Thủ Thiêm, chuyện mái nhà và hy vọng đứng vững

12/07/2019 23:39 GMT+7

Ở Thủ Thiêm, "câu chuyện mái nhà" vẫn còn đau đáu nhiều nỗi niềm, đằng đẵng hơn 20 năm qua...

Trong hơn 20 năm qua, để đầu tư xây dựng Thủ Thiêm, TP.HCM đã giải tỏa trắng gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm. Đã có khoảng 14.600 hộ dân với hơn 60.000 nhân khẩu (ở các phường: Thủ Thiêm, An Lợi Đông, An Khánh, Bình Khánh và Bình An, Q.2) đã di dời để nhường chỗ cho "siêu dự án" này, với khoảng 99% diện tích đất đã được bồi thường, giải tỏa.

Thủ Thiêm - Đau đáu giấc mơ trong những căn nhà tạm bợ

Hơn 10 năm qua, nhiều khiếu nại, tố cáo phát sinh liên quan đến vấn đề thu hồi đất, đền bù, giải tỏa. Thanh tra Chính phủ từng có nhiều kết luận, trong đó thông báo kết luận kiểm tra về "ranh quy hoạch Thủ Thiêm" vào tháng 9.2018, khẳng định "khiếu nại của người dân là có cơ sở".
Và thông báo kết luận thanh tra mới nhất của Thanh tra Chính phủ vào ngày 26.6 vừa qua, tiếp tục khẳng định có nhiều sai phạm về quản lý đất đai, triển khai dự án, đầu tư từ vốn ngân sách... ở Thủ Thiêm.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP.HCM thực hiện thu hồi và hoàn trả ngay khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách nhà nước không đúng quy định đã đầu tư cho Thủ Thiêm đến thời điểm 30.9.2018 hơn 26.315 tỉ đồng.
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xem xét xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý; chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, nếu sai phạm Thủ Thiêm về kinh tế không khắc phục trước 31.12.2019.

Nỗi mong mỏi trong nước mắt ở Thủ Thiêm - Video tư liệu

Cho đến nay, vẫn còn khắc khoải những khiếu nại của người dân có nhà đất bị giải tỏa ở Thủ Thiêm. Mái nhà vốn là nơi chốn thân thương để mỗi gia đình sinh sống, quây quần bên nhau, và ở Thủ Thiêm, "câu chuyện mái nhà" vẫn còn đau đáu nhiều nỗi niềm, đằng đẵng hơn 20 năm qua. 
Những ngày qua, PV Thanh Niên bắt gặp một số người dân bị ảnh hưởng bởi dự án xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đằng sau mỗi bức hình là một câu chuyện, một thân phận dở dang nhưng hy vọng về tương lai tốt lành luôn đứng vững giữa "siêu dự án" Thủ Thiêm.

Anh Nguyễn Nhựt Trường và vợ Nguyễn Thị Hà (số nhà B12/1A khu phố 1, phường Bình An, Q.2) bên căn nhà toang hoác từng mảng tường còn sót lại ở khu Thủ Thiêm. Khu phố này được Thanh tra Chính phủ xác định nằm ngoài ranh quy hoạch Thủ Thiêm, nhưng trước đó bị giải tỏa để xây dựng Thủ Thiêm

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Bà Trần Thị Mỹ, 78 tuổi (phường An Khánh, Q.2) trên thửa đất của gia đình bà có diện tích hơn 2.000 mét vuông; khu đất này giờ là bãi đất trống đang được bán đấu giá. Một phần tư cuộc đời bà Mỹ phải đi khiếu nại để giữ lại căn nhà, nhưng đến nay khiếu nại của bà vẫn chưa được giải quyết rốt ráo

Bà Võ Thị Hiệp , 58 tuổi (tổ 25, phường Bình Khánh) bên căn nhà xập xệ của bà. Trong nhiều năm qua, gia đình bà Hiệp còn bám trụ lại Thủ Thiêm

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Anh Nguyễn Huy Hoàng, (nhà số 2A/8B, tổ 1, khu phố 1, phường Bình An, Q.2) bên căn nhà dột nát của mình. Anh Hoàng còn bám trụ lại căn nhà của anh ở Thủ Thiêm. Anh Hoàng cho biết hơn 10 năm qua, anh và vợ phải nghỉ làm thay nhau ra Hà Nội khiếu nại, chứng minh phần đất của nhà anh không nằm trong ranh quy hoạch Thủ Thiêm

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Bà Lê Thị Nga (hàng sau bên phải) cùng ông Nguyễn Thế Vinh, 83 tuổi, và gia đình con cháu đứng bên cạnh căn nhà (ở phường Bình An, Q.2). Bà Nga cho biết những ngày bị cưỡng chế, có những đứa cháu của bà còn chưa ra đời, rồi đến khi sinh ra các cháu phải sống cuộc sống thiếu thốn cùng cha mẹ, bấu víu lấy căn nhà ẩm thấp dột nát hơn 10 năm qua... 

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Bà Lê Thị Hồng Vân, 76 tuổi, cùng cháu đứng bên căn nhà của gia đình ở số 22 Lương Định Của (phường Bình Khánh, Q.2). Bà Vân cùng con mình bám trụ lại đây hơn chục năm qua, từ khi những đứa cháu còn ở chưa ra đời...

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Bà Phạm Thị Tầm, 75 tuổi, cùng con và cháu trước căn nhà của gia đình (số B19/4, phường Bình An). Bà Tầm cùng con cháu mình bám trụ lại đây, nhà bị xuống cấp, đột nát nhưng gia đình bà buộc phải sống chung với mưa gió suốt hàng chục năm qua

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Cựu đại tá quân đội Hồng Minh Hải, 70 tuổi (số nhà B27/10 khu phố 1, phường Bình An) bên bức tường nhà ông bị toạc một mảng lớn. Nhiều năm ông và gia đình bẫn bám trụ lại căn nhà của mình để chờ một ngày "vấn đề Thủ Thiêm" được giải quyết và đền bù cho gia đình ông một cách thoả đáng

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Bà Lê Thị Sáu 54 tuổi, (nhà A2/1A, khu phố 1, phường Bình An) bên căn nhà của mình còn sót lại ở khu đô thị mới Thủ Thiêm

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Bà Mai Thị Cánh (phường Thủ Thiêm) đứng trên thửa đất gia đình sau khi bị giải toả, khu đất mà cách đây hơn 10 năm là một căn nhà còn nguyên vẹn, giờ trở thành một bãi đất hoang cỏ mọc um tùm

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Nguyễn Văn Thạch, 70 tuổi (số nhà B19/8, khu phố 1, phường Bình An) trên thửa đất của ông. Khu đất mà cách đây hơn 10 năm là một căn nhà lành lặn, nhưng sau khi bị cưỡng chế, gia đình ông chuyển đi, khu đất này trở thành một bãi đất hoang cỏ cây mọc um tùm

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Bà Nguyễn Thị Kim Phượng (60 tuổi, ở P.Bình An, Q.2) bên căn chòi của mình. Sau khi căn nhà của gia đình bà bị cưỡng chế, bà Phượng dựng lên một cái lán nhỏ tạm bợ để tá túc và lo hương khói cho người chồng. Nhiều năm qua bà liên tục ra Hà Nội làm đơn kiến nghị lên nhiều cơ quan Trung ương để chứng minh phần đất của bà hoàn toàn nằm ngoài ranh quy hoạch dự án

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Ông Trần Đình Chương, 87 tuổi, và vợ là bà Nguyễn Thị Châu 82 tuổi (khu phố 5, phường An Khánh) đứng bên căn nhà của mình. Ông Chương cùng gia đình bám trụ lại đây nhiều năm qua để giữ nhà, bao năm qua căn nhà bị xuống cấp, dột nát, nước ngập, nhưng gia đình ông không được phép sửa chửa

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Bà Bùi Thị Bạch Tuyết, 69 tuổi, cùng con cháu mình trước mảnh đất của gia đình. Bà Tuyết cùng gia đình bám trụ lại đây để giữ đất, và đi khiếu nại liên tục với hy vọng giữ lại căn nhà của mình

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Chị Huỳnh Thị Hồng Loan (phường Bình An, Q.2) đứng trên mảnh đất của gia đình, trước đây tại khu đất này là một căn nhà, nhưng bây giờ là mội bãi đất hoang cỏ cây um tùm

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Bà Phạm Thị Vinh (62 tuổi) bị tàn tật trước căn nhà của mình. Bà Vinh sống lay lắt trong căn nhà tuềnh toàng, ẩm thấp hơn 10 năm qua để giữ nhà. Nhiều năm qua, bà Vinh cũng như nhiều  hộ dân khác phải sống với cảnh khổ sở vì mưa gió, và không ngừng làm đơn từ gửi các cơ quan chức năng...

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.