Thu thuế tại TP.HCM giảm hơn 12,3%

16/07/2020 18:39 GMT+7

Đó là thông tin Cục thuế TP.HCM chia sẻ tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai các nhiệm vụ còn lại những tháng cuối năm tổ chức vào chiều 16.7.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng thu thuế nội địa trên địa bàn TP.HCM đạt hơn 116.225 tỉ đồng, tương đương 40% dự toán năm 2020 và giảm 12,37% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức thu thấp nhất trong những năm qua. Diễn biến thu có xu hướng ổn định 3 tháng đầu năm và giảm từ tháng 4, trùng với thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp và thực hiện giãn cách xã hội. Trong đó, thu từ dầu thô 6.376 tỉ đồng, đạt 52,26% dự toán, giảm 47,42% so với cùng kỳ; thu nội địa trừ dầu, xổ số kiến thiết, tiền sử dụng đất, lợi nhuận còn lại trong 6 tháng được 103.255 tỉ đồng, đạt 39,62% dự toán năm 2020 và giảm 9,33% so với cùng kỳ năm 2019.
Tình hình thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng được 67.426 tỉ đồng, đạt 37,2% dự toán và giảm 12,5% so với cùng kỳ, chiếm 61,38% trên số thu nội địa trừ dầu thô. Một số khoản thu khác tăng so với cùng kỳ như thuế thu nhập cá nhân tăng hơn 7%, thuế bảo vệ môi trường tăng 5,8%... Một số khoản thu khác giảm như lệ phí trước bạ giảm 28,4%, phí, lệ phí giảm 24,2%...
Số thu giảm 12,37%, trong đó số gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41/2020 của Chính phủ là 8.216 tỉ đồng (thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp là 7.200 tỉ đồng), nếu loại trừ gia hạn thì số thu từ khu vực kinh tế giảm 3,23% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng số nợ thuế trên địa bàn lên 30.171 tỉ đồng, tăng 23,7% so với cuối năm 2019 (tương ứng 5.780 tỉ đồng), trong đó nợ khó thu là 13.779 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 45,67%.
Ông Lê Duy Minh - Cục trưởng Cục thuế TP.HCM cho biết so với số thu toàn quốc đạt trên 45% dự toán năm thì TP.HCM chỉ mới đạt được 40% dự toán. Để thực hiện công tác thu, quản lý thuế cuối năm, Cục thuế TP.HCM kiến nghị lĩnh vực thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ ngày càng phát triển trên thế giới và Việt Nam nên mong Tổng Cục thuế nghiên cứu có chương trình tích hợp người nộp thuế hệ thống thống nhất; thanh kiểm tra kinh tế số. Ngoài ra, tình hình nợ thuế ngày càng tăng cao dù cơ quan thuế đã triển khai 6 biện pháp cưỡng chế thuế nhưng vẫn không đạt hiệu quả cao. Cơ quan thuế chưa nắm được tài sản, nguồn tài chính của người nợ thuế để có thể thực hiện cưỡng chế thuế, răn đe đối tượng chây ì nợ thuế...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.