nhiều người nói dối, làm dối. Tuấn Anh bày tỏ: “Em mong mọi người ở ngoài đời sống trung thực với nhau. Họ không gian dối với em và em cũng sẽ không gian dối với họ”.

Theo ông Bùi Văn Trung, chuyên viên huấn luyện Phòng Nghiệp vụ Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam, do môi trường sống xô bồ bên ngoài tác động nên tính cách này của các em đôi khi bị mờ nhạt.

Bình luận

* Thật tầm thường khi nghĩ mình thật thà nên thua thiệt. Có thể đó là một cái cớ để biện hộ cho những hành động không trung thực của mình.

 

(Trần Vân Anh, sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM)

* Việc luyện tập về lòng trung thực cũng như kiểu học ăn trái khổ qua. Lúc đầu chưa biết ăn, chúng ta sẽ ngần ngại, né tránh nó. Khi đã biết ăn rồi, thì dù là canh khổ qua, khổ qua xào trứng hay khổ qua luộc thì chúng ta cũng không bỏ qua”.

 

(Nguyễn Phương Uyên, sinh viên Trường ĐH Hoa Sen)

* Lòng trung thực không thể nói tôi luyện là tôi luyện được ngay. Nó phải nên hình thành sớm từ gia đình, xã hội và nhân sinh quan, cách sống của mỗi người.

 

(Hoàng  Thị Minh Trang, sinh viên Trường ĐH Hoa Sen)

Khi người ta trẻ: Hứa thật nhiều thất hứa cũng thật nhiều

Khi còn là học sinh THPT, tôi hay hứa ảo và phớt lờ lời hứa của mình với bạn bè vì nghĩ rằng ở tuổi học sinh lời hứa không quan trọng, không ảnh hưởng gì nhiều. Sau này đi làm rồi, cứ thế tôi hứa suông, cứ “ừ cho có”.

 
Minh họa: Văn Nguyễn

Cô bạn thân rủ đi tham gia một chương trình đào tạo kỹ năng. Tôi gật đầu chắc mẩm “chắc chắn đi” nhưng rồi không đi. Bạn bè rủ đi liên hoan, tôi hứa “ok” nhưng không có mặt… Cứ thế, thất hẹn, thất hứa đối với tôi là một điều bình thường. Dần thành thói quen từ lúc nào không hay. Ai rủ gì, đề nghị gì tôi cũng hứa. Nhưng hứa thật nhiều và cũng thất hứa thật nhiều. Rất ít khi tôi làm tròn trách nhiệm trong những lời hứa đó. Tôi luôn tìm cớ để đùn đẩy trách nhiệm cho việc không giữ lời hứa như: nhà có việc, bị ốm... nhưng thật ra chỉ vì tôi quên, tôi lười.

Theo thời gian, lời hứa của tôi chẳng có chút giá trị nào, các mối quan hệ cũng bị giảm sút. Bạn bè chẳng còn muốn rủ tôi đi đâu cả vì không ai còn có thể tin tưởng sau bao lần thất hứa. Đến lúc bấy giờ, tôi mới nhận ra rằng lời hứa rất quan trọng. Nó thể hiện uy tín và phẩm chất của một con người.

Vì vậy, trước khi hứa phải suy nghĩ cẩn thận, xem có đủ khả năng để thực hiện lời hứa hay không. Một khi đã hứa hẹn thì hãy cố gắng hoàn thành, tập sống có trách nhiệm với lời hứa của mình để mọi người tôn trọng và tin yêu.

Ánh Huệ 

Như Lịch

>> Quà tặng cho sự trung thực
>> Khen thưởng tài xế trung thực
>> Cái giá của ‘thiếu trung thực’
>> Cán bộ Đoàn cần gương mẫu, trung thực, sáng tạo...
>> Trung thực với dân
>> Clip kêu gọi trung thực của sinh viên gây ấn tượng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.