Thu tiền 'lụi' tràn lan nhiều tỉnh thành: Mỗi nơi mỗi kiểu ‘chặt chém’

25/12/2018 07:54 GMT+7

Hoạt động thu “phí” lụi ở một số bến xe mà PV Thanh Niên ghi nhận khá công khai, chóng vánh và không có bất cứ hóa đơn, chứng từ nào giao lại cho khách.

Khu vực cổng gửi và nhận hàng hóa của Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) luôn tấp nập ô tô, xe máy giao nhận hàng. Tại đây, có một khu vực dành riêng cho xe vào gửi, nhận hàng. Để vận chuyển hàng vào tận vị trí xe đậu, sẽ có một đội “cửu vạn” mặc đồng phục bảo hộ lao động dùng xe kéo chuyên chở hàng đến tận cửa xe, miễn người gửi hàng đọc đúng biển số xe tuyến muốn gửi hàng đi.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên ngày 22.12, đối với ô tô muốn vào bến gửi hay nhận hàng đều phải nộp 15.000 đồng/lượt tiền bến bãi. Tuy nhiên, việc xé vé ở cổng vào cũng rất tùy hứng và không phải ô tô nào muốn vào tận bến nhận hàng cũng được bảo vệ cho qua cổng. Giá tiền công kéo hàng từ trong bãi ra ngoài hay ngược lại của tổ dịch vụ vận chuyển ở Bến xe Mỹ Đình được thu theo mức hàng nhiều hay ít, nặng hay nhẹ, dao động từ 20.000 - 50.000 đồng.

Vào dễ, ra khó

Anh N.S.B (30 tuổi), từng nhiều lần đến Bến xe Mỹ Đình gửi, nhận hàng, cho biết, tổ dịch vụ vận chuyển ở đây thu tiền công khá cao; chỉ bốc xếp hàng lên xe rồi kéo đi vài chục mét nhưng thu đến hàng chục ngàn đồng/lượt. Khi đến gửi hàng cũng không thể tự mình đi xe vào trong bãi mà buộc phải dừng, dỡ hàng xuống ở khu vực quy hoạch cho các xe đến gửi hàng và buộc phải dùng dịch vụ kéo hàng của tổ dịch vụ vận chuyển hoạt động độc quyền, nếu không thể tự bê hàng đến vị trí xe đậu trong bãi.
Xe qua bốt canh hướng cửa ra của Bến xe đoàn 8 phải nộp tiền: xe máy 10.000 đồng và ô tô 15.000 đồng (ảnh 2,3) Ảnh: Trần Cường
Theo quan sát của PV Thanh Niên, đa số người đến gửi hàng đều thuê tổ dịch vụ vận chuyển với mức giá khác nhau, do một người đàn ông đứng ra thu và không có bất cứ hóa đơn, chứng từ nào giao lại cho khách.
Với xe máy, mỗi lượt ra vào bên trong bến xe, trực tiếp đến tận cửa xe nhận hàng bị thu 10.000 đồng tiền phí. Việc thu tiền này không có hóa đơn, chứng từ, vé hay biên lai và diễn ra công khai, chóng vánh. Điều đáng nói, mỗi ngày có đến hàng trăm lượt xe ra, vào Bến xe Mỹ Đình phải nộp tiền. Rất khó giám sát được việc thu tiền của bảo vệ cổng giao nhận hàng cũng như mức giá mà tổ dịch vụ vận chuyển hàng hoạt động, thu của khách đến nhận, gửi hàng.
Tương tự, tại Bến xe đoàn 8 (số 5 Ngọc Hồi, Q.Hoàng Mai, Hà Nội), chiều vào, các phương tiện có thể đi thoải mái. Nhưng lúc đi ra, mỗi xe máy sẽ bị chặn lại và thu 5.000 đồng, ô tô bị thu 15.000 đồng/xe. Người chặn lại thu tiền các phương tiện đều không có hóa đơn, chứng từ.
Tại đây, với mỗi kiện hàng, sau khi người nhận thanh toán cước phí với nhà xe sẽ phải trả thêm 10.000 đồng tiền phí bến bãi, hoặc 20.000 đồng với những kiện hàng lớn.
Khi được hỏi vì sao thu tiền nhưng không có vé xe, một nam nhân viên khoảng hơn 40 tuổi, chuyên thu tiền tại cửa ra của Bến xe đoàn 8, nói: “5.000 đồng mà kêu gì. Có những cái mày sờ tay vào mất cả tỉ đồng rồi”. Nói rồi nam nhân viên hối thúc chúng tôi đi nhanh để thu tiền các xe sau.

Sẽ kiểm tra

Đại diện Thanh tra giao thông Q.Hoàng Mai cho biết, đơn vị này sẽ kiểm tra việc thu phí bến bãi tại các điểm mà Báo Thanh Niên phản ánh. Cũng theo ông này, Bến xe đoàn 8 nhận hợp đồng với Bến xe Nước Ngầm; một số xe từ Bến Nước Ngầm sang đây đậu trước khi quay về Bến xe Nước Ngầm nhận khách.
Trong khi đó, ông Ngô Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết sẽ yêu cầu các lực lượng đi kiểm tra, xác minh ngay theo phản ánh của báo.
“Chặt chém” phí gửi xe, có thể phạt từ 10 - 15 triệu đồng
Chuyên gia tài chính - PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá cả, Bộ Tài chính, cho biết vấn đề quản lý và trách nhiệm của các cơ quan liên quan đối với thu phí giữ xe cao hơn quy định, trái phép còn khá chồng chéo. Cụ thể, Sở Tài chính, Sở GTVT, UBND quận, phường… đều có trách nhiệm. Vì vậy, có thể gây khó khăn trong khâu thanh, kiểm tra. Tình trạng này tiếp diễn, kéo dài, nhức nhối chưa thể xử lý dứt điểm.
Đối với phí trông giữ xe, theo ông Long hiện theo luật Phí và lệ phí 2015, giao cho UBND các tỉnh thành ban hành và quản lý. Vé trông giữ xe là một loại hóa đơn phải do cơ quan thuế phát hành hoặc được phép tự in theo văn bản chấp thuận của cơ quan thuế có thẩm quyền. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu tự in vé trông giữ xe thì phải đăng ký sử dụng hóa đơn tự in theo quy định với cơ quan thuế trực tiếp quản lý. Hiện theo quy định tại Nghị định 49 năm 2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, đối với hành vi thu phí gửi xe trái quy định sẽ bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng.
Tiêu Phong
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.